Tại tòa, bị cáo Hoàng Công Lương đã hiểu hơn về tội danh vô ý làm chết người trong bản án sơ thẩm nên chỉ xin giảm hình phạt và được hưởng án treo.
Sáng 12.6, tiếp tục phiên tòa phúc thẩm vụ án tai biến chạy thận khiến 9 người tử vong tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình xảy ra hồi tháng 5.2017, chủ toạ phiên tòa, ông Nguyễn Văn Vận, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Hòa Bình, cho hay sau phiên sơ thẩm, bị cáo Hoàng Công Lương có 3 đơn kháng cáo với 3 nội dung đối lập.
Đơn đầu tiên bị cáo Lương kháng cáo kêu oan, sau đó xin miễn trách nhiệm hình sự. Trong đơn kháng cáo thứ 3 nộp cuối tháng 3, bị cáo Lương xin được xem xét lại tội danh, giảm hình phạt và hưởng án treo.
“Bị cáo có 3 đơn kháng cáo hoàn toàn khác nhau, đối lập nhau, không phải đơn kháng cáo bổ sung, như vậy, bị cáo thay đổi kháng cáo, tại tòa bị cáo kháng cáo nội dung gì?”, tòa hỏi bị cáo Lương.
Trả lời câu hỏi của Hội đồng xét xử, bị cáo Lương cho biết xin được giữ đơn kháng cáo cuối cùng. Tuy nhiên, bị cáo xin rút phần kiến nghị xem xét tội danh.
“Tòa sơ thẩm mở lần 2, bị cáo đã nghiên cứu, tìm hiểu, nhận thức được về tội vô ý làm chết người, bị cáo xin tòa xem xét các tình tiết, vai trò của bị cáo. Bị cáo nhất trí với tội vô ý làm chết người, chỉ xin giảm hình phạt và xin hưởng án treo”, bị cáo Lương nói.
Trình bày các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo Lương sau đó, luật sư khẳng định Hoàng Công Lương đã nhận thức được mức độ, hành vi của mình. Bị cáo cũng thành khẩn khai báo, ăn năn, hối cải. “Đầu tiên bị cáo kêu oan nhưng sau xin giảm nhẹ hình phạt là đã có chuyển biến về nhận thức”, luật sư của bị cáo Lương nói.
Bên cạnh đó, mặc dù bản án sơ thẩm không yêu cầu bị cáo Lương khắc phục hậu quả nhưng với tinh thần cầu thị, trách nhiệm, gia đình bị cáo đã sửa chữa, khắc phục một phần cho các gia đình bị hại.
Bốn bị cáo còn lại là Trần Văn Thắng, nguyên Trưởng phòng Vật tư – Thiết bị y tế; Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Cổ phần Dược phẩm Thiên Sơn; Hoàng Đình Khiếu, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, và Trương Quý Dương, nguyên Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, đều giữ nguyên nội dung đơn kháng cáo.
Theo đó, bị cáo Trần Văn Thắng thừa nhận tội danh, chỉ xin giảm nhẹ hình phạt, xin hưởng án treo. Bị cáo Hoàng Đình Khiếu cho rằng, mức án 36 tháng của tòa sơ thẩm là chưa thỏa đáng và đề nghị tòa phúc thẩm xem xét lại trách nhiệm của bị cáo trong vụ án này.
Bị cáo Trương Quý Dương đề nghị xem xét lại toàn bộ trách nhiệm của bị cáo trong vụ án, còn bị cáo Đỗ Tuấn Anh kêu oan và đề nghị xem xét bản án sơ thẩm, cho rằng bản án sơ thẩm không đúng, không khách quan, tội danh quy buộc không thỏa đáng.Trước đó, chiều 30.1, trong phiên tòa sơ thẩm, Tòa án nhân dân thành phố Hòa Bình đã tuyên án đối với 7 bị cáo trong vụ án tai biến chạy thận khiến 9 người tử vong tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình ngày 29.5.2017.
Theo đó, bị cáo Hoàng Công Lương bị tuyên phạt 42 tháng tù vì tội Vô ý làm chết người. Cùng tội danh Vô ý làm chết người, bị cáo Bùi Mạnh Quốc bị tuyên phạt 54 tháng tù.
Các bị cáo Trương Quý Dương (nguyên Giám đốc bệnh viện) và Đỗ Anh Tuấn (Giám đốc Công ty cổ phần dược phẩm Thiên Sơn) cùng bị tuyên phạt 30 tháng tù; Hoàng Đình Khiếu (nguyên Phó giám đốc bệnh viện) và Trần Văn Thắng (nguyên Trưởng phòng vật tư) cùng bị tuyên 36 tháng tù; và Trần Văn Sơn (nhân viên Phòng Vật tư thiết bị y tế Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình) lĩnh án 42 tháng tù, cùng về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Sau đó, 5 trong số 7 bị cáo đã gửi đơn kháng cáo, bao gồm: Hoàng Đình Khiếu, Trương Quý Dương, Trần Văn Thắng, Hoàng Công Lương, Đỗ Anh Tuấn. Riêng 2 bị cáo Bùi Mạnh Quốc và Trần Văn Sơn không kháng cáo.
Trước phiên tòa phúc thẩm khai mạc ngày 13.5, bị cáo Hoàng Công Lương đã có đơn từ chối 9 luật sư bào chữa cho mình. Tại phiên phúc thẩm, Hoàng Công Lương chỉ có duy nhất một luật sư bào chữa thay vì 10 luật sư bào chữa như tại phiên tòa sơ thẩm. Luật sư Hoàng Văn Hướng cũng là người lần đầu tiên tham dự phiên tòa.
Nguồn: Thanh niên