Trang chủ Tin tức Trăn trở chuyện xử phạt học sinh

Trăn trở chuyện xử phạt học sinh

217
0

Sự việc cô giáo một trường THCS tại Hà Nội bị đình chỉ dạy 1 tuần để xem xét kỷ luật vì bắt học sinh lớp 9 quỳ gối trước lớp cũng như một thầy giáo ở Long An bắt học sinh thụt dầu đang nhận được nhiều ý kiến bình luận trái chiều xung quanh hình thức phạt học sinh cũng như quyền của giáo viên.

Trăn trở chuyện xử phạt học sinh

Thầy cô không chỉ cung cấp kiến thức mà còn là người giúp học sinh hình thành nhân cách (Ảnh minh họa giờ học tại một trường THPT ở TP.HCM)  –  ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Lối ứng xử hà khắc không phù hợp với hiện tại

Nhà giáo Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội), cho rằng: “Cách phạt trẻ con bằng hình thức quỳ gối trước lớp là cách ứng xử hà khắc, chỉ phù hợp với thời phong kiến mà thôi. Đừng lý giải là vì học sinh (HS) hư, cá biệt mà cho mình cái quyền ứng xử như vậy. Nếu trẻ con đều ngoan cả, đều “đâu vào đấy” rồi thì cần gì đến thầy cô, đến nhà trường nữa. Trẻ con chưa hình thành nhân cách được một cách toàn diện, đầy đủ vì vậy người lớn, thầy cô giáo phải giúp HS hình thành nhân cách, uốn nắn, giáo dục kiên trì. Cách ứng xử của HS phụ thuộc vào thầy cô. Thầy cô mà yêu thương, chăm lo, có cách ứng xử thân thiện, văn minh, tôn trọng HS thì HS sẽ tôn trọng lại”.

Sự tiến bộ của mỗi HS cũng như của một lớp học, của một trường học là nhờ sự đồng bộ trong mối quan hệ không thể tách rời giữa thầy cô, học trò và gia đình

Trao đổi với báo chí, một số HS bị cô giáo phạt quỳ cho biết hầu như không bao giờ được cô trò chuyện, trao đổi, khuyên bảo các em phải thế nào trước khi áp dụng hình phạt này.

Thầy Hòa nói: “Tôi đã làm hiệu trưởng 20 năm và hằng ngày đã phải xử lý rất nhiều chuyện. Điều tôi trăn trở là làm thế nào để thầy cô giáo biết tự xử lý các vấn đề của lớp mình, của HS mình, biết cách hóa giải các vấn đề về bạo lực ngay trong mầm mống, để từ chuyện lớn biến thành chuyện nhỏ, chuyện nhỏ biến thành không có gì. Khi tự mình xử lý tốt, họ có động lực phấn đấu, cảm thấy mình có giá trị hạnh phúc hơn. Giáo viên (GV) hạnh phúc HS sẽ hạnh phúc và nhà trường sẽ an toàn, các câu chuyện về bạo lực học đường… được kiểm soát”.

Đừng “trăm sự” đổ hết lỗi tại thầy

Ngược lại, không ít ý kiến cho rằng phạt học trò quỳ gối không phải là xúc phạm, mà là một biện pháp, hình thức kỷ luật giáo dục cần thiết để HS… nên người. Người thuộc thế hệ lớn tuổi cho rằng, trước đây HS còn phải quỳ trên vỏ gai mít, nhờ thế mà trường thành như bây giờ…

Trăn trở chuyện xử phạt học sinh

Cô giáo một trường THCS tại Hà Nội bị đình chỉ dạy 1 tuần để xem xét kỷ luật vì bắt học sinh quỳ gối trước lớp – Ảnh: chụp lại màn hình

Dù có ý kiến bình luận trái chiều trước hiện tượng này nhưng đều đồng tình ở chỗ phải xem lại vai trò của giáo dục gia đình khi nhiều phụ huynh hiện có xu hướng phó mặc việc giáo dục con cho nhà trường

Tại cuộc hội thảo về áp lực nghề GV mới đây, bà Đỗ Thúy Mai, Hiệu trưởng Trường tiểu học Dịch vọng B (Q.Cầu Giấy, Hà Nội), đã phát biểu gây chú ý khi cho rằng GV hiện nay đang chịu quá nhiều áp lực. Một HS đến trường ít nhất có 6 người quan tâm, “giám sát” (bao gồm bố mẹ, ông bà nội ngoại của mỗi em). Có những sự cố xảy ra không lớn nhưng việc giải quyết hậu quả lại rất phức tạp vì nhiều lúc phụ huynh không trao đổi với GV hay nhà trường mà chia sẻ lên cộng đồng mạng gây hiểu lầm khi thông tin một chiều và chưa được kiểm chứng. Nhiều khi phụ huynh không chấp nhận tình trạng thực tế của con mình về học lực cũng như sức khỏe.

Bà Nguyễn Thị Thu Anh, Hiệu trưởng Trường THCS – THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội), cũng nêu thực tế: “Sự thiếu hỗ trợ từ phía gia đình trong việc giáo dục HS cũng là một khó khăn rất lớn đối với nhà trường. Nhiều cha mẹ thay vì cộng tác với GV trong quá trình giáo dục con em mình lại tập trung vào việc bắt lỗi và lên án GV mỗi khi không hài lòng”.

Chính vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng việc phối hợp giáo dục HS không chỉ là sự giám sát, “bắt lỗi” và đổ lỗi của gia đình mà còn là sự quan tâm, đồng hành trong phương pháp giáo dục trẻ. Cô Hoàng Diệu Thúy, GV Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội), cho biết: “Kinh nghiệm chủ nhiệm nhiều năm qua giúp tôi nhận ra sự tiến bộ của mỗi HS cũng như của một lớp học, của một trường học là nhờ sự đồng bộ trong mối quan hệ không thể tách rời giữa thầy cô, học trò và gia đình”.

Bà Đoàn Hương, Hiệu trưởng Trường THCS Đại Mỗ (H.Nam Từ Liêm, Hà Nội), cũng cho biết nhà trường cần nỗ lực hơn nữa trong việc tạo cho cha mẹ HS cơ hội cùng tham gia giáo dục con của họ.

Ông Nguyễn Văn Hòa cũng đề nghị Bộ cần tổ chức cuộc vận động xây dựng văn hóa trường học, làm cho mỗi nhà trường trở thành một trung tâm văn hóa giáo dục thực sự chứ không phải chỉ là nơi dạy chữ… (còn tiếp)

Nhiều nước cấm dần hình phạt lên thân thể học sinh

Theo báo cáo đăng trên chuyên san Psychology, Health & Medicine, các hình phạt đối với HS từng rất phổ biến trên thế giới nhưng bắt đầu bị cấm dần trong vài thập niên qua tại nhiều nước.

Các nước hiện cấm trừng phạt thân thể HS gồm toàn bộ châu Âu, phần lớn Nam Mỹ, Canada, Nhật Bản, Nam Phi, Úc, New Zealand và nhiều nước khác. Trong khi đó, hình phạt vẫn còn phổ biến tại nhiều nước châu Phi, Đông Nam Á và Trung Đông. Tại Mỹ, phần lớn các bang cấm trừng phạt thân thể HS ở các trường công, trừ nhiều bang ở phía nam và phía tây nơi hàng trăm ngàn HS vẫn bị roi vọt hằng năm. Tại Nga, việc này bị cấm từ năm 1917. Bộ luật Lao động năm 2006 quy định GV sẽ bị sa thải nếu trừng phạt thân thể HS. Trung Quốc cấm điều này từ năm 1949.

Tại các nước Đông Nam Á, Malaysia chỉ cho phép đánh đòn nam sinh vào lòng bàn tay hoặc vùng mông, dù trên thực tế nhiều nữ sinh cũng bị đánh và vấn đề này thường gây nhiều tranh cãi. Tương tự, Singapore cũng chỉ cho phép đánh đòn nam sinh bằng roi mây nhỏ với mục đích duy trì kỷ luật, được ban giám hiệu tổ chức thực hiện chứ không phải GV tự đánh.

Theo trang Corpun, Bộ Giáo dục Singapore quy định mỗi lần phạt tối đa 6 roi và một số trường hợp còn bị đánh trước toàn trường để làm gương. Philippines và Thái Lan đều cấm trừng phạt thân thể HS. Myanmar cho phép GV đánh đòn vào vùng mông, bắp chân hoặc lòng bàn tay ngay tại lớp. Nhiều GV còn phạt HS quỳ gối, thụt dầu hoặc đứng trên ghế vì nói chuyện, đánh nhau, không làm bài tập, làm sai hoặc trốn học.

Phụ huynh không thể đổ hết trách nhiệm cho trường

Đối với các bạn chưa ngoan, trường cũng nên sử dụng các hình phạt phi bạo lực. Quỳ như vậy là nhẹ, không có gì gọi là xúc phạm nhân phẩm. Thực ra GV chịu nhiều áp lực, HS bây giờ vì nhiều lý do nên có thể lười hơn và khó bảo hơn. Các biện pháp của thầy cô hiện nay không có tác dụng mấy, nên nếu cấm thầy cô phạt học trò như vậy thì không khác gì tước đi vũ khí khỏi cảnh sát. Mọi người không nên xét nét và khắt khe quá. HS tiểu học thì không nên áp dụng những hình thức phạt như vậy nhưng THCS trở lên rất quậy phá, nếu không có kỷ luật là không thể có nề nếp. Tuy nhiên, cần phối hợp với phụ huynh chứ phụ huynh không thể đổ trách nhiệm hết cho trường được. Không nên nghĩ việc giáo dục con mình chỉ là của thầy cô.

Trần Khánh Hưng (Phụ huynh tại Hà Nội)

Phải đưa ra quy định phù hợp và phổ biến từ đầu

Quỳ là hình phạt hợp lý nhưng thầy cô phải đưa ra luật lệ trong buổi học đầu tiên. HS bây giờ hiểu biết nhiều, nắm hết cả quyền trẻ em, nên GV phải đưa ra những quy định phù hợp và phổ biến ngay từ đầu. Những trường hợp đi chệch quy định thì lúc đó mới theo dõi, ghi nhớ, phối hợp với gia đình để cùng giáo dục.

Võ Nguyên Sơn (Giảng viên Trường ĐH Duy Tân, Đà Nẵng)

Phạt quỳ gối là bình thường

Phạt quỳ với HS là hết sức bình thường. Hồi trước HS còn bị quỳ trên vỏ mít, bị cắm que vào miệng… Nhưng lại rất mang ơn thầy cô vì nhờ những hình phạt nghiêm khắc đó mà học trò thay đổi. Đương nhiên, mỗi thời kỳ thì có một cách giáo dục khác nhau, nhưng chung quy là để HS thay đổi theo hướng tích cực. Tôi không phản đối việc phạt quỳ những HS vi phạm vì hình phạt đó chấp nhận được mà vẫn có thể răn đe

Trương Tiến Sĩ (Giảng viên Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM)

Nguồn: Thanh niên

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây