Trang chủ Luận bàn - Phản biện Nhân “vụ Nguyễn Hữu Linh”, lộ việc lợi dụng các phong trào...

Nhân “vụ Nguyễn Hữu Linh”, lộ việc lợi dụng các phong trào dân sinh để chống Nhà nước

178
0

Từ đầu năm Kỷ Hợi 2019 đến nay, dư luận Việt Nam đã liên tục dồn sự chú ý vào 6 vụ xâm hại thân thể phụ nữ và trẻ em. Số này bao gồm vụ Cao Thị Mỹ Duyên vào ngày 04/02, vụ Nguyễn Trọng Trình vào ngày 24/02, vụ Đỗ Mạnh Hùng và vụ Dương Trọng M. vào ngày 04/03, vụ Nguyễn Thị Hải Yến ngày 22/03, vụ Nguyễn Hữu Linh vào ngày 02/04/2019. Việc dư luận gia tăng chú ý đến hiện tượng xâm hại thân thể phụ nữ và trẻ em, dù hiện tượng này đã tồn tại từ những năm trước, có thể đến từ ít nhất 4 nguyên nhân. Một là phong trào #MeToo xuất hiện ở Mỹ vào cuối năm 2017, và lan đến các tòa soạn báo Việt Nam vào năm 2018; hai là việc quốc tế gia tăng đầu tư cho các hoạt động NGO thuộc mảng “bình đẳng giới” ở Việt Nam trong năm nay; ba là việc Việt Nam chọn năm 2019 làm “năm An toàn cho Phụ nữ và Trẻ em”; bốn là việc một bộ phận giới chống đối cho rằng trong năm nay, họ nên tập trung phát động “các phong trào xã hội vì lợi ích dân sinh thiết thực”, như phong trào phản đối các trạm thu phí theo mô hình BOT, để dễ hoạt động trong môi trường Luật An ninh Mạng.

Trong bối cảnh phức tạp trên, từ giữa tháng 3 đến nay, các nhóm chống đối đã khai thác vấn đề xâm hại thân thể phụ nữ và trẻ em theo hai hướng.

Ở hướng “mềm”, nhóm Hate Change cùng 12 NGO có đăng ký đã phát động phong trào “Không bây giờ thì bao giờ”, trong đó họ kêu gọi ký kiến nghị để đòi sửa đổi, bổ sung các luật liên quan đến tội quấy rối tình dục, mà dư luận chỉ ra là đang rất sơ sài.

Ở hướng “cứng”, các nhóm chống đối cực đoan hơn, cùng các thành phần “giang hồ” xăm trổ hoặc chơi xe trên mạng xã hội, đã tuyên truyền rằng nếu Nguyễn Hữu Linh không bị khởi tố, thì có thể thấy Nhà nước đang định “cho chìm xuồng” vụ việc để bảo vệ giới quan chức, cán bộ. Trong quá trình tuyên truyền, họ cũng tiến hành một loạt các hoạt động phản đối và hoạt động truyền thông trên thực địa – bao gồm phong trào xịt sơn, treo quần lót, ném phân, chụp ảnh check-in trước cửa nhà ông Linh, do Đỗ Minh Hoàng phát động; phong trào treo biểu ngữ phản đối lên xe hơi, do nhóm OFFB phát động; hoặc rộng hơn là vụ Dương Minh Tuyền đến Hưng Yên để trao tiền, “đòi lại công lý” cho nữ sinh Nguyễn Thị Hải Yến.

Trong tuần qua, cả hai hướng truyền thông “cứng” và “mềm” đều có những động thái mới để khai thác vụ việc.

Ở hướng “mềm”, ngày 17/04, bản kiến nghị mà Hate Change và 12 NGO từng kêu gọi ký tên đã được Mạng lưới Phòng ngừa và Ứng phó Bạo lực Giới tại Việt Nam (GBVNet) gửi đến một số lãnh đạo và cơ quan Nhà nước. Vào thời điểm đó, đã có 15.000 tài khoản mạng ký tên vào kiến nghị.

Nhân “vụ Nguyễn Hữu Linh”, lộ việc lợi dụng các phong trào dân sinh để chống Nhà nước

Ở hướng “cứng”, từ ngày 18/04, các thành viên của nhóm chơi xe hơi OFFB đã in hàng loạt biểu ngữ đòi bắt Nguyễn Hữu Linh, rồi dán lên xe và đi diễu trước nhà ông Linh. Nhà báo Nguyễn Quốc Bình, admin chính của OFFB, cũng dùng trang tin điện tử Vietnam Daily mà ông phụ trách nội dung để quảng bá phong trào này, đồng thời cổ vũ việc “cộng đồng mạng”, các chung cư và các quán cafe đồng loạt dán ảnh tẩy chay các nghi phạm quấy rối tình dục. Hiện nay, các bài viết của nhóm OFFB chưa có nhiều dấu hiệu vi phạm pháp luật, dù thành viên Phạm Phạm đã đăng “Lời kêu gọi toàn quốc chống dâm ô” của Đinh Nhật Uy vào nhóm này.

Nhân phong trào của OFFB, Thái Văn Đường – một gương mặt chống đối đang trốn ở Thái Lan – đã kêu gọi biểu tình trước cửa nhà ông Nguyễn Hữu Linh vào ngày 21/04, tức hạn chót để khởi tố ông Linh. Dù biểu tình không nổ ra, nó đã khiến một số gương mặt chống đối, như Uyên Vũ, bày tỏ hy vọng rằng phong trào phản đối “ấu dâm” sẽ phát triển thành một cuộc cách mạng đường phố trong năm 2019.

Đi xa hơn, Nguyễn Vi Yên, thành viên chủ chốt của nhóm Hate Change, đã viết một bài dài để vạch chiến lược cho cuộc “cách mạng” này. Yên cho rằng thay đổi sẽ đến từ một “phong trào đa tâm” – khi nhiều tầng lớp xã hội khác nhau liên tiếp phát động nhiều phong trào dân sinh khác nhau, trong đó không có lãnh đạo nào nắm vai trò nổi bật, khiến Nhà nước không thể kiểm soát. Dù những phong trào này có nhiều khác biệt, chúng cùng nảy sinh do những hạn chế trong chính sách của Nhà nước, cùng lan truyền trên mạng xã hội, và cùng làm “tích tụ bất mãn” trong lòng dân. Khi “bất mãn tích tụ đủ lâu”, và “kinh tế Việt Nam ngừng tăng trưởng”, một vụ việc gây xúc động bất kỳ có thể làm cách mạng đường phố bùng nổ, dẫn đến thay đổi thể chế.

Khi ông Nguyễn Hữu Linh bị khởi tố vào ngày 21/04, cả hai khuynh hướng “cứng” và “mềm” đều ăn mừng thắng lợi.

Như vậy, có thể thấy hai khuynh hướng “cứng” và “mềm” vừa ủng hộ nhau, vừa tiềm ẩn mâu thuẫn với nhau.

Về mặt ủng hộ, cả hai đều đặt mục đích sau cùng là lật đổ chế độ; đều tận dụng động lực từ các phong trào dân sinh có phần chính đáng; và đều sử dụng phương tiện là truyền thông, mạng lưới, hội nhóm online. Cả hai đều cổ vũ một trật tự chung – trong đó dư luận đám đông làm thay công việc của cảnh sát và tòa án. Dù hai khuynh hướng đưa ra hai yêu sách khác nhau (là đòi bắt ông Linh và đòi sửa luật), “chiến thắng” giai đoạn của khuynh hướng này sẽ trợ lực cho khuynh hướng kia. Thành viên của hai khuynh hướng có thể liên lạc, thảo luận với nhau qua một số không gian khép kín, bị chi phối bởi tiền tài trợ từ nước ngoài – như không gian sinh hoạt nội bộ của HRS, Hate Change và Luật khoa Tạp chí.

Cùng lúc đó, hai khuynh hướng này cũng mâu thuẫn với nhau trên 2 điểm. Thứ nhất, nhiều NGO cần giữ tư cách pháp nhân – một tư cách khiến họ bị cánh chống đối cực đoan gọi là “phò chính thống” do ghen tị. Thứ hai, nhiều cá nhân của khuynh hướng “mềm” không ủng hộ các hành động, ngôn từ mang tính bạo lực, quy chụp của khuynh hướng “cứng”. Dù hai khuynh hướng vẫn đang phối hợp hành động, mâu thuẫn giữa hai bên đã bộc lộ trong một số vụ việc đơn lẻ, như vụ Đoan Trang công kích trí thức và vụ Kieu Dung tranh luận với Nguyễn Vi Yên.

Sau khi xem xét vấn đề, chúng tôi xin đưa ra 2 ý kiến.

Thứ nhất, qua chuỗi sự kiện trên và bài viết của Nguyễn Vi Yên, có thể thấy giới chống đối thật sự có kế hoạch lợi dụng các vấn đề dân sinh – như đất đai, ô nhiễm môi trường, xâm hại tình dục, thu phí giao thông bất hợp lý… – để tập hợp lực lượng cho các cuộc “cách mạng đường phố” lật đổ chế độ. Động cơ này đe dọa an ninh quốc gia của Việt Nam, và không phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam. Như vậy, không có chuyện Green Trees “chỉ là một nhóm bảo vệ môi trường”, SaveNET “chỉ hoạt động vì quyền tự do ngôn luận”, hoặc các nhóm đánh BOT “chỉ hoạt động vì sự minh bạch trong vấn đề thu phí giao thông”, như tuyên bố trơn tuột của giới “dân chửi”. Người dân nên ý thức rõ sự khác biệt giữa các tổ chức chính trị trá hình này và các hội nhóm thuần túy hoạt động vì lợi ích dân sinh, để không bị lừa tham gia các hoạt động phạm pháp.

Thứ hai, mối đe dọa nhất thời từ các thế lực thù địch không che khuất được một thực tế, rằng các điều luật liên quan đến xâm hại tình dục ở Việt Nam còn quá sơ sài, không đủ để bảo vệ người dân. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung những điều luật này và xét xử các vụ quấy rối tình dục một cách công bằng, để đảm bảo lợi ích dân sinh, sao cho các thế lực thù địch không có cơ hội lợi dụng, vẫn là điều cần làm nhất.

Nguyễn Biên Cương

Nguồn: Tre làng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây