Ông Triệu Tài Vinh, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang, một trong những địa phương bị phát hiện gian lận thi cử năm 2018, khẳng định bản thân “còn nóng hơn phóng viên” khi muốn xử lý vụ việc.
Trước câu hỏi báo chí đặt ra bên hành lang phiên họp Quốc hội sáng nay 22.5, về vụ việc gian lận thi cử trung học phổ thông quốc gia diễn ra đã khá lâu nhưng vì sao xử lý vẫn còn chậm, ông Triệu Tài Vinh, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang, một trong những địa phương phát hiện có gian lận thi cử tại kỳ thi trên vào năm 2018, cho rằng: “Cái gì cũng có quy trình của nó, khởi tố vụ án còn liên quan đến người nào, trách nhiệm thế nào”.
Ông Triệu Tài Vinh cũng nói thêm, có thể 1 tháng nữa sẽ có kết quả. “Thậm chí tôi còn muốn làm nhanh hơn”, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang nói.
“Hôm nay, tôi vừa gọi điện về bảo khẩn trương làm cuộc kiểm điểm đi”, ông Vinh nói với báo chí.
Khi được hỏi về trách nhiệm người đứng đầu địa phương trong vụ việc này, ông Vinh thẳng thắn: “Tôi biết anh quan tâm tới gì. Tôi còn nóng hơn anh. Vấn đề là xử lý những người có tên liên quan, ví dụ như cá nhân tôi đúng không? Tôi thì dư luận phán xét xong rồi”.
Trước đó, tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, thông qua chấm thẩm định đã phát hiện 114 thí sinh của Hà Giang được nâng điểm, trong đó có thí sinh T.T.M (con gái ông Triệu Tài Vinh) cũng được nâng điểm.
Trả lời báo chí sau đó, ông Vinh bác bỏ thông tin gia đình sắp xếp để con gái mình được nâng điểm, bởi, bản T.T.M có thành tích học tập cao.
Sau đó, cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ liên quan gian lận thi cử tại tỉnh này. Tới nay, cơ quan chức năng đã khởi tố 5 bị can, gồm: Vũ Trọng Lương (Phó trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang), Nguyễn Thanh Hoài (Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang), Triệu Thị Chính (Phó giám đốc Sở GD-ĐT, Phó chủ tịch Hội đồng, Trưởng Ban chấm thi của Hội đồng thi THPT quốc gia 2018 tỉnh Hà Giang), Phạm Văn Khuông (Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang) và Lê Thị Dung (Phó đội trưởng Phòng Bảo vệ chính trị nội bộ, Công an tỉnh Hà Giang).
Ngoài Hà Giang, các địa phương Hòa Bình và Sơn La cũng có 108 thí sinh được nâng điểm. Tuy nhiên, khác với 114 thí sinh của Hà Giang được trả về điểm thật trước kỳ xét tuyển đại học, 108 thí sinh này vẫn được xét tuyển vào các trường đại học khác nhau. Tới nay, cơ quan chức năng cũng đã khởi tố 8 bị can tại Sơn La và 7 bị can khác tại Hòa Bình.
Trong khi đó, phát biểu tại tổ sáng 22.5, đại biểu Lê Thu Hà (Lào Cai) cho rằng phải hủy kết quả thi của các thí sinh đã được xác định gian lận điểm.
“Căn cứ điểm đ khoản 6 điều 49 Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2018, thí sinh cần bị hủy kết quả thi và gửi hồ sơ tới cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý với hành vi sử dụng giấy chứng nhận kết quả thi không hợp pháp. Bộ GD-ĐT có trách nhiệm giải quyết từ gốc – hủy kết quả thi THPT quốc gia, đồng nghĩa với việc thí sinh không đủ điều kiện xét tuyển đại học. Người được nâng điểm cần bị buộc thôi học, bởi họ đã vi phạm quy chế thi THPT quốc gia, điểm thi là bất hợp pháp”, bà Hà nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, bà Hà cũng cho rằng, các trường đại học cần cân nhắc gọi nhập học bổ sung để bù đắp cho số sinh viên bị loại vì gian lận điểm thi và trao lại cơ hội chính đáng cho các thí sinh này. Công lý không thể chỉ được thực thi một nửa. Về phụ huynh tham gia nâng điểm cho con, theo bà Hà, cơ quan điều tra có thể làm rõ để xử lý theo tội đưa hối lộ quy định tại bộ luật Hình sự. Hành vi đưa hối lộ có thể là vật chất, tiền bạc, cũng có thể là phi vật chất (hứa hẹn được thăng tiến, lợi ích trong công việc…). Cũng có thể phụ huynh lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng tới người khác để con em được nâng điểm thì có thể coi là hành vi trục lợi được quy định trong luật Phòng chống tham nhũng.
Cũng tại thảo luận tổ, một đại biểu cho biết lẽ ra mình sẽ nêu phát biểu đề nghị xử lý phụ huynh có con được nâng điểm, nhưng do cũng có các đại biểu như thế ở trong Quốc hội, nên không tiện nói.
Nguồn: Thanh niên