Trang chủ Luận bàn - Phản biện Một Số Người Dân Đang Gây Rối, Lấn Chiếm Đất Khu Đô...

Một Số Người Dân Đang Gây Rối, Lấn Chiếm Đất Khu Đô Thị Thanh Hà

178
0

Một Số Người Dân Đang Gây Rối, Lấn Chiếm Đất Khu Đô Thị Thanh Hà

Dư luận đang tỏ ra hết sức phẫn nộ vì một số người ở tổ Bắc Lãm 8, Bắc Lãm 9, phường Phú Lương tự ý huy động tiền bạc của người dân, tự ý đổ đất làm đường trên diện tích đất nằm trong quy hoạch dự án đã thu hồi, giải phóng mặt bằng, trong khu đô thị Thanh Hà, quận Hà Đông. Đây có thể là hành vi lấn chiếm đất dự án hoặc là hành vi cố tình ngăn cản việc triển khai dự án tại phường này.

Chiêu bài mà nhóm này sử dụng là “Đòi lại đường dân sinh từ ngàn đời nay”.

https://youtu.be/te36H0w6YRA

Cho đến lúc này, tại hiện trường, người dân vẫn tụ tập mắc lều tạm, cư trú lỳ, dùng xe tải chặn từ ngoài đầu đường vào và bên trong vẫn thuê máy móc đào bới, san lấp. Đáng lên án là nhóm này đã lôi kéo cả người già và trẻ em vào vụ việc này.

Quan sát bằng mắt thường có thể thấy phần đường mà nhóm này đang tự ý thi công, san lấp nằm trong quy hoạch Dự án Khu đô thị Thanh Hà – Cienco 5.

Tìm hiểu từ cơ quan chức năng quận Hà Đông được biết, khu vực này trước đây là đường mương tưới của Trạm bơm Bắc Lãm. Người dân Bắc Lãm thường đi từ làng ra cánh đồng trên một bờ con mương này. Đây là con đường nội đồng, có bề ngang rất nhỏ, chủ yếu phục vụ việc đi lại đồng áng của người dân Bắc Lãm. Nay con đường này được quy hoạch một phần nằm trong Khu đô thị Thanh Hà. Đường chia làm 2 đoạn: Đìa trục và đường kênh. Khi thu hồi để triển khai Dự án Khu đô thị Thanh Hà, phần lớn con đường này nằm trong đất Dự án bao gồm toàn bộ đường kênh và 1 phần đường đìa trục.

Khi thu hồi đất phục vụ dự án, vì là đất công nên kinh phí bồi thường hỗ trợ đất trên đoạn đường này được lấy từ nguồn ngân sách. Tiền bồi thường, hỗ trợ đối với các công trình, vật kiến trúc như: Cống nổi, bể, trạm bơm… đã được chuyển về 2 Hợp tác xã Bắc Lãm và Vạn Xuân đúng quy định của Nhà nước. Như vậy, đoạn đường này đã được bồi thường, hỗ trợ theo quy định, không phải là trục “đường giao thông từ ngàn đời” như một nhóm lấn chiếm đang rêu rao.

Vào năm 2015, do Khu đô thị Thanh Hà chưa thực hiện san nền, nhưng nhận thấy nhu cầu đi lại, chở hàng hóa của người dân ra đường trục phía Nam là rất lớn nên cấp ủy, chính quyền cùng chi hội người cao tuổi Bắc Lãm 8 và 9 đã vận động người dân thực hiện xã hội hóa đổ đường bê tông rộng khoảng 1,5m và thống nhất quan điểm là mượn tạm đất của Dự án Thanh Hà với cam kết khi nào Dự án xây dựng sẽ không đòi bồi thường hỗ trợ.

Năm 2018, chủ đầu tư đã tiến hành san nền thực hiện các hạng mục công trình. Để tạo điều kiện cho người dân đi lại, chủ đầu tư đã san gạt tạo thành một con đường rộng để xe tải nhỏ, xe máy của người dân có thể đi từ làng Bắc Lãm, qua đường đìa trục lên khu đất dịch vụ Xê – Nam Ninh và ra đường 42m.

Có lẽ vì động thái này, nhiều người tưởng lầm đó là đường của người dân, nên lôi kéo, tụ tập đông người nhằm gây áp lực với chính quyền để đòi giữ đường suốt 2 năm qua.

Trong suốt 2 năm qua, dù chính quyền và chủ đầu tư đã gặp gỡ, giải thích nhiều lần, nhưng nhiều người vẫn thường xuyên cản trở chủ đầu tư thi công dự án, lấy đá chặn đường gây sức ép để đòi mức giá bồi thường cao. Khi không được, một số đối tượng đã lôi kéo, đứng ra kêu gọi đòi “con đường dân sinh”, cố ý thi công, san lấp lại con đường nội đồng với chiều dài khoảng 800 m thuộc đất Dự án Khu đô thị Thanh Hà – Cienco 5. Khi tiến hành san gạt con đường, họ đã dùng ống cống lớn chặn các đầu đường đi qua Dự án, không cho người dân đi lại mà “ép buộc” phải đi vào phần đường mà họ đã san gạt.

Điều đáng lên án là, nhóm người này đang dùng chiêu bài lợi dụng người cao tuổi và lôi kéo trẻ em vào vụ việc. Đã có những hành vi ép học sinh nghỉ học để “giữ đất, giữ đường”. Đã có những hướng dẫn cách làm đơn xin nghỉ học gửi đến trường xuất hiện trên mạng xã hội. Đây cũng là hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến quyền được chăm sóc, bảo vệ, giáo dục của các em. Theo Mục 2, Điều 7, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, quy định: Nghiêm cấm các hành vi “Dụ dỗ, lôi kéo trẻ em đi lang thang; lợi dụng trẻ em lang thang để trục lợi”; cũng tại Điều 7, Mục 8 cấm các hàng vi “Cản trở việc học tập của trẻ em”…

Trước tình hình trên, Quận ủy, UBND quận Hà Đông chỉ đạo cơ quan chức năng, các tổ chức, đoàn thể tập trung tuyên truyền, vận động, giải thích để nhân dân, hội viên hiểu rõ: Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng thực hiện dự án được tiến hành theo quy định; nếu công dân chưa đồng thuận với các quyết định của chính quyền hoặc cơ quan, đơn vị, cần thực hiện việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị theo quy định; việc tự ý tụ tập đông người, kích động, gây mất an ninh trật tự, tự ý đổ bê tông đường trong khu vực dự án là vi phạm pháp luật…Bên cạnh đó, Hà Đông cũng đã triển khai công tác đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, đồng thời vận động phụ huynh ở phường Phú Lương tiếp tục cho con em đến trường, không lôi kéo học sinh vào vụ việc, ảnh hưởng xấu đến việc học tập.

Người viết cho rằng, đây là vụ việc cố tình gây rối, tạo bất ổn trong xã hội mà không phải tranh chấp đất đai với chủ đầu tư. Bên cạnh việc tuyên truyền, giải thích, thuyết phục người dân chấp hành pháp luật thì việc thực thi nghiêm túc các quy định của pháp luật là hết sức cần thiết. Nếu chỉ là tuyên truyền, vận động thì không thể giải quyết vấn đề, và tạo điều kiện thuận lợi cho các thế lực thù địch nhảy vào chính trị hóa vấn đề. Khi đó vụ việc sẽ còn khó gấp nhiều lần.

Nguồn: Tre Làng

Nguồn: Mõ làng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây