Tối 7-5, mạng xã hội xôn xao về thông tin liên quan đến vụ án nữ sinh giao gà ở Điện Biên bị sát hại. Trong đó, status được đăng tải với nội dung sặc mùi trinh thám khi đưa ra những tình tiết bất ngờ liên quan đến quá trình điều tra làm rõ vụ án, như “Cơ quan điều tra vừa bắt tạm giam “thiếu uý công an hình sự tỉnh Thái Nguyên tên là N.H.A, người vừa bị sa thải khỏi ngành Công an nhân dân trước đó”, hay “Thiếu uý N.H.A được cho là kẻ chủ mưu đã dựa vào chức vụ và quyền hạn trong khi thi hành công vụ để mua chuộc và bao che cho Vì Văn Toán cùng đồng bọn Công và Hùng và những tên nghiện ngập khác” tổ chức bắt cóc và sát hại nạn nhân”…
Nhận thấy tính chất nguy hiểm của vụ việc, lực lượng chức năng đã nhanh chóng vào cuộc làm rõ và triệu tập một trong những người tung tin trên mạng xã hội là Trần Thị Huyền Trang. Theo đó, Trang khai nhận trong quá trình sử dụng điện thoại di động đăng nhập vào tài khoản facebook của mình có tên là “Trần Huyền Trang”, thì thấy bài viết của một người khác có nội dung: “Công an tỉnh Điện Biên bắt tạm giam Thiếu úy công an hình sự tỉnh Thái Nguyên để điều tra kẻ chủ mưu trong vụ án bắt cóc và sát hại nữ sinh giao gà gây chấn động Điện Biên chiều 30 tết…”. Trang khai đã sao chép toàn bộ nội dung bài viết và đăng công khai trên trang facebook cá nhân, mục đích để thu hút nhiều người xem, tạo điều kiện thuận lợi cho việc bán hàng online.
Ảnh: Thông tin giả về vụ án sát hại nữ sinh giao gà tại Điện Biên được đăng tài trên mạng xã hội
Như vậy, lực lượng chức năng đã thể hiện sự nhạy bén, nhanh chóng điều tra làm rõ vụ việc, đồng thời ngăn chặn không để cho những thông tin giả này lan truyền sâu rộng trên các mạng xã hội. Tuy nhiên, đây chỉ là một trong những vụ việc mà cơ quan chức năng kịp thời xử lý, khắc phục được hậu quả. Trong thời gian tới, những hành vi tung tin giả thất thiệt như đã nêu có thể gây ra những hậu quả khôn lường như sau:
Thứ nhất, những thông tin giả có thể gây nhiễu loạn thông tin, gây khó khăn cho công tác điều tra
Nên nhớ, trong quá trình điều tra vụ án, chỉ những cá nhân, đơn vị được giao quyền đại diện cho cơ quan điều tra mới được quyền phát ngôn về những diễn biến, tình tiết xung quanh vụ án đã xảy ra; những hoạt động đã và đang được tiến hành của cơ quan điều tra. Bởi lẽ, vụ án chưa kết thúc giai đoạn điều tra để đưa ra truy tố tức là cơ quan điều tra chưa đưa ra kết luận cuối cùng về tội danh và hành vi phạm tội của các đối tượng trong vụ án. Chỉ một thông tin sơ hở thôi, rất có thể những đối tượng còn đang lẩn trốn hoặc đang che giấu hành vi phạm tội sẽ cao chạy xa bay hoặc tìm cách phi tang chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của bản thân. Đối với vụ án sát hại nữ sinh giao gà tại Điện Biên, những thông tin giả mà chính đối tượng Bùi Thị Kim Thu – vợ của kẻ chủ mưu Bùi Văn Công đã gây ra rất nhiều khó khăn cho cơ quan điều tra trong quá trình điều tra mở rộng vụ án. Do đó, thử đặt vấn đề với một loạt các thông tin ảo liên quan đến vụ án, lực lượng chức năng sẽ khó khăn như thế nào đối với công tác điều tra.
Thứ hai, việc tung tin giả gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới danh dự, uy tín của lực lượng chức năng tham gia giải quyết vụ án
Công tác điều tra làm rõ vụ án hình sự vốn dĩ đã đầy khó khăn. Không những vậy, cơ quan điều tra còn phải đối mặt với rất nhiều áp lực. Đó áp lực rất lớn đến từ dư luận, nơi mà tất cả người dân đều trông đợi lực lượng chức năng sẽ nhanh chóng tìm ra kẻ thủ ác. Đó cũng là áp lực từ chính tinh thần trách nhiệm của bản thân những cán bộ đang trực tiếp tiến hành các hoạt động điều tra khi mong muốn sớm tìm ra, làm rõ hành vi phạm tội của những kẻ thủ ác. Nhưng như đã thấy, một status mang nặng tính suy đoán hình sự học được từ phim truyện của những nhà điều tra online có thể phá hỏng đi hết động lực của cả một tập thể đang ngày đêm cố gắng chạy đua với thời gian để lấy lại công lý cho nạn nhân.
Thứ ba, hành động tung tin giả thể hiện sự vô cảm, vô trách nhiệm của những kẻ thích sống ảo.
Chỉ để thu hút nhiều người xem, tạo điều kiện thuận lợi cho việc bán hàng online hay chỉ cần sự nổi tiếng phù phiếm mà rất nhiều người sẵn sàng đưa câu chuyện của người khác làm nhân vật cho câu chuyện hư cấu của bản thân. Đó là minh chứng cho thái độ vô cảm, vô trách nhiệm của những kẻ thích sống ảo khi kiếm sống trên nỗi đau khổ của người khác. Trường hợp gần đây nhất, trang báo webtretho đã có hành động được cho là thiếu tính nhân văn khi ngang nhiên sử dụng tấm ảnh chụp cô giáo Dương Thị Hoa đón thi thể em trai là liệt sĩ nhà giàn DK1/11 trong nỗi đau tột cùng để minh họa cho bài báo về người mẹ có con bị xâm hại. Nỗi đau về tinh thần đối với gia đình cô giáo Dương Thị Hoa thực sự khó vượt qua, nhưng việc bị chính những người tự xưng là nhà báo lợi dụng như vậy thực sự khiến gia đình cô cũng đau đớn muôn phần.
Thứ tư, dưới góc độ pháp lý, đây là một trong những hành vi xâm phạm quyền riêng tư của người khác khi ngang nhiên xử dụng hình ảnh của cá nhân khi chưa được họ cho phép
Theo đó, người tung tin lên mạng xã hội sai sự thật, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu – 30 triệu đồng, nặng nhất có thể bị xử lý hình sự lên tới 7 năm tù giam.
Chốt lại, mạng xã hội ảo nhưng pháp luật và trách nhiệm đối với xã hội là thật. Cho nên, đối với những người đã và đang sử dụng mạng xã hội như một phần của công việc và cuộc sống, hãy tự ý thức cao hơn trách nhiệm đối với những gì mình nói và viết trong những status của mình. Bởi lẽ, đó cũng là một cách để thể hiện sự văn minh cả trong cuộc sống thật và ảo trong giai đoạn hiện nay./.
Nam Việt
Nguồn: Người con Đất Mẹ