Chiến thắng 30/4/1975 của dân tộc Việt Nam trước đế quốc Mỹ và tay sai có ý nghĩa không phải bàn cãi. Thế nhưng vẫn còn có những cá nhân cố tình hoặc thiếu hiểu biết lịch sử, đã đặt lại một số vấn đề, đòi xét lại về ý nghĩa của chiến thắng lịch sử đó. Lê Mai Hoa, một người Việt đang định cư ở Texas, Hoa Kỳ là một trong những kẻ đó.
Lê Mai Hoa dẫn lịch sử Trung quốc thời Tam quốc, cho rằng nếu Nhà Tư mã không thống nhất Trung quốc, cứ để cục diện Tam quốc thì nhân dân, đất nước Trung quốc không phải trải qua “loạn Bát vương”, không bị loạn lạc nữa,… Đọc đến đây, người viết chợt nảy ra suy nghĩ “không biết Lê Mai Hoa là ai mà lại nhìn nhận lịch sử Trung quốc nói riêng như vậy?, chắc Lê Mai Hoa cho rằng thời Tam quốc thì ở Trung quốc không có chiến tranh, không có đổ máu”, nhân dân Trung quốc được hưởng ấm no, hạnh phúc ở các nước Ngụy, Thục, Đông Ngô chăng, …
Bài viết lật lọng lịch sử của Lê Mai Hoa đăng tải trên trang BBC
Từ sự nhìn nhận sai lầm về lịch sử Trung quốc, Lê Mai Hoa lại dẫn sang lịch sử các cuộc chiến tranh khác như ở Triều Tiên, rồi ở Việt Nam, … cho rằng nước Đức thống nhất mà không tốn viên đạn nào thì các nước khác cũng nên như vậy, Việt Nam cũng nên như thế. Đây là một nhận định sai lầm, một cách nhìn phiến diện của một người thiếu hiểu biết về lịch sử dân tộc cũng như lịch sử Thế giới.
Xét về tính chất, sự thống nhất của nước Đức có được là do có sự đồng thuận của lãnh đạo hai miền Đông, Tây Đức. Còn ở Việt Nam thì sao, nếu đế quốc Mỹ không dựng lên chế độ Ngô Đình Diệm, phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ thì có lẽ đất nước ta cũng đã có sự thống nhất, thông qua tổng tuyển cử, có lẽ đây cũng là suy nghĩ của Lê Mai Hoa chăng. Nhưng với dã tâm chia cắt lâu dài đất nước Việt Nam của đế quốc Mỹ và tay sai thì ngoài sức mạnh quân sự và sự chính nghĩa của dân tộc Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, liệu Việt Nam có được thống nhất?
Với việc dẫn chứng “… người dân nhiều nước như Tiệp Khắc, Nam Tư đã chấp nhận sự chia cắt, quốc gia cũ của họ tan ra làm những nước khác nhau. Khi người ta không thể sống chung, tốt hơn hết hãy tách ra”. Có thể nhận định này của Lê Mai Hoa là hợp lý, nhưng nếu để ám chỉ nhận định đó cho Việt Nam, thì một lần nữa Lê Mai Hoa lại càng lộ rõ sự ngây thơ về mặt chính trị, sự thiếu hiểu biết về lịch sử thế giới, lịch sử dân tộc. Những nước như Tiệp Khắc, Nam Tư đều là những liên bang vậy thì họ nhập xong rồi tách cũng là lẽ thường tình, nhưng Việt Nam có giống như Tiệp Khắc, Nam Tư không? Từ xưa đến nay “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn song chân lý đó không bao giờ thay đổi”.
Trong bài viết của mình, Lê Mai Hoa cũng tự nhận “Tôi, một người lớn lên ở miền Bắc sau 1975”, có nghĩa là cô ta cũng đã được hưởng sự giáo dục của chế độ xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và chắc chắn cũng được học về lịch sử thế giới, lịch sử Việt Nam. Như vậy có thể đặt vấn đề về sự vô ơn của Lê Mai Hoa đối với sự giáo dục đó hay không?
Chiến thắng 30/4/1975 của dân tộc Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, là chiến thắng của đường lối lãnh đạo đúng đắn, của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, thể hiện khát vọng được độc lập, thống nhất của toàn thể dân tộc Việt Nam. Việc đòi xét lại lịch sử, nghi ngờ sự thật lịch sử, nghi ngờ ý nghĩa của chiến thắng 30/4/1975 của bất kỳ cá nhân nào đều là việc làm sai trái, đi ngược lại xu thế xã hội.
Mỗi con người đều có quyền lựa chọn nơi sinh sống cũng như bày tỏ quan điểm của mình, nhưng quan điểm đó phải dựa trên sự thật lịch sử và sự nhìn nhận, đánh giá khách quan. Điều này Lê Mai Hoa cần phải tự nhìn nhận lại bản thân, bởi những điều cô viết cho “Diễn đàn BBC” là không logic, thể hiện sự thiếu hiểu biết về lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới.
Nguyễn Minh
Nguồn: Đấu trường dân chủ