Không vội vã, dồn dập! Không phô trương, hình thức! Đó là đường lối ngoại giao của Việt Nam đã kiên trì thực hiện và đạt được thành công như hiện nay. Với việc trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021 với số phiếu tín nhiệm gần như tuyệt đối (192/193), Việt Nam đang cho thấy dấu ấn ngày càng đậm nét trong bức tranh ngoại giao giai đoạn hiện nay.
Việt Nam nhận được sự tín nhiệm rất cao khi tranh cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp quốc
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (tiếng Anh: United Nations Security Council, viết tắt UNSC) là cơ quan chính trị quan trọng nhất và hoạt động thường xuyên của Liên Hiệp Quốc, có nhiệm vụ duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, chấp nhận các thành viên mới vào LHQ và phê chuẩn thay đổi với Hiến chương LHQ. Quyền hạn của cơ quan này bao gồm thiết lập các hoạt động gìn giữ hòa bình, các biện pháp trừng phạt quốc tế và chấp nhận hành động quân sự thông qua các nghị quyết. Trong khi các cơ quan khác của LHQ chỉ có thể đưa ra các quyết định mang tính khuyến nghị và tạo dư luận thì các quyết định của Hội đồng Bảo an có tính cưỡng chế thực hiện. Tất cả thành viên của LHQ có trách nhiệm tôn trọng và thi hành. Điều đó cho thấy dù là một trong những cơ quan thành viên của Liên Hiệp quốc nhưng Hội đồng Bảo an được coi là cơ quan quyền lực nhất của tổ chức quan trọng này.
Bên cạnh 05 thành viên thường trực (gồm: Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc), Hội đồng Bảo an có 10 thành viên khác được bầu chọn tại Đại hội đồng cho nhiệm kỳ hai năm, khởi đầu từ ngày 1 tháng 1. Mỗi năm có 5 vị trí bị thay thế. Các thành viên tham gia ứng cử được lựa được chọn bởi những nhóm các quốc gia trong cùng một khu vực, rồi được phê chuẩn bởi Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.
Việc cạnh tranh vào Hội đồng Bảo an Liên Hiệp quốc hết sức quyết liệt giữa các nước trong cùng một nhóm. Trong lịch sử có những cuộc bầu cử đã hơn 140 vòng không bầu được 1 thành viên của 1 nhóm nước để trở thành thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp quốc, cuối cùng một nước khác đã phải đứng ra và nước đó mới trúng cử. Cũng có những nhóm nước đã qua rất nhiều vòng bầu cử, cuối cùng không đạt được số phiếu 2/3 cần thiết thì 2 nước tranh cử phải chia nhau mỗi nước 1 nhiệm kỳ.
Nhiệm kỳ 2020 – 2021, Việt Nam là đại diện duy nhất của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương tham gia ứng cử và được bầu với số phiếu rất cao (192/193). Điều đó cho thấy uy tín vị trí, vai trò của Việt Nam và khả năng đóng góp của Việt Nam cho Hội đồng Bảo an Liên Hiệp quốc. Qua đó tạo ra được sự thống nhất rất cao trong nhóm châu Á – Thái Bình Dương khi đề cử Việt Nam tham gia tranh cử.
Niềm vui của các thành viên của đoàn Việt Nam khi trúng cử với số phiếu gần như tuyệt đối. Ảnh: TTXVN
Dấu ấn Việt Nam ngày càng rõ nét
10 năm kể từ thời điểm lần đầu tiên trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an, Việt Nam đang ngày càng khẳng định rõ nét dấu ấn ngoại giao trên trường quốc tế. Kết thúc nhiệm kỳ lần đầu tiên, Việt Nam đã đảm nhiệm thành công nhiệm vụ của mình, góp phần đề cao tuân thủ các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, giảm căng thẳng và thúc đẩy hợp tác, hỗ trợ giải quyết các vấn đề hòa bình, an ninh tại nhiều khu vực trên thế giới, đồng thời có những sáng kiến cụ thể, thực chất về nội dung cũng như giúp cải tiến phương thức hoạt động của Hội đồng Bảo an.
Trải qua gần 10 năm, Việt Nam đang ngày càng thể hiện rõ vai trò trong tổ chức các diễn đàn, Hội nghị quan trọng nhằm hòa giải, giải quyết những vấn đề xung đột, bất đồng, những vấn đề “nóng” tại khu vực và quốc tế. Mới đây nhất đó là Năm APEC 2017, Hội nghị hợp tác WEF-ASEAN 2018 và Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ – Triều Tiên lần thứ hai (tháng 2/2019). Qua đó, khẳng định khả năng chủ động tham gia dẫn dắt, định hình các cơ chế quốc tế và khu vực, từng bước phát huy vai trò “trung gian, hòa giải” trong giải quyết các vấn đề hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế.
Ngày 01/01/2020, Việt Nam sẽ chính thức bắt đầu nhiệm kỳ thứ 2 Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp quốc. Đi kèm với đó, năm 2020 cũng là thời điểm Việt Nam đảm nhiệm vị trí Chủ tịch ASEAN năm 2020. Như đánh giá của Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc, đây là trọng trách rất lớn, là “trách nhiệm kép”, cũng là cơ hội thuận lợi giúp Việt Nam thúc đẩy việc tăng cường hợp tác giữa Liên hợp quốc với các tổ chức khu vực, tiểu khu vực, bao gồm ASEAN, qua đó đóng góp hiệu quả vào việc đề cao vai trò của chủ nghĩa đa phương đối với hòa bình và an ninh của khu vực và quốc tế.
Với vị thế là Chủ tịch ASEAN, đồng thời là Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp quốc, Việt Nam sẽ có vai trò quan trọng trong việc đóng góp tiếng nói của Việt Nam nói riêng và cộng đồng các nước ASEAN nói chung đối với những vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội Hội đồng Bảo an phải giải quyết ngay trong năm 2020, trong đó có những nội dung liên quan đến chủ quyền biển đảo tại Biển Đông hiện nay. Đây sẽ là bước tiến quan trọng trong quan hệ ngoại giao của Việt Nam cũng là lời khẳng định cho dấu ấn Việt Nam trên trường quốc tế./.
Nam Việt
Nguồn: Người con Đất Mẹ