Trang chủ Tin tức Muốn lãnh đạo, Đảng phải thường xuyên chỉnh đốn

Muốn lãnh đạo, Đảng phải thường xuyên chỉnh đốn

209
0

Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành một thời lượng lớn để nói về việc xây dựng Đảng, coi xây dựng và chỉnh đốn Đảng là tất yếu khách quan.

Bản Di chúc còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn

Nhiều năm nghiên cứu về những di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc (nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng- Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho biết, mặc dù đã 50 năm trôi qua, kể từ ngày bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được công bố nhưng cho tới nay, những giá trị lý luận và giá trị thực tiễn của văn kiện quý giá này vẫn còn nguyên tính thời sự.

Muốn lãnh đạo, Đảng phải thường xuyên chỉnh đốn

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc (nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng- Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh)

Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành một thời lượng lớn để nói về việc xây dựng Đảng. Bởi, từ thực tiễn lãnh đạo cách mạng của các thời kỳ trước, trong việc đấu tranh giải phóng dân tộc, cuộc Cách mạng Tháng Tám, trong 2 cuộc kháng chiến… bên cạnh những mặt tốt, mặt đúng đắn cũng đã bắt đầu bộc lộ những biểu hiện tiêu cực.

Người nhìn thấy những nguy cơ về sự suy thoái đạo đức, lối sống, nguy cơ về chủ nghĩa cá nhân, gắn liền với đó là những tiêu cực khác; xuất hiện tâm lý hưởng thụ, lo vun vén lợi ích riêng… Người cũng đã cảnh báo về những nguy cơ có thể gặp phải với một Đảng sau khi giành được thắng lợi đó là tính kiêu ngạo, sự dốt nát và tham nhũng.

Vì vậy, xây dựng và chỉnh đốn Đảng là tất yếu khách quan, là nhiệm vụ vừa cấp bách vừa thường xuyên của Đảng, nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng. Chính vì vậy, trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”; “trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình” để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Mỗi cán bộ đảng viên phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng; giữ gìn Đảng ta thật trong sạch.

“Đọc lại Di chúc càng thấy được những điều căn dặn của Bác Hồ rất căn bản. Cái gốc nhất vẫn là đạo đức. Bác viết: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Suy nghĩ về cuộc đấu tranh chống lại những suy thoái trong Đảng hiện nay, chúng ta càng cần phải ngẫm lại Di chúc của Bác” –PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc cho biết.

Theo nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, các Nghị quyết của Đảng trong nửa thế kỷ qua luôn thấm đẫm tư tưởng và việc làm cụ thể hiện thực hóa những di nguyện của vị lãnh tụ vĩ đại về xây dựng Đảng. Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên… đã đạt được nhiều kết quả tích cực, niềm tin của nhân dân với Đảng được củng cố.

Có thể thấy, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng XII đến nay, công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán được chỉ đạo quyết liệt, chặt chẽ, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các sai phạm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương.

Câu nói của Tổng Bí thư: “Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy” cho thấy quyết tâm phòng chống “giặc nội xâm” và quyết xử lý các tiêu cực của cán bộ, đảng viên đến nơi đến chốn. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, hơn 53.000 cán bộ, đảng viên đã bị xử lý kỷ luật, trong đó có hơn 60 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý.

Theo ông Nguyễn Trọng Phúc, chưa bao giờ chúng ta xử lý nhiều cán bộ như vậy. Điều này thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng trong việc làm trong sạch đội ngũ, nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý. Việc làm này cũng rất bài bản, trách nhiệm, hiệu quả và tạo ra được chuyển biến trong lãnh đạo của Đảng. Quan trọng đó là củng cố niềm tin của nhân dân. Việc xử lý đó có ý nghĩa cảnh báo, cảnh tỉnh để những cán bộ đảng viên tránh khỏi những sai lầm.

“Ý nghĩa của Di chúc như một cương lĩnh hành động của Đảng từ khi Bác đi xa. Đó là những vấn đề lớn lao, những vấn đề chiến lược của cách mạng” – ông Nguyễn Trọng Phúc nhấn mạnh.

Chỉ có thường xuyên xây dựng và chỉnh đốn, Đảng mới giữ vững vai trò lãnh đạo và cầm quyền

TS Ngô Vương Anh (Báo Nhân dân) cho rằng, bên cạnh những mặt đã đạt được, Đảng ta cũng đồng thời đang phải đối mặt với không ít khó khăn, nguy cơ, thách thức, đặc biệt là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn. Tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng.

Đây là một vấn đề gây nhức nhối trong xã hội, làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng, “làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, là một nguy cơ trực tiếp đe doạ sự tồn vong của Đảng và chế độ.

Muốn lãnh đạo, Đảng phải thường xuyên chỉnh đốn

TS Ngô Vương Anh (Báo Nhân dân). (ảnh: VTV)

Nguyên nhân của tình trạng suy thoái đạo đức, phải xử lý kỷ luật cán bộ cả đương chức và nghỉ hưu như vừa qua đó là sự quan tâm công tác giáo dục đạo đức trong Đảng chưa đúng tầm, chưa được nhìn nhận một cách thấu đáo, toàn diện, thường xuyên, cho nên mới dẫn đến tình trạng nhiều cán bộ đảng viên không gương mẫu về đạo đức, làm cho quần chúng mất niềm tin.

“Xét đến cùng vẫn là yếu tố con người, cán bộ, đảng viên nếu không vượt qua được những cám dỗ của quyền lực, tiền bạc, quên đi trách nhiệm trước Đảng, trước dân, quên trách nhiệm nêu gương, cần, kiệm, kiêm, chính, chí công vô tư thì hư hỏng là điều khó tránh khỏi”- TS Ngô Vương Anh nói.

Phân tích đoạn nói về Đảng trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, TS Ngô Vương Anh cho biết: “Trong Di chúc, Người dùng những từ giản dị nhưng gây một ấn tượng rất mạnh. Trong một đoạn nói về Đảng, Người dùng tới 4 chữ “thật”: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Người nhấn mạnh công tác xây dựng Đảng phải tiến hành một cách thật sự, phải chống lại căn bệnh hình thức, những việc làm không đến nơi đến chốn. Những câu nói của Người cô đọng, súc tích và cho đến nay vẫn mang giá trị thời đại” – TS Ngô Vương Anh nói và nhấn mạnh chỉ có thường xuyên xây dựng và chỉnh đốn, Đảng mới trong sạch, vững mạnh, mới giữ vai trò lãnh đạo và cầm quyền của mình đối với dân tộc, đất nước.

Theo ông Ngô Vương Anh, muốn xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, trước hết mỗi cán bộ, đảng viên phải thực sự thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bởi “người dân nhìn vào Đảng thông qua những hành động cụ thể, những tấm gương, đạo đức, tư cách của từng đảng viên”. Trong công việc, hay lối sống hàng ngày, đảng viên phải là người gương mẫu đi đầu, có ý thức tự giác tự phê bình và phê bình.

Ngoài việc kêu gọi tinh thần tự giác, ý thức của mỗi cán bộ, đảng viên thì vẫn cần công cụ giám sát hữu hiệu để kiểm tra, giám sát; một bộ khung để soi chiếu các tiêu chí công việc, cũng như tư cách đạo đức của cán bộ, đảng viên.

Quan trọng là phải có cơ quan giám sát nghiêm minh, nếu phát hiện cán bộ, bộ đảng viên mắc sai phạm thì phải xử lý kịp thời, nghiêm minh. Bên cạnh đó là cần dựa vào sức mạnh của nhân dân để xây dựng Đảng, dựa vào dân để uốn nắn, giáo dục, xử lý cán bộ; cũng như kiểm soát quyền lực thường xuyên, mạnh mẽ từ trên xuống dưới, gắn chặt quyền với trách nhiệm, lợi ích với nghĩa vụ, quyền càng cao thì trách nhiệm càng phải nặng, lợi ích hưởng càng nhiều thì nghĩa vụ đóng góp càng phải lớn./.

Nguồn: VOV

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây