TỰ Ý ĐỔ ĐẤT BỊT LỐI ĐI RA SÔNG
Theo phản ánh của nhân dân về việc tại khu vực đường 11, tập thể F361, khu vực giáp ranh giữa 2 phường Yên Phụ (Tây Hồ) và Phúc Xá (Quận Ba Đình) xảy ra tình trạng đổ đất, lấn chiếm lòng sông Hồng. Theo đó, một nhánh sông Hồng chạy qua địa phận phường Tứ Liên và Yên Phụ, quận Tây Hồ đã bị đổ phế thải, lấp sông, Các xe đổ phế thải thường hoạt động vào ban đêm, mỗi ngày chỉ đổ vài xe và khoảng 2 năm trở lại đây đã gần lấp xong đoạn sông này.
Hiện các vị trí đổ phế thải đã được san phẳng, rào giậu chia lô. Việc lấn chiếm còn ngang nhiên đến mức người ta tự ý đổ đường làm cổng riêng, bịt lối không cho ai đi qua, để tiếp tục đổ đất phía bên trong xây nhà chiếm đất.
Một người dân tại khu vực tập thể F361 cho biết, các công trình xây dựng này đã được san lấp cách đây khoảng trên dưới 2 năm nay, đầu tiên họ đổ đất san lấp và rào giậu xung quanh, sau đó trồng cây và biến thành tài sản riêng của họ. Đến nay chỗ thì biến thành vườn trồng cây, chỗ thì trở thành bãi trông giữ xe ô tô còn người dân thì mất con đường đi ra sông Hồng.
Đây là một trong rất nhiều trường hợp về hành vi lấn chiếm đất trái phép đã được ghi nhận trong thời gian qua. Mặc dù có sự khác nhau về địa bàn, thời gian, cách thức thực hiện nhưng tựu chung lại, những hành vi lấn chiếm này đều diễn ra âm ỉ, trong một thời gian dài nhưng không hoặc chưa được xử lý dứt điểm, triệt để. Đó chính là nguyên nhân gây ra tình trạng bức xúc kéo dài trong quần chúng nhân dân nói chung và người dân sinh sống tại khu vực diễn ra hành vi lấn chiếm nói riếng. Bên cạnh đó, chính việc những hành vi sai phạm diễn ra ngang nhiên, liên tục gây ra tâm lý bức xúc cho người dân sinh sống trên địa bàn trong một thời gian dài.
Công trình lấn chiếm sông Hồng
TRÁCH NHIỆM THUỘC VỀ AI?
Trách nhiệm trước hết thuộc về cá nhân những người có hành vi vi phạm. Bản thân họ phải nhận thức được rằng, hành vi lấn chiếm đất như vậy là vi phạm vi phạm. Hơn nữa, trong trường hợp này, hành vi lấn chiếm đất lòng sông là đặc biệt nghiêm trọng. Bản thân nền đất tại khu vực này không đảm bảo cho việc thi công các công trình có tuổi thọ lâu dài. Tuy nhiên, bỏ mặc những tiêu chuẩn về thi công, những cá nhân này vẫn ngang nhiên bất chấp để thực hiện hành vi vi phạm.
Đối với những cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước các lĩnh vực liên quan đến tài nguyên, môi trường. Đó là sự vào cuộc thiếu quyết liệt trong công tác thực thi nhiệm vụ, chỉ tập trung vào việc xử lý những hành vi vi phạm hiện hữu, nhưng chưa chú trọng vào việc ngăn chặn những hành vi tiềm tàng với mục đích lấn chiếm đất. Thực tế tại vụ việc đã nêu, hành vi lấn chiếm đã diễn ra trong một thời gian khá dài nhưng không hề có sự phát hiện, ngăn chặn của lực lượng chức năng.
CẦN PHẢI LÀM GÌ?
Trước hết, cần thiết phải có lực lượng chức năng ra quân ngăn chặn ngay lập tức hành vi lấn chiếm đất sông Hồng đang diễn ra. Đây được cho là biện pháp để ngăn chặn tức thì, không để cho hành vi vi phạm tiếp diễn trên địa bàn. Để thực hiện điều đó, cơ quan chức năng cần có đầy đủ căn cứ chứng minh vi phạm của các cá nhân, tổ chức về hành vi lấn chiếm đất sông Hồng. Đây chính là khâu quan trọng, trước tiên để xử lý được vấn đề vi phạm này.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần triển khai ngay các hoạt động nhằm xác minh, làm rõ trách nhiệm của cán bộ, công chức của các cơ quan nhà nước trong quá trình xử lý, giải quyết hành vi lấn chiếm đất sông Hồng trong thời gian qua. Trong đó, đặc biệt phải làm rõ mối quan hệ giữa những cá nhân có hành vi vi phạm với những cá nhân, tổ chức có thẩm quyền giải quyết vụ việc. Quá trình thực thi cần quán triệt tinh thần khách quan, trung thực, không bỏ qua bất kỳ sai phạm nào cho dù sai phạm đó bắt nguồn từ chính lực lượng thực thi pháp luật.
Kết quả giải quyết vụ việc cần thông báo công khai, rộng rãi để người dân nắm được, không để tình trạng nhiễu loạn thông tin về quá trình thụ lý, giải quyết vụ việc. Đặc biệt là thông tin liên quan đến hoạt động của cơ quan chức năng.
Đối với người dân tại địa bàn, nơi xảy ra hành vi vi phạm, cần chủ động phối hợp với lực lượng chức năng để cung cấp những thông tin, tài liệu xác thực chứng minh hành vi vi phạm của các cá nhân trong vụ việc lấn chiếm đất đã nêu. Bên cạnh đó, cần đặc biệt tỉnh táo trong suy nghĩ và hành động, tránh để xảy ra tình trạng người dân bị những kẻ cực đoan, quá khích xúi giục gây ra tình trạng tụ tập đông người, gây rối an ninh, trật tự. Như vậy không những không giải quyết được tình hình mà gián tiếp gia tăng tình trạng căng thẳng, phức tạp tại địa phương. Trong tình huống này, người dân cần quán triệt tinh thần, trách nhiệm xử lý hành vi vi phạm cần thực hiện theo quy định của pháp luật và cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới là chủ thể có thẩm quyền để thực thi những chế tài đó theo quy định của pháp luật.
Nam Việt
Nguồn: Người con Đất Mẹ