Ngày 27.5, đa số các đại biểu Quốc hội khi thảo luận về quản lý, sử dụng đất đai ở đô thị đều cho rằng, việc có khung giá đất tiệm cận với giá thị trường “dù khó cũng không thể không làm”.
Không “giao trứng cho ác”
Báo cáo giám sát tối cao là “tài liệu thu hồi”
Giới PV và thậm chí một số ĐB trong phiên làm việc ngày 27.5 bất ngờ khi báo cáo giám sát tối cao của QH về đất đai lại là “tài liệu thu hồi”. Trả lời câu hỏi của Thanh Niên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Nguyễn Minh Sơn, Tổ trưởng tổ giúp việc của đoàn giám sát chỉ nói “tài liệu đã được phát cho ĐB để ĐB nghiên cứu, sau đó thu hồi lại”. Tương tự, Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết đây là “quy chế quản lý tài liệu của QH”. Trong khi đó, ĐB Lưu Bình Nhưỡng cho biết chính ông “cũng rất suy nghĩ về câu chuyện này”. “Tôi nghĩ tài liệu này đáng ra không cần thiết phải thu hồi”, ông Nhưỡng nói.
Định giá đền bù thấp, nhưng khi biến thành đất dự án thì giá cao ngất ngưởng khiến doanh nghiệp được hưởng lợi bất chính; quan chức thông đồng sai phạm và người dân bức xúc khiếu kiện kéo dài… là những vấn đề được các đại biểu (ĐB) đặc biệt quan tâm.
“Quyền sử dụng đất là hàng hóa. Giá cả phải tuân thủ theo luật cung cầu của thị trường. Xác định giá đất và kiến trúc các tài sản gắn liền với đất cần được sự đồng thuận của các bên có liên quan, nhất là người dân trong vùng dự án. Thuận mua vừa bán. Mọi sự ép giá theo ý muốn chủ quan sẽ gây ra mâu thuẫn, tranh chấp”, ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nêu quan điểm.
Chia sẻ ý kiến này, ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cho rằng: “Phải chấm dứt tình trạng có khu vực đã áp mức giá tối đa của Chính phủ vẫn thấp hơn nhiều so với thị trường. Đây là vấn đề rất khó, nhưng không thể không làm”.
Đau đáu về tình trạng đại gia thâu tóm “đất vàng” với giá rẻ mạt, ĐB Đinh Duy Vượt nói: “Cử tri mong muốn đất đai làm giàu cho đất nước, tạo ra đô thị văn minh, hiện đại, giải quyết vấn đề an cư để lạc nghiệp, nâng cao đời sống nhân dân trong vùng chứ không phải để các đại gia thâu tóm những “đất vàng”, “đất kim cương” chờ thời. Cử tri hoài nghi có hay không lợi ích nhóm, sân trước sân sau cùng cộng sinh với quan chức chỉ thích chỉ định chủ đầu tư thay cho đấu giá, lợi dụng cơ chế vừa đá bóng vừa thổi còi để định giá có nơi rẻ như bèo?”. ĐB Vượt cho rằng “tài nguyên đặc biệt” (đất đai – PV) phải được nhà nước “chọn mặt gửi vàng” chứ không phải “giao trứng cho ác”.
Nhiều vấn đề “nóng” chưa được đề cập thỏa đáng
Nhiều ĐB cho rằng báo cáo giám sát vẫn chưa đề cập thỏa đáng nhiều vấn đề nóng, gây bức xúc.
Theo ĐB Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương), báo cáo phải giải quyết được những câu hỏi lớn như: liệu có phải do sức ép thu ngân sách nên các địa phương đã tích cực khai thác nguồn thu từ quyền sử dụng đất hay không; hay những vấn đề cử tri quan tâm như: minh bạch đấu giá, đấu thầu, định giá, lợi ích nhóm; vấn đề công khai, minh bạch trong công tác thanh tra về đất đai. ĐB Hồng cho rằng, hiện có tình trạng “lạm dụng đóng dấu mật để không công khai, không minh bạch trong vấn đề thanh tra”.
“Nhiều vấn đề dư luận và báo chí nêu, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, nhưng khi các đoàn thanh tra mang kết quả về lại đóng dấu mật”, ông Hồng nói và đề nghị Chính phủ phải công khai các kết luận thanh tra cũng như việc thực hiện kết luận thanh tra để nhân dân giám sát.
Trong khi đó, ĐB Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) cho rằng, qua giám sát, có những dự án, công trình ở những địa phương nào vi phạm thì đoàn giám sát phải chỉ ra cụ thể. Cùng quan điểm, ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho rằng, những vụ việc như: Vũ “nhôm” và Út “trọc” thâu tóm đất công chuyển nhượng trái phép; một số lãnh đạo ngành công an và quân đội cũng đã và đang bị xem xét kỷ luật, kể cả một số cán bộ cấp cao và tướng lĩnh là hiện tượng nghiêm trọng gây bức xúc cho xã hội. Nhưng không biết vì lý do gì, báo cáo của QH không nhắc tới.
Quốc hội sẽ chất vấn các bộ trưởng: Công an, Xây dựng, GTVT, VH-TT-DL
Chiều 27.5, Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, sau khi gửi phiếu xin ý kiến ĐBQH, đã xác định 4 nhóm vấn đề sẽ chất vấn tại kỳ họp này, gồm nhóm vấn đề an ninh trật tự, phòng chống tội phạm; văn hóa – thể thao – du lịch; xây dựng và giao thông vận tải. Các bộ trưởng Bộ Công an, Bộ Xây dựng, Bộ GTVT và Bộ VH-TT-DL sẽ là những người chịu trách nhiệm trả lời chính các câu hỏi chất vấn của ĐBQH. Các phó thủ tướng phụ trách lĩnh vực và bộ trưởng liên quan cũng sẽ tham gia trả lời câu hỏi của ĐB. Cuối cùng, Thủ tướng hoặc một phó thủ tướng được phân công sẽ trả lời tất cả nhóm vấn đề ĐB chất vấn liên quan tới đường lối chung của Chính phủ.
Nghiêm cấm đứng tên mua, nhận chuyển nhượng cho người nước ngoài
Một trong những nội dung được đoàn giám sát của QH kiến nghị sau khi giám sát đất đai là “ban hành cơ chế nghiêm cấm người VN đứng tên mua nhà, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất cho người nước ngoài”. Một số ĐBQH thắc mắc việc báo cáo giám sát đưa ra kiến nghị giải pháp, nhưng lại không có thực trạng. Trao đổi với Thanh Niên bên lề QH, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Nguyễn Minh Sơn, Tổ trưởng tổ giúp việc của đoàn giám sát, cho biết qua khảo sát thực tế, làm việc với các địa phương, đoàn giám sát phát hiện ra vấn đề và đưa vào kiến nghị giải pháp. Tuy “khất” câu trả lời về việc đã phát hiện tình trạng này ở địa phương nào, nhưng ông Sơn xác nhận “có tình trạng đó” và nhấn mạnh: Tổng kết Nghị quyết 19 của T.Ư và Kết luận 36 của Bộ Chính trị cũng nêu vấn đề đó và được báo cáo giám sát tối cao của QH đề cập, đã phần nào nói lên mức độ nghiêm trọng của tình hình.
Nguồn: Thanh niên