Trang chủ Tin tức Quốc hội không đồng ý cho phạm nhân lao động ngoài trại...

Quốc hội không đồng ý cho phạm nhân lao động ngoài trại giam

142
0

Chưa đến 50% số đại biểu đồng ý với Quy định tổ chức cho phạm nhân lao động ngoài trại giam, quy định tại Dự thảo luật thi hành án hình sự (sửa đổi).

Sáng 29/5, Quốc hội đã lấy ý kiến các đại biểu bằng hệ thống điện tử về 2 nội dung của Dự thảo Luật thi hành án hình sự (sửa đổi), trong đó có Quy định về tổ chức cho phạm nhân lao động ngoài trại giam, quy định tại Điều 33 Dự thảo Luật.

Quốc hội không đồng ý cho phạm nhân lao động ngoài trại giam

Quốc hội lấy ý kiến các đại biểu bằng hệ thống điện tử về 2 nội dung của Dự thảo Luật thi hành án hình sự (sửa đổi).

Theo đó, có 424 đại biểu tham gia ý kiến (87,60%), trong đó có 234 đại biểu đồng ý (48,35%), 180 đại biểu không đồng ý (37,19%), 10 đại biểu không tham gia ý kiến (2,07%).

Kết quả biểu quyết cho thấy quy định này chưa được quá 50% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành.

Trước đó, tại phiên thảo luận ngày 22/5, Quy định cho phép trại giam phối hợp với doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân để tổ chức cho phạm nhân lao động và có thể tổ chức khu sản xuất, điểm lao động ngoài trại giam nhận được nhiều ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội.

Ủng hộ quy định như dự thảo, đại biểu Nguyễn Thị Thủy – Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp phân tích, việc tổ chức lao động không chỉ cải tạo mà còn rất cần thiết cho mục tiêu phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng sau này. Bởi người đi tù nhiều năm, khi mãn hạn tù ra xã hội khó tìm việc, mặc cảm, tự ti và nguy cơ tái phạm cao.

Cũng theo nữ đại biểu, thời gian qua, Bộ Công an thí điểm tổ chức lao động ngoài trại và các điểm lao động đều thiết kế theo mẫu của trại, có tường rào, cách biệt khu dân cư. Kết quả thí điểm giúp đa dạng hóa ngành nghề, việc làm, học nghề, chuyển nghề. Theo Bộ Công an, trong gần 7.000 phạm nhân lao động ngoài trại chỉ có 1 phạm nhân bỏ trốn.

Có đại biểu cho rằng, các trại giam thường biệt lập so với khu dân cư nên việc phạm nhân ra ngoài lao động không phải mối đe dọa thực sự với cộng đồng.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đại biểu bày tỏ chưa đồng tình với quy định như dự thảo. Đại biểu Nguyễn Mai Bộ – Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh đặt vấn đề về tính pháp lý, rằng các quy định này có vượt quá phạm vi của Bộ Luật Hình sự hay không.

“Bộ luật Hình sự quy định buộc phạm nhân phải chấp hành hình phạt tại cơ sở giam giữ trong một thời hạn nhất định. Doanh nghiệp không phải là cơ sở giam giữ nên thiết kế lao động ngoài trại là vượt quá quy định của Bộ luật Hình sự. Quy định ở đây là cơ chế thi hành những quy định của Bộ luật Hình sự nên cần thực hiện theo đúng quy định của Bộ luật” – ông Nguyễn Mai Bộ nói.

Quốc hội không đồng ý cho phạm nhân lao động ngoài trại giam

Các đại biểu Quốc hội ấn nút thể hiện thông qua hay không thông qua quy định tổ chức cho phạm nhân lao động ngoài trại giam.

Đại biểu Nguyễn Bá Sơn – Phó trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách thành phố Đà Nẵng không phản đối việc đưa vào trong luật nội dung này nhưng đề nghị phải giải quyết hàng loạt vấn đề mang tính pháp lý.

Ông Sơn đặt vấn đề và dẫn chứng nhiều quy định trong Bộ Luật Hình sự như quy định buộc phạm nhân chấp hành hình phạt tại cơ sở giam giữ thì thi hành án phải đạt được mục tiêu này.

“Dự thảo trao cho trại quyền đưa phạm nhân ra khỏi cơ sở giam giữ thì căn cứ vào đâu? Báo cáo của Bộ Công an là doanh nghiệp tổ chức nơi lao động theo mẫu thiết kế của trại giam, có đầy đủ công trình đảm bảo yêu cầu an ninh thì tôi băn khoăn thiết kế này là cái gì, là trại giam hay công trường, xí nghiệp? Giải quyết mối quan hệ giữa người lao động với chủ lao động như thế nào? Chúng ta không thể thông qua thiết chế mà chưa có quy định” – vị đại biểu đoàn Đà Nẵng nêu quan điểm./.

Nguồn: VOV

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây