Trang chủ Tin tức Đừng áp đặt cái nhìn chủ quan về tự do tôn giáo...

Đừng áp đặt cái nhìn chủ quan về tự do tôn giáo tại Việt Nam

167
0

Việt Nam hoan nghênh UB Tự do Tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ đến tìm hiểu tình hình. Tuy nhiên, Ủy ban này cần đưa ra đánh giá khách quan.

Uỷ ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Mỹ (USCIRF) – một tổ chức độc lập trong Chính phủ Liên bang Hoa Kỳ vừa qua ra báo cáo về tình hình tôn giáo tại Việt Nam, trong đó một mặt ghi nhận những thành tựu và tiến triển trong việc bảo đảm và thúc đẩy đời sống tôn giáo, tín ngưỡng tại Việt Nam song báo cáo này cũng đưa ra một số đánh giá không khách quan, trích dẫn những thông tin sai lệch về Việt  Nam. Đáng tiếc, báo cáo này đưa ra tại thời điểm Việt Nam đang chuẩn bị cho một sự kiện tôn giáo quốc tế với hàng ngàn tín đồ từ khắp nơi trên thế giới- Đại lễ Phật đản LHQ, Vesak 2019.

Đừng áp đặt cái nhìn chủ quan về tự do tôn giáo tại Việt Nam

Ảnh minh họa

Ghi nhận những tiến triển tích cực

Báo cáo thường niên của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế phản ánh tình hình tôn giáo ở Việt Nam trong năm 2018. Báo cáo ghi nhận: Luật Tín ngưỡng Tôn giáo có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 đã tạo ra một số thay đổi, gồm cả cấp quyền bảo hộ hợp pháp cho các tổ chức tôn giáo đã đăng ký và giảm thời gian chờ đợi nộp đơn để được công nhận cho các nhóm tôn giáo từ 23 năm xuống 5 năm. Bên cạnh đó, Chính quyền các địa phương đã trả lời bằng văn bản nhiều hơn đối với các đơn đăng ký của các nhà thờ phụng mới.

Báo cáo cho biết, Chính phủ Việt Nam đã chính thức công nhận 39 tổ chức tôn giáo và cấp giấy phép hoạt động cho bốn tổ chức tôn giáo, đại diện cho tổng cộng 25 triệu tín đồ thuộc 16 tôn giáo khác nhau – gồm có Phật giáo, Thiên Chúa Giáo, Tin lành, Hòa Hảo, Cao Đài…

“Vào năm 2018, Chính phủ chấp nhận việc đăng ký Hội Thánh Phúc Âm Toàn Vẹn và Hội Thánh Tin Lành Liên Hiệp Truyền Giáo. Vào tháng 12/2018, Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (miền nam) được công nhận tổ chức lễ Giáng Sinh cho 20.000 người – đây là lần đầu tiên trong 8 năm hội này được phép làm vậy” – Báo cáo ghi nhận, đồng thời cũng đánh giá tích cực đối với việc Việt Nam trả tự do cho một số cá nhân sau một thời gian chấp hành án trong các trại giam. Một số người này là tín đồ Công giáo, tuy nhiên, họ bị giam cầm không phải vì lý do tôn giáo mà vì vi phạm pháp luật Việt Nam.

Thông tin sai lệch và lên tiếng bảo vệ tổ chức tôn giáo bất hợp pháp

Đáng tiếc, bên cạnh những thông tin tích cực, báo cáo của USCIRF đã đưa ra nhiều thông tin sai lệch về tình hình tôn giáo ở Việt Nam mà chỉ nghe qua cũng thấy vô lý như “Việt Nam đặt ra ngoài vòng pháp luật các nhóm tôn giáo không đăng ký, hiển nhiên khiến cho việc hành đạo và hoạt động tôn giáo ôn hòa trở nên bất hợp pháp”. Cụ thể, báo cáo cho rằng, Việt Nam gây khó dễ đối với hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và hòa thượng Thích Quảng Độ – người sáng lập tổ chức này từ trước năm 1975.

Trên thực tế, ở Việt Nam chỉ có một tổ chức duy nhất đại diện cho hơn 10 triệu tín đồ theo đạo Phật, đó là Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Sau giải phóng năm 1975, Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, độc lập và tự chủ. Đây là yếu tố mãnh liệt thúc đẩy sự thống nhất Phật giáo Việt Nam, thực hiện ước vọng bao đời của Tăng ni, Phật tử cả nước mà trước đây chưa thực hiện được. Tháng 11/1981, Hội nghị đại biểu Thống nhất Phật giáo đã được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội với sự tham gia của 165 đại biểu đại diện cho 9 tổ chức, hệ phái Phật giáo trong cả nước. Hội nghị đã thống nhất xây dựng ngôi nhà chung GHPGVN, chấm dứt thời kỳ các tổ chức Phật giáo hoạt động manh mún, tranh giành sự ảnh hưởng, đồng thời nâng cao vị thế của Phật giáo Việt Nam trong lòng dân tộc và với cộng đồng tín ngưỡng Phật giáo trên thế giới.

Như vậy, kể từ năm 1981 đến nay, chỉ có một Giáo hội duy nhất đại diện cho Phật giáo Việt Nam. Nếu tồn tại một tổ chức nào nữa thì đó là tổ chức bất hợp pháp. Việc công nhận một tổ chức bất hợp pháp và bảo vệ các thành viên của tổ chức này là hoàn toàn không có lợi cho quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ.

Một thông tin sai lệch nữa trong báo cáo năm 2018 của USCIRF là tiếp tục lặp lại cụm từ “tù nhân lương tâm”, cho rằng, đến cuối năm 2018, có 244 tù nhân lương tâm đang thi hành án ở Việt Nam, cũng như 20 nhà hoạt động đang bị giam giữ chờ xét xử, trong số này có nhiều người “thúc đẩy hoặc bảo vệ quyền tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng và những người chỉ đơn thuần hành đạo cho tôn giáo mình”.

Đây không phải là lần đầu tiên Ủy ban này nêu ra những cái tên cụ thể và cho rằng, họ bị bắt bớ, giam cầm vì lý do tôn giáo. Xin khẳng định lại một lần nữa, không có tù nhân nào là “tù nhân lương tâm “ở Việt Nam, mà chỉ có những người vi phạm pháp luật Việt Nam với các tội danh liên quan hoạt động nhằm lật đổ chính quyền, tuyên truyền chống Nhà nước, lợi dụng quyền tự do dân chủ, gây rối trật tự công cộng, phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc”…

Một điều hết sức phi lý là Báo cáo của USCIRF phê phán Điều 5 trong Luật Tín ngưỡng Tôn giáo của Việt Nam, cho rằng: Chính phủ có quyền quyết định từ chối các hoạt động tôn giáo “làm phương hại đến an ninh quốc gia’’ và “vi phạm luân lý xã hội.’’ Điều này thì không chỉ Việt Nam mà nhiều quốc gia trên thế giới đều phải làm để bảo vệ mục tiêu tối thượng là an ninh quốc gia.

Ngày 9/5, tại cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng phản đối báo cáo của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Mỹ, cho rằng, báo cáo có những đánh giá không khách quan về tình hình tôn giáo ở VIệt Nam.

Việt Nam hoan nghênh và tạo điều kiện cho Ủy ban Tự do Tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ đến tìm hiểu tình hình tôn giáo, tín ngưỡng. Tuy nhiên, Ủy ban này cần nhìn nhận vấn đề một cách khách quan, phản ánh đúng sự thật; tránh việc áp đặt ý chí, quan điểm sai lệch đối với vấn đề tự do tôn giáo tại Việt Nam. Tự do nhân quyền hay tôn giáo phải dựa trên Hiến pháp và pháp luật của mỗi nước. Bất kỳ công dân Việt Nam nào vi phạm pháp luật của Nhà nước Việt Nam đều bị xét xử theo quy định của pháp luật, không phân biệt tôn giáo hay thành phần dân tộc.

Những ngày này, Việt Nam trở thành điểm đến của hàng ngàn tín đồ Phật giáo trên khắp thế giới, đó là Đại lễ Phật đản LHQ Vesak 2019, trong đó có không ít lãnh đạo cấp cao của các nước. Đây là lần thứ 3 Việt Nam tổ chức sự kiện này thể hiện sự quan tâm của Chính phủ đối với tôn giáo nói chung, phật giáo nói riêng. Hãy nhìn vào thực tế sống động đó để có cái nhìn khách quan, trung thực về tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam./.

Nguồn: VOV

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây