Trang chủ Đấu trường dân chủ Quan hệ giữa tham nhũng với “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”...

Quan hệ giữa tham nhũng với “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” – hệ lụy và giải pháp

178
0

Tham nhũng là tệ nạn nguy hiểm nhất, được ví như “quốc nạn”, “giặc nội xâm”, gây hậu quả xấu trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, làm suy yếu bộ máy Đảng và Nhà nước, giảm lòng tin của nhân dân vào chế độ, dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Bởi vậy, việc phòng, chống tham nhũng gắn với phòng, chống “tự diến biến”, “tự chuyển hóa” được xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, quyết tâm chính trị cao của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Những nghiên cứu trên thế giới và Việt Nam cho thấy, tham nhũng là hiện tượng xã hội gắn với xuất hiện chế độ tư hữu, hình thành giai cấp, sự ra đời, phát triển của bộ máy nhà nước và các quyền lực công cộng khác; tồn tại ở mọi chế độ với mức độ khác nhau, gây nhiều hệ lụy phức tạp trong đời sống xã hội. Đó là căn bệnh “tứ chứng nan y” của mọi nhà nước, nếu không có chế tài ngăn chặn hiệu quả, sẽ tạo kẽ hở cho tham nhũng nảy sinh, phát triển. Ở Việt Nam, tham nhũng thường xảy ra đối với những người có chức, có quyền trong hệ thống chính trị, nhưng họ đã phai nhạt lý tưởng cách mạng, không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, không làm tròn bổn phận, chức trách được giao; không thực hiện đúng các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng và các quy định của Hiến pháp, pháp luật; sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi, hám danh, ham quyền lực; quan liêu, xa dân, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của nhân dân. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã chỉ ra đó là những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. “Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” không chỉ diễn ra trong lĩnh vực chính trị, tư tưởng mà còn diễn ra cả trong lĩnh vực đạo đức, lối sống, làm hư hỏng cán bộ, ảnh hưởng đến vị thế, uy tín của Đảng trong đời sống xã hội.

Quan hệ giữa tham nhũng với “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” - hệ lụy và giải pháp

Công tác phòng chống tham nhũng trong năm 2018 đã có nhiều bước tiến mạnh với nhiều chủ trương, giải pháp đột phá. (Ảnh minh họa)

Do mang nặng chủ nghĩa cá nhân, chạy theo lối sống thực dụng, hưởng thụ, tha hóa, biến chất dẫn đến một số cán bộ, đảng viên “nhúng chàm”, dính vào tham nhũng, tiêu cực. Tham nhũng diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều cấp, ngành, lĩnh vực, với biểu hiện vừa tinh vi, vừa lộ liễu và mang tính phổ biến. Trước đây, tham nhũng chủ yếu ở lĩnh vực kinh tế, đầu tư, bắt tay nhau để bòn rút tài sản của nhà nước và nhân dân, nhưng ngày nay, nó lan sang cả những lĩnh vực mang giá trị đạo đức, truyền thống dân tộc, như: giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội, nhân đạo, từ thiện, phòng, chống dịch bệnh, v.v. Việc các cơ quan chức năng phát hiện gian lận thi cử ở một số địa phương thời gian qua, như: Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình; trường hợp bác sĩ vòi vĩnh tiền của người nhà bệnh nhân, làm sai lệch hồ sơ bệnh án để phục vụ cho mục đích không trong sáng,… là một minh chứng về điều đó. Đáng quan ngại là, tham nhũng còn xảy ra ngay trong các cơ quan bảo vệ pháp luật, người đại diện cho công lý và công bằng xã hội; tình trạng tham nhũng “vặt”, tham nhũng “nhỏ, lẻ”, “nhũng nhiễu”, “chi phí không chính thức” trong giao dịch công việc, tuy thiệt hại về vật chất không lớn, nhưng diễn ra khá phổ biến, gây khó khăn, bức xúc cho người dân, v.v.

Những hệ lụy từ tham nhũng đã tác động xấu đối với nhiều lĩnh vực của đời sống đất nước, cả về chính trị, kinh tế, xã hội, kỷ cương, kỷ luật, song nguy hiểm hơn là dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Tham nhũng là trở lực lớn đối với quá trình đổi mới đất nước, làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ, nếu không sớm loại trừ sẽ gây nguy hại về nhiều mặt, như: làm hư hỏng đội ngũ cán bộ; làm cho bộ máy nhà nước ngày càng trở nên quan liêu, xa dân, xuống cấp và hoạt động kém hiệu lực. Ở một phương diện khác, tham nhũng có thể dẫn đến khủng hoảng chính trị, trực tiếp đe dọa đến sự tồn vong của chế độ; làm tha hóa nhân cách con người, xói mòn các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc. Tình trạng chạy theo lợi ích vật chất, vì đồng tiền sẵn sàng chà đạp lên luân thường, đạo lý, đe dọa sự phát triển của đất nước, hủy hoại các dịch vụ công, gây bức xúc trong đời sống xã hội; đồng thời, làm méo mó, lệch chuẩn các quy tắc, nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức, tê liệt hệ thống hành pháp, mất đoàn kết nội bộ, tạo cơ hội cho kẻ thù lợi dụng chống phá.

Tham nhũng là quá trình diễn ra từ bên trong kết hợp với chiến lược “Diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch tác động từ bên ngoài gây rối loạn xã hội, làm cho Đảng suy yếu dần, dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, đánh mất vai trò lãnh đạo đối với Nhà nước và xã hội. Và như vậy, chúng ta sẽ rơi vào cái “bẫy” “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; tạo điều kiện cho chúng thực hiện mưu đồ “không đánh mà thắng”. Tham nhũng và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có mối quan hệ khăng khít, không thể tách rời và tác động lẫn nhau. Tham nhũng là một trong những biểu hiện của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, song nó lại thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ngày càng trầm trọng; đến lượt “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, nó tác động tích cực trở lại, là mảnh đất màu mỡ, môi trường thuận lợi để tham nhũng hoành hành và phát triển.

Thấy được sự nguy hại của mối quan hệ giữa tham nhũng với “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra và thực hiện nhiều chủ trương, giải pháp tích cực để phòng, chống, với tinh thần không để tham nhũng có điều kiện phát triển, góp phần hạn chế những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Nhận thức rõ điều đó, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc với tinh thần quyết liệt, khẩn trương, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, dù đương chức hay nghỉ hưu, làm rõ đến đâu, xử lý đến đó, không cầu toàn, chờ đợi. Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ trình bày trước Quốc hội, năm 2018, công tác thanh tra đã phát hiện 78 vụ, 106 đối tượng tham nhũng và liên quan đến tham nhũng, tăng 14,7% số vụ; giải quyết khiếu nại, tố cáo phát hiện 40 vụ, 87 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng, tăng 66,7% số vụ. Cơ quan điều tra của lực lượng Công an thụ lý điều tra 427 vụ án, 889 bị can phạm tội tham nhũng; kết luận điều tra đề nghị truy tố 212 vụ, 488 bị can. Viện kiểm sát các cấp thụ lý giải quyết 278 vụ, 678 bị can, trong đó có 243 vụ án mới, 599 bị can, tăng 23 vụ, 107 bị can; giải quyết 250 vụ, 595 bị can, đạt tỷ lệ 90%, tăng 3,4%. Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 340 vụ, 827 bị cáo, giảm 1,5% số vụ, tăng 9,1% số đối tượng; xét xử sơ thẩm 200 vụ, 472 bị cáo về các tội danh tham nhũng, trong đó tỷ lệ tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng chiếm 41,5%, giảm 8,2%; tuyên phạt 09 án tử hình, tù chung thân, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2017, v.v.

Mặc dù có sự vào cuộc quyết liệt và đạt được kết quả quan trọng trong phòng, chống tham nhũng, song tệ nạn này vẫn diễn biến phức tạp, gây nhức nhối trong xã hội. Để ngăn chặn nạn tham nhũng, góp phần khắc phục những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, cần có sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng; trong đó, tập trung vào một số giải pháp sau:

Thứ nhất, làm tốt công tác giáo dục, quản lý đội ngũ cán bộ, đảng viên, trước hết với những người nắm giữ chức vụ cao, lãnh đạo, quản lý trong bộ máy nhà nước, ở lĩnh vực nhạy cảm dễ xuất hiện hành vi tham nhũng. Thực chất đây là biện pháp phòng ngừa tham nhũng từ xa; gắn “xây với chống”, “lấy xây để chống”, lấy phòng là chính và làm tốt phòng ngừa sẽ ít phải chống và chống sẽ hiệu quả. Để biến quyết tâm của Đảng thành hiện thực trong phòng, chống tham nhũng, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, trước hết phải tăng cường giáo dục, định hướng tư tưởng, nhất là trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, tạo sự đồng thuận xã hội, sự thống nhất trong Đảng. Sức nặng, sự thành công của giáo dục, quản lý nằm ở khả năng, phẩm chất, nhân cách, đạo đức, uy tín của người đứng đầu. Nếu họ không có đủ phẩm chất, năng lực, không thực sự là tấm gương cho người khác học tập, noi theo thì dù cố gắng đến mấy, thuyết giảng hay đến đâu hiệu quả vẫn không cao. Bởi vậy, việc giáo dục nâng cao ý thức tự giác, trách nhiệm là vấn đề đặt lên hàng đầu; từ đó, điều chỉnh nhận thức, hành vi trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, nhất là người đứng đầu. Đi đôi với giáo dục, tăng cường công tác quản lý hành chính, rèn luyện đạo đức, tác phong, lối sống trong sạch, liêm khiết của cán bộ, đảng viên; hướng cho họ vào môi trường làm việc thân thiện, tinh thần “dĩ công vi thượng”. Đồng thời, phát huy vai trò của tổ chức đảng, giám sát của nhân dân, hoạt động của các phương tiện thông tin đại chúng trong tuyên truyền, phát hiện, cảnh báo, răn đe nạn tham nhũng.

Thứ hai, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, sự điều hành của chính quyền các cấp đối với nạn tham nhũng. Các cấp coi đây là một trong những trọng tâm lãnh đạo của cấp ủy, nội dung sinh hoạt hằng tháng của chi bộ, cơ quan, tổ chức; gắn phòng, chống tham nhũng với chống lãng phí và những biểu hiện tiêu cực trong nội bộ. Đồng thời, lấy kết quả chống tham nhũng làm cơ sở để đánh giá năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, hiệu lực điều hành, quản lý của chính quyền, phẩm chất, năng lực, trách nhiệm của người đứng đầu. Trong lãnh đạo, chỉ đạo phải kiên trì, kiên quyết, liên tục, sâu sát cơ sở; phát hiện, xử lý kịp thời nhận thức và hành động không đúng. Cấp ủy các cấp thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Quy định về những điều đảng viên không được làm; đưa phòng, chống tham nhũng trở thành ý thức thường trực, nhiệm vụ thường xuyên của mỗi tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên.

Thứ ba, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế – xã hội, đảm bảo đủ sức răn đe, nghiêm trị các hành vi tham nhũng. Dưới góc độ quản lý nhà nước, hiện nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách về công tác phòng, chống tham nhũng ở nước ta đang có sự bổ sung cho phù hợp, nhưng nhìn chung còn thiếu đồng bộ, trên một số lĩnh vực còn sơ hở, chưa đủ sức răn đe. Bởi vậy, thời gian tới, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật làm căn cứ pháp lý để giáo dục, răn đe, xử lý các hành vi tham nhũng. Đồng thời, có chế tài đủ mạnh cả về hình sự lẫn kinh tế đối với hành vi tham nhũng và những người đứng đầu cơ quan, tổ chức để xảy ra tham nhũng; kiên quyết loại bỏ khỏi bộ máy nhà nước những cán bộ, công chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm giàu bất chính, làm thất thoát tài sản Nhà nước, tổ chức, hoặc để người thân lợi dụng trục lợi dù người đó là ai, cương vị nào. Đẩy mạnh cải cách hành chính, rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật, nhằm khắc phục sơ hở, thiếu sót, bảo đảm công khai, minh bạch trong quản lý kinh tế – xã hội; thực hiện các khoản chi theo đúng dự toán đã cấp; kiểm soát chặt chẽ chi đầu tư xây dựng cơ bản, v.v. Các cấp, ngành cụ thể hóa quy định về phòng, chống tham nhũng phù hợp đặc điểm, tình hình của cấp mình; quản lý chặt chẽ, tránh buông lỏng, thiếu kiểm tra, giám sát trong quản lý tài sản công.

Thứ tư, phát huy vai trò của người đứng đầu trong phòng, chống tham nhũng. Thực tiễn đã chỉ ra, ở đâu người đứng đầu có tinh thần trách nhiệm cao, gương mẫu, không tham nhũng, sâu sát trong công tác quản lý, kiên quyết với những sai phạm, thì ở đó, việc phòng, chống tham nhũng được thực hiện tốt và ngược lại. Tuy nhiên, chúng ta thấy, hầu hết các vụ tham nhũng được phát hiện đều là những cán bộ có chức, có quyền, trong đó có nhiều người đứng đầu cơ quan, doanh nghiệp, nên việc phòng, chống tham nhũng phải bắt đầu từ người đứng đầu. Có như vậy, mới cảnh tỉnh, răn đe, giáo dục được cấp dưới và ngăn chặn tham nhũng từ nội bộ. Do đó, người đứng đầu phải nắm vững các chỉ thị, nghị quyết, quy định về phòng, chống tham nhũng; tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả trên lĩnh vực quản lý. Đồng thời, phải thực sự gương mẫu, đi đầu trong thực hiện các quy định, pháp luật hiện hành; nói đi đôi với làm; chặt chẽ, đúng nguyên tắc trong quản lý kinh tế; trong sạch, giản dị trong cuộc sống. Các cấp ủy cần coi đây là tiêu chuẩn đánh giá năng lực, đạo đức, lối sống của người đứng đầu; phê bình, xử lý nghiêm những người thiếu gương mẫu, vi phạm chế độ quy định và có hành vi tham nhũng. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra sai phạm; có cơ chế, chế tài bảo đảm cho việc giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có hiệu lực trên thực tế; bảo vệ những người dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng, không để tệ nạn nhởn nhơ trước pháp luật.

Thứ năm, kết hợp chặt chẽ giữa phòng, chống tham nhũng với phòng, chống “tự diễn biến”, tự chuyển hóa” trong nội bộ. Cùng với phòng, chống tham nhũng, việc phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ là vấn đề cấp thiết hiện nay. Để làm được điều đó, các cấp phải làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, làm cho cán bộ, đảng viên nhận thức sâu sắc hệ lụy của sự tác động giữa tham nhũng với “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và ngược lại. Các cấp ủy, mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng quyết tâm thực hiện 4 nhóm giải pháp của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương; chú trọng nêu gương người tốt, việc tốt; ngăn ngừa, cảnh báo, phê phán những việc làm sai trái. Đồng thời, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, thói ích kỷ, vụ lợi, “lợi ích nhóm”; rà soát, hoàn thiện cơ chế kiểm soát thực thi quyền lực của người có chức, có quyền; xử lý kiên quyết hành vi vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước. Thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ trong hoạt động của Đảng; phát huy vai trò giám sát của nhân dân và báo chí, công luận trong phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Mỗi cán bộ, đảng viên phải tăng cường “sức đề kháng”, khả năng “miễn dịch” trước âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, sự tác động tiêu cực của cơ chế thị trường, mở cửa, hội nhập, nhất là sự cám dỗ của đồng tiền, lối sống sa đọa. Cùng với đó, cần kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục, rèn luyện với tự giáo dục, tự rèn luyện; chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên cả về phẩm chất, năng lực, phương pháp, tác phong công tác, xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân, vừa “hồng” vừa “chuyên” như Bác Hồ đã dạy.

TRÁNG A LÂM (Tạp chí Quốc phòng toàn dân)

Nguồn: Đấu trường dân chủ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây