Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, mạng Internet, mạng máy tính, mạng xã hội ngày càng phát triển đã đem đến cho người dùng những tiện ích không thể phủ nhận, xoá nhòa khoảng cách địa lý, không gian, thời gian. Thế nhưng, đi cùng với tính hữu dụng, cạm bẫy giăng ra trên không gian mạng cũng nhiều vô kể, nó khiến người tham gia vào đây có thể vô tình hoặc cố tình mắc bẫy.
Thực tế đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ trong cuộc sống của chúng ta hiện nay là lời cảnh báo, là yêu cầu đòi hỏi sự bảo vệ cấp thiết để người dùng mạng tránh những cạm bẫy này và cũng để có môi trường mạng an toàn.
Giang hồ mạng, một cụm từ mới xuất hiện và đặc biệt nóng trong thời gian gần đây. Nó gắn với những cái tên hot trên mạng xã hội với những con số hàng triệu người theo dõi, với những “tút” có ngàn like, với những video có hàng triệu lượt xem. Giang hồ mạng cũng là cụm từ gắn với những cái tên được nhà mạng trả cho hàng triệu, hàng chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu đồng nhờ có lượng fan đông đảo.
Thế thôi chưa đủ, để được gắn mác giang hồ mạng, còn phải kèm theo cái lý lịch từng xộ khám, phải biết dạy “đạo lý”, phải có style “vằn vện”… Và đặc biệt, phải biết thu hút đám đông bằng đủ các chiêu trò… hổ báo chó mèo.
Thần tượng trên mạng
Cái tên Ngô Văn Khá sẽ chẳng nổi tưng bừng nếu không gắn với cái nick Khá bảnh cùng “công nghệ” đẩy tên tuổi lên hàng “sao” ở cái thời các thiết bị công nghệ tích hợp nhiều tiện ích có kích cỡ bằng bàn tay.
Khá bảnh đã thổi bùng tên tuổi của mình, khác hẳn quy trình thường thấy của những người trong giới giải trí trước đây như tạo scandal, ăn theo tên tuổi những người nổi tiếng. Nhưng cái cách Khá bảnh gầy dựng tên tuổi và tạo cho mình một lượng fan hùng hậu khiến người ta giật mình về giá trị sống, đạo đức xã hội, thị hiếu thẩm mỹ lệch lạc của một bộ phận thanh thiếu niên.
Trước khi trang mạng xã hội của Khá bảnh bị đánh sập vào ngày 4-4, người ta thống kê có gần 2 triệu người theo dõi, trên 400 video được đăng tải, gần 400 triệu lượt xem. Trung bình mỗi ngày kênh YouTube của Khá bảnh có trên 2 triệu lượt xem. Nhìn vào những con số vừa nêu để thấy, “nhà sản xuất” Khá bảnh rất thành công trong việc thu hút người xem. Điều gì của Khá bảnh đã tạo nên sức hút đặc biệt này?
Khá bảnh sau khi bị bắt.
Xin dẫn chứng video “dạy dỗ đàn em” của Khá bảnh, với 5 triệu lượt xem để thấy thị hiếu của “công chúng” cũng như “công nghệ” của anh Khá. Mà nào chỉ xem, like, những khán giả của Khá bảnh còn không tiếc những lời tán dương, xưng tụng. Xem cái cách “anh Khá” dạy đời và xem người ta tán dương mới thấy rõ sự lệch lạc của một bộ phận thanh thiếu niên – đội ngũ chiếm đa số trong số lượng fan của Khá bảnh.
Mặc dù dạy đàn em không cờ bạc, ma tuý nhưng mới đây, Ngô Văn Khá bị cơ quan Công an bắt về tội tổ chức đánh bạc và kết quả test nhanh, Khá dương tính với ma tuý. Nếu như, cơ quan pháp luật không lật tẩy bộ mặt thật, có khi giờ này Khá bảnh vẫn còn livetreams dạy đạo lý cho hàng triệu người xem ấy chứ.
Cũng nổi cùng thời điểm với Khá bảnh là cái tên Dương Minh Tuyền. Dương Minh Tuyền nổi danh trên mạng với nghệ danh “thánh chửi”.
Trên trang YouTube của mình, Dương Minh Tuyền đăng nhiều video chửi bậy, bạo lực, tục tĩu. Dù lượng người theo dõi trên trang cá nhân của Tuyền so với Khá bảnh chỉ bằng ¼ nhưng hình ảnh Tuyền về Hưng Yên “thăm” cô bé học trò bị bạn bắt nạt được rất nhiều người chào đón, tung hê cho thấy, anh ta cũng được liệt vào dạng “có máu mặt” trong giới giang hồ mạng.
Điểm chung của Khá, Tuyền là đều có tiền án, tiền sự; đều thích khoe body cùng hình săm và đều nổi tiếng qua những video có nội dung dung tục, phản cảm, kích động giang hồ… Tiếng tăm Khá bảnh, Dương Minh Tuyền nổi rần rật trên mạng và cũng nhờ đây mà nhà mạng trả cho họ hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu mỗi tháng.
Càng đông người theo dõi, càng nhiều người xem, số tiền kiếm được càng nhiều nên bất chấp tất cả, họ làm những video gây sốc để tăng lượt xem. Việc Khá bảnh đốt xe máy quay clip đầy phản cảm là một ví dụ điển hình.
Những Khá bảnh, Dương Minh Tuyền, Phúc XO,… là những điển hình của cái gọi là giang hồ mạng. Chỉ khi những tên tuổi trong giới giang hồ mạng sa cơ mới thấy tường tận sự yếu mềm, đớn hèn của hổ báo trên không gian mạng.
Tội phạm ngoài đời
Clip ghi lại hình ảnh Khá bảnh khi bị tạm giữ hình sự tại cơ quan Công an mà một đồng nghiệp của tôi ghi lại có lượt người xem cực lớn, lớn chẳng khác gì những video hot trước đây trên kênh YouTube của Khá bảnh. Đó là những hình ảnh Khá bảnh ngồi đối diện với người mặc sắc phục, là những lời nói nghẹn ngào và những giọt nước mắt lăn dài.
Nước mắt của một thanh niên 26 tuổi, cơ bắp cuồn cuộn, hình săm kín mít. Nước mắt của một giang hồ mạng tiếng tăm lẫy lừng, triệu người biết, triệu người thích, triệu người thần tượng.
Hoá ra, cái kẻ chuyên dạy đạo lý, chuyên nói chuyện giang hồ, chuyên có hành động “chọc trời, khuấy nước” khi đã tra tay vào còng số 8 đã lộ nguyên bản chất. Chỉ một phút sống thật, cái hình tượng Khá bảnh hoành tá tràng trên mạng đổ sập trước triệu người hâm mộ, thần tượng.
Cũng nổi trên mạng, Phúc XO được biết đến là đại gia thích đeo vàng. Anh này vàng đeo đầy người, nặng trĩu, đeo vàng nhiều đến mức quái dị. Càng đeo nhiều vàng, Phúc XO càng nổi tiếng. Và khi anh ta đội thêm cái mũ bằng vàng có đính nhiều viên kim cương thì tiếng tăm của Phúc XO càng nổi như cồn. Thế nhưng chỉ sau vài ngày đăng đàn khoe chiếc mũ vàng có một không hai, Phúc XO xộ khám.
Lâu nay, cư dân mạng cứ thần tượng đại gia Phúc XO về độ giàu có thì nay ngỡ ngàng khi cơ quan Công an vạch trần sự thật về hoạt động kinh doanh karaoke có tổ chức sử dụng ma tuý của anh ta. Ai đã chót hâm mộ độ giàu có của Phúc XO thì đều bổ ngửa trước thông tin này.
Thế nhưng, cư dân mạng còn sốc hơn khi biết, Phúc XO khai tại cơ quan điều tra rằng, vàng mà anh ta đeo trên người là vàng giả, biển số xe đẹp chụp để đăng facebook là biển xe giả!!! Đại gia trên thế giới ảo đã bị vạch trần như vậy đó.
Mạng xã hội ra đời và phát triển đã tạo ra những kênh thông tin để mọi người dễ dàng sử dụng và tiếp cận. Tuy nhiên, sự phát triển ồ ạt, thiếu kiểm soát, cộng với sự tiếp tay của nhà cung cấp dịch vụ khiến cho những thông tin, hình ảnh lệch chuẩn được truyền bá, cổ suý. Việc này đã tạo ra những hệ lụy cho cộng đồng người sử dụng mạng, cho xã hội, cho mỗi gia đình và từng cá nhân.
Việc cơ quan chức năng của Việt Nam yêu cầu YouTube khoá tài khoản của Khá bảnh, Dương Minh Tuyền và xoá những video đăng tải trên hai kênh này tuy có muộn màng nhưng dẫu sao cũng là cần thiết.
Nếu YouTube có cơ chế kiểm soát để những clip phản cảm, để nó không xuất hiện trên không gian mạng thì sẽ không xuất hiện hiện tượng giang hồ mạng; không hình thành những người cổ suý cho lối sống giang hồ và cũng không tạo ra cơ hội kiếm tiền cho những người như Khá bảnh, Dương Minh Tuyền…
Luật An ninh mạng có quy định, các nhà cung cấp dịch vụ phải đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam được coi là cơ sở quan trọng để các nhà cung cấp dịch vụ tuân thủ pháp luật nước ta. Khi quy định này được chấp hành nghiêm, hẳn là sẽ góp phần nhanh chóng ngăn chặn được những thông tin xấu, độc hại trên không gian mạng.
Được biết hiện nay, Phúc XO, Khá bảnh đang được cơ quan thi hành pháp luật xử lý theo Luật Hình sự hiện hành căn cứ trên các tội danh mà các đội tượng này phạm pháp, đó là các tội: Tổ chức sử dụng ma tuý, tổ chức đánh bạc. Dư luận cũng rất quan tâm, bởi ngoài hai cái tên giang hồ mạng nổi danh như trên đang được xử lý theo Luật Hình sự bởi các tội hình sự mà họ gây ra, trên không gian mạng hiện vẫn còn những cái tên nổi đình nổi đám khác. Với những giang hồ mạng này, không thể dùng Luật Hình sự để điều chỉnh hành vi.
Một chuyên gia an ninh mạng cho biết, dưới góc độ phạm vi điều chỉnh của Luật An ninh mạng, những video bạo lực hoặc kích động bạo lực của nhóm giang hồ mạng nêu trên đã vi phạm quy định tại điểm đ, e Điều 8 Luật An ninh mạng, gây tác động xấu, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, có khả năng xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội, nhất là khi số lượng người theo dõi, cổ vũ chủ yếu là giới trẻ, những em học sinh cấp 1, cấp 2, cấp 3 chưa hình thành đủ sức đề kháng trước những thông tin, tác động tiêu cực từ môi trường mạng. Điều này khiến giới trẻ có cái nhìn “lệch chuẩn” đối với xã hội, pháp luật, đạo đức và cách ứng xử trong cuộc sống.
Điều 29 Luật An ninh mạng đã quy định rõ về việc “bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Theo đó, thông tin hoặc trên dịch vụ trên không gian mạng mà gây nguy hại cho trẻ em, xâm phạm đến trẻ em, quyền trẻ em phải được cộng đồng, trong đó bao gồm cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân cùng kiểm soát, ngăn chặn, xóa bỏ khi cần thiết.
Như vậy, căn cứ vào quy định hiện hành của pháp luật, nhà cung cấp dịch vụ cũng như cơ quan chức năng có nghĩa vụ thực hiện đảm bảo an toàn trên không gian mạng cũng như chế tài xử lý vi phạm, nhất là đối với hiện tượng giang hồ mạng.
Không gian mạng là mạng lưới kết nối của cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, bao gồm mạng viễn thông, mạng Internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu; là nơi con người được thực hiện các hành vi xã hội không giới hạn bởi không gian và thời gian.
Thông tin hoặc trên dịch vụ trên không gian mạng mà gây nguy hại cho trẻ em, xâm phạm đến trẻ em, quyền trẻ em phải được cộng đồng, trong đó bao gồm cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân cùng kiểm soát, ngăn chặn, xóa bỏ khi cần thiết.
(Điều 29, Luật An ninh mạng quy định về bảo vệ quyền trẻ em)
Cáo Hồng (Công an nhân dân)
Nguồn: Đấu trường dân chủ