Trang chủ Nguồn tin Xử Lý Thích Đáng Những Kẻ Gian Lận, Dối Trá Cũng Là...

Xử Lý Thích Đáng Những Kẻ Gian Lận, Dối Trá Cũng Là Trả Lại Sự Công Bằng Cho Những Người Chính Trực, Trung Thực

163
0

Tâm Minh Nguyễn

1- Kết quả sơ bộ cuộc điều tra và những ý kiến trái chiều.

Đến ngày 19-4-2019, Cơ quan An ninh điều tra – Bộ Công an với sự nỗ lực của bản thân mình cùng với sự hợp tác của các cơ quan chức năng thộc Bộ Giáo dục đào tạo đã xác định toàn bộ 222 thí sinh có sự gian lận trong quá trình chấm thi và tổng hợp điểm thi tốt nghiệp THPT năm học 2017-2018. Trong đó có 114 trường hợp sai phạm tại các hội đồng thi thuộc tỉnh Hà Giang, 44 trường hợp sai phạm tại các hội đồng thi thuộc tỉnh Sơn La và 64 trường hợp sai phạm thuộc các hội đồng thi thuộc tỉnh Hòa Bình. Đáng chú ý là tại Hòa Bình, đã phát hiện 1 thí sinh được nâng điểm từ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2016-2017. Cũng tại Hòa Bình, bị can Đỗ Mạnh Tuấn, cựu Phó hiệu trưởng trường THCS và THPT nội trú huyện Lạc Thủy đã khai nhận khoản tiền “hối lộ” 550 triệu VND để “thù lao” cho hành vi vi phạm pháp luật.

Đáng chú ý là chỉ 1 tuần sau khi công bố điểm thi (ngày 11-7-2018) và phát hiện có sai phạm thì ngày 17-7-2018, các Hội đồng thi thuộc tỉnh Hà Giang đã nhanh chóng trả lại điểm thật cho 114 thí sinh được nâng điểm. Lý do là vì tại các hội đồng thi ở Hà Giang, việc gian lận chỉ diễn ra ở khâu tổng hợp điểm, hầu như không có sự can thiệp vào bài thi gốc của thí sinh. Nhưng tại Hòa Bình và Sơn La, những nơi mà việc gian lận điểm thi diễn ra tinh vi và sâu hơn đến mức can thiệp vào bài thi gốc của thí sinh thì quá trình điều tra làm rõ đã kéo dài đến tận gần 9 tháng sau. Tháng 3-2019, 108 thí sinh bị gian lận điểm thi ở Sơn La và Hòa Bình mới được trả điểm thật cho các bài thi của mình.

Việc xử lý chậm và thiếu thống nhất của ngành giáo dục đào tạo cũng như sự ngoan cố, đối phó tinh vi của các đối tượng và không loại trừ có sự bao che tại Hòa Bình và Sơn La vô hình chung đã tạo ra những khó khăn không chỉ cho việc điều tra, làm rõ sai phạm và còn tạo nên một sức ép lên kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2018-2019 khi chỉ còn hơn 2 tháng nữa là kỳ thi này sẽ diễn ra. Nhiều câu hỏi được đặt ra ở nhiều góc độ như:

– Các thí sinh đã vướng vào gian lận điểm thi có được tiếp tục dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2018-2019 (thi lại) hay không ?

– Các thí sinh đã vướng vào gian lận điểm thi nhưng có điểm thi thật ở tổ hợp các môn vẫn đủ điểm trúng tuyển vào các trường đại học có được xét trúng tuyển để tiếp tục học tập không ?

– Có nên công khai danh tính của phụ huynh học sinh đã có hành vi tác động đến người có gian lận để nâng điểm cho con cháu mình không ?

– Có nên công khai danh tính học sinh được/bị gian lận điểm thi không ?

– Bộ Giáo dục đào tạo và các bộ ngành có liên quan đã có những biện pháp gì để ngăm chặn, không để tái diễn tình trạng gian lận điểm thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2018-2019 và những năm học tiếp theo ?

2- Công lý không thể thực hiện nửa vời nhưng cũng không thể “vơ đũa cả nắm”!

Trả lời câu hỏi cuối cùng không khó nhưng có thực hiện được hay không và hiệu quả đến đâu thì lại là điều không hề dễ dàng. Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: “Toàn bộ dữ liệu chấm thi trắc nghiệm, bao gồm file ảnh quét bài thi trắc nghiệm sau này đã được mã hóa hết để những dữ liệu này chỉ có những khóa, những công cụ của phần mềm đi kèm mới có thể đọc được dữ liệu đó. Tất cả những can thiệp lên quá trình chấm thi trắc nghiệm sẽ được lưu vết trong phần mềm. Chỉ có người có trách nhiệm mới mở và đọc được thông tin đó, không sửa được thông tin đó. Tất cả các phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh sẽ được đánh phách điện tử”. Ngoài ra, việc bảo quản bài thi cũng được cải tiến đáng kể bằng việc dùng tem niêm phong bao đựng bài thi thay cho việc đóng dấu giáp lai có nhiều sơ hở như hiện nay.

Mặc dù người đứng đầu ngành giáo dục Việt Nam đã đưa ra cam kết chắc như “đinh đóng cột” sẽ làm mọi việc để tình trạng gian lận vừa qua không tái diễn. Nhưng dù thế nào đi nữa thì các giải pháp kỹ thuật vẫn được thực hiện bằng con người, do con người điều khiển. Một khi những can phạm ở Sơn La và Hòa Bình đã nghĩ ra những chiêu thức tinh vi mà phải nhờ đến kỹ thuật nghiệp vụ điều tra cũng rất tinh vi của lực lượng Công an mới phát hiện được thì không thể nói cứng rằng việc mã hóa và sử dụng khóa điện tử bảo mật để đánh số phách, bảo quản các file dữ liệu bài thi là có thể bảo đảm 100% chống lại được sự gian lận.

Bởi với sự phát triển như vũ bão của ngành thông tin-tin học trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay, việc phá khóa mật mã để tiếp cận thông tin về bài thi, về việc tổng hợp điểm không phải là việc làm quá khó khăn đối với các hacker. Thêm vào đó, khi đối tượng đã có ý định gian lận thì những kẻ gian lận sẽ có đối sách với quy chế của Bộ. Vụ việc ở các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình cho thấy vi phạm đã ở mức có tổ chức trên diện rộng cũng như có mức độ tinh vi khá cao thì không chỉ việc lộ trước đề thi hay gian lận trong phòng thi sẽ có thể xảy ra mà các khâu chấm thi, làm điểm cũng sẽ bị đối tượng can thiệp và rất khó truy tìm chứng cứ. Ngay cả khi đã mất khá nhiều thời gian để làm rõ thì việc khắc phục hậu quả cũng sẽ rất phức tạp.

Ngoài ra, không chỉ có việc gian lận trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT mà không loại trừ các cuộc thi khác như thi học sinh giỏi các môn, các cấp học ở trung ương và các địa phương, thi trường chuyên, lớp chọn, thi khoa học kỹ thuật cũng không loại trừ có gian lận, chẳng qua là vì chúng ta chưa để ý đến các dấu hiệu và điều tra làm rõ mà thôi. Trong khi đó, kết quả của những cuộc thi ấy lại có tác động rất lớn đến việc xét tuyển thẳng vào các trường đại học.

Vì vậy, mọi sự vẫn phải được quyết định bởi chính con người, còn các biện pháp kỹ thuật, kể cả việc lắp đặt hệ thống camera giám sát thi cử vẫn chỉ là các giải pháp hỗ trợ cho con người. Các giải pháp do Bộ Giáo dục đào tạo đưa ra có thể làm yên long ai đó nhưng người ta chưa thấy bộ này đưa ra những giải pháp về con người, trong đó có việc giám sát gắt gao đến từng khâu công việc tổ chức thi cử và thực hiện việc giám sát từ nhiều phía. Và cuối cùng, đáng tiếc là Bộ Giáo dục đào tạo vẫn chưa nên được các giải pháp về tăng cường giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ chuyên môn của mình song song với việc nâng cao trình độ công nghệ, kỹ thuật.

Đối với câu hỏi thứ ba và thứ tư thì cần có sự phân loại. Những thí sinh nào biết về việc có “âm mưu” nâng điểm cho mình mà không tố giác, cứ để cho việc đó diễn ra thì phải được coi là “đồng lõa” và phải bị công khai danh tính. Còn những thí sinh không biết gì về việc các phụ huynh có ý đồ nâng điểm cho mình hoặc kẻ phạm tội nâng điểm cho mình thì tuyệt đối không nên công khai danh tính các cháu. Bởi mặc dù có khả năng được lợi nhưng trong trường hợp “phi vụ thất bại”, các cháu đã trở thành “nạn nhân”. Còn đối với các phụ huynh cũng vậy. Những ai không hề biết đến việc các đối tượng, bất cứ vì động cơ nào mà nâng điểm cho con cháu mình cũng không nên công khai danh tính của họ bởi họ ở thế bị động. Còn những phụ huynh nào đã dùng ảnh hưởng của quyền lực hoặc dùng tiền bạc đê mua chuộc những bị can đã có hành vi sai trái thì phải chịu trách nhiệm về tội “đưa hối lộ” hoặc “lợi dụng chức vụ, quyền hạn” và phải bị truy tố trước pháp luật.

Đối với câu hỏi thứ hai thì phải tùy theo tôn chỉ, mục đích, tiêu chí tuyển sinh của từng trường đại học và phải do các trường đại học tự mình quyết định xem có nên xét tuyển những thí sinh đó hay không. Tuy nhiên, đối với các trường đại học có yêu cầu cao về đạo đức nghề nghiệp như Đại học Y, Đại học Dược, Đại học Sư phạm, Đại học Luật… thì sự khuyến cáo là không nên xét tuyển những trường hợp đó. (Các trường Công an và Quân đội có tính đặc thù, sẽ được đề ở mục tiếp theo). Ở điểm này, Bộ Giáo dục và đào tạo đã có sự “né quy chế” bởi quy chế tuyển sinh ghi rõ rằng nếu thí sinh có “gian lận” trong kỳ thi THPT quốc gia thì cơ sở đào tạo sẽ hủy kết quả trúng tuyển và ra quyết định buộc thôi học; nhưng trong công văn của Bộ gửi đến các trường thì không có từ nào liên quan đến kết luận “gian lận” mà chỉ có cụm từ “điểm không chính xác”. Sở dĩ có sự “nhập nhằng” này là vì cơ quan tham mưu của Bộ Giáo dục đào tạo đã không xác định được “chủ thể gian lận” là đối tượng nào. Là thí sinh ? Hay cha mẹ thí sinh ? Hay can phạm chủ động nâng điểm ?

Trả lời câu hỏi đầu tiên cũng không khó. Bởi một trong các quy chế nghiêm khắc nhất, ngặt nghèo nhất để chống gian lận trong thi cử là bất kỳ thí sinh nào mang tài liệu vào phong thi, mang theo điện thoại di động và các phương tiện liên lạc điện tử khác vào phòng thi thì dù chưa sử dụng vẫn bị đình chỉ thi và cấm thi lại. Tuy nhiên, quy định trên đây của quy chế là để áp dụng cho các thí sinh có động cơ gian lận và có hành vi chủ động gian lận. Vì vậy, trong các vụ án về gian lận điểm thi tốt nghiệp THPT năm học 2017-2018 vẫn cần phải phân biệt được các thí sinh “bị động” hay “chủ động” hoặc “đồng lõa” việc gian lận điểm thi của mình. Theo đó, chỉ có các thí sinh có “bằng chứng ngoại phạm” chứng tỏ mình hoàn toàn “bị động” trong vụ việc gian lận điểm thi mới được tiếp tục tham gia kỳ thì tốt nghiệp THPT năm học 2018-2019.

3- Không chấp thí sinh có gian lận điểm thi và trả lại sự công bằng cho các chiến sĩ Cảnh sát Cơ động.

a) Không chấp nhận bất kỳ một sự gian lận nào:

Báo chí và các cơ quan truyền thông trong thời gian qua đã có những sự nhầm lẫn giữa hai khái niệm “buộc thôi học” và “cho thôi học”. Khác với các trường đào tạo khác, một khi thí sinh được trúng tuyển và được nhận quyết định nhập học tại các trường Quân đội và Công an mà không phải là “hệ dân sự” tức là đã được tuyển vào biên chế của Quân đội cũng như Công an, trở thành chiến sĩ trong Quân đội hoặc Công an. Vì vậy, theo quy chế của các trường Quân đội và Công an, “buộc thôi học” là hình thức kỷ luật cao nhất đối với học viên các trường Quân đội và Công an có sai phạm. Theo đó, “buộc thôi học” không chỉ là không được tiếp tục theo học mà còn là bị tước quân tịch (đối với Quân đội) hoặc tước danh hiệu Công an Nhân dân (đối với Công an). Còn “cho thôi học” không phải là một hình thức kỷ luật. Nó được áp dụng khi học viên không đủ tiêu chuẩn về chính trị, về sức khỏe hoặc một số tiêu chuẩn khác nên không thể theo học tại các trường Quân đội hay Công an.

Trong số các thí sinh ở Hòa Bình và Sơn La “vướng” vào vụ gian lận điểm thi này có 53 thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 vào các trường đại học Công an gồm: Học viện An ninh Nhân dân có 16 trường hợp, Học viện Cảnh sát Nhân dân có 33 trường hợp, Đại học Phòng cháy chữa cháy có 4 trường hợp. Cho đến nay, Bộ Công an đã thu hồi quyết định chiêu sinh và cho thôi học tất cả các học viên nói trên: Hòa Bình 28 trường hợp, Sơn La 25 trường hợp. Riêng các thí sinh Hà Giang đã đỗ vào các trường Công an nhưng “vướng” vào vụ gian lận này thì còn phải chờ kết quả điều tra.

Các học viện và trường sĩ quan Quân đội cũng có những thí sinh “vướng” vào vụ gian lận điểm thi THPT năm học 2018-2019. Trong đó, Học viện Kỹ thuật quân sự có 2 thí sinh đến từ Sơn La, Học viện Hậu cần có 1 thí sinh đến từ Hòa Bình, Trường Sỹ quan Lục quân 1 có 1 thí sinh đến từ Hòa Bình (hiện đã tự xin thôi học), Trường Sỹ quan phòng hóa có 1 thí sinh đến từ Hòa Bình (“thủ khoa” trường này, được nâng tới gần 21 điểm).

Quan điểm của Bộ Công an là trong Công an Nhân dân, không thể chấp nhận các học viên có dính dáng đến việc gian lận trong thi cử ngay từ đầu vào. Quan điểm của Bộ Quốc phòng cũng như vậy.

Quân đội Nhân dân và Công an Nhân dân là hai lực lượng vũ trang trọng yếu của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam, là lực lượng mũi nhọn bảo vệ độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Ngoài những tiêu chuẩn về năng lực thể hiện qua các kỳ thi quốc gia, cán bộ chiến sĩ quân đội Nhân dân, Công an Nhân dân còn phải tuân thủ những tiêu chuẩn về bản lĩnh chính trị, về phẩm chất đạo đức, về tính trung thực, về lòng trung thành, về tin thần dũng cảm xả thân vì Tổ Quốc, vì Nhân dân, vì đồng đội. Vì vậy, các trường Quân đội và Công an không thể chấp nhận bất kỳ một trường hợp gian dối nào của cán bộ, chiến sĩ, học viên không chỉ trong quá trình học tập, công tác mà còn ngay từ khâu tuyển chọn.

Còn nhớ trong kỳ thi tuyển sinh năm 2015, thí sinh Bùi Kiều Nhi đến từ tỉnh Quảng Bình có điểm thi đỗ rất cao vào Học viện Chính trị Công an Nhân dân. Tuy nhiên, thí sinh này bị “vướng” vào một trong các vấn đề tiêu chuẩn chính trị là có bố đẻ đã từng có tiền án tiền sự về tội phá hoại tài sản (chặt phá rừng) và chống người thi hành công vụ. Tuy nhiên, xét thấy vụ việc xảy ra khi Bùi Kiều Nhi chưa ra đời và không ảnh hưởng đến bản thân Bùi Kiều Nhi, sau khi cân nhắc kỹ các ý kiến, lãnh đạo Bộ Công an đã chấp nhận để em được theo học tại Học viện Chính trị Công an Nhân dân. Trong quá trình học tập và rèn luyện, Bùi Kiều Nhi là một học viên tốt có thành tích học tập và rèn luyện tốt. Năm nay, em sẽ thi tốt nghiệp.

Nhắc lại vụ việc này để thấy rằng Bộ Công an không hề cứng nhắc trong việc xử lý những trường hợp có vướng mắc, thậm chí là vướng mắc phức tạp về tiêu chuẩn chính trị, đạo đức của các thí sinh. Tuy nhiên, đối với những thí sinh dù bất cứ lý do nào bị “vướng” vào vụ gian lận điểm thi tốt nghiệp THPT năm học 2017-2018 vừa qua thì không thể để thí sinh ấy tiếp tục theo học để trở thành cán bộ, chiến sĩ Công an Nhân dân được. Bởi cái “dấu vết” gian lận, cho dù là không cố ý đi chăng nữa vẫn trở thành một sự “khởi nghiệp” không đàng hoàng, không chỉ ảnh hưởng xấu đến bản thân các em mà còn ảnh hưởng xấu đến uy tín của lực lượng Công an Nhân dân đang trên đà tự là trong sạch chính mình. Đó là chưa kể bằng những kênh thông tin của mình, lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo Cục Đào tạo của Bộ cũng như lãnh đạo các học viện, trường Công an đã cơ bản nắm được chân tướng của các đối tượng trong vụ việc nên đã đi đến quyết định trả các em về địa phương. Một quyết định chính xác và hợp lòng dân !

b) Họ đã ôn tập, thi cử bằng 200% sức lực của mình và được chứng minh sự trong sạch tuyệt đối.

Vào thời điểm phát hiện sự gian lận điểm thi của các thí sinh ở Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình, trên các báo cũng xuất hiện thông tin nghi ngờ về số điểm cao bất thường tại điểm thi Trường THPH chuyên Chu văn An thuộc Hội đồng thi Lạng Sơn mà cụ thể là 112 thí sinh đang là chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động số 2, Trung đoàn Cảnh sát Cơ động Đông Bắc Bộ đang đóng tại Lạng Sơn. Khi đó, trên mạng xã hội đã lan truyền nhiều thông tin thất thiệt về vụ việc này với ý đồ bôi nhọ lực lượng Công an Nhân dân. Thậm chí trang tin điện tử “Kênh 14” thuộc Công ty Cổ phần VCCORP còn giành hẳn một loạt bài có ý đánh đồng vụ việc này với các vụ gian lận điểm thi ở Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình. Trang tin này cho rằng việc cộng thêm 2,75 điểm ưu tiên vào điểm thi của các thí sinh là chiến sĩ Cảnh sát Cơ động đã làm cho điểm thi của họ tăng lên là điều bất thường.

Khác với những đối tượng có gian lận ở Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình có hành vi trốn tránh, bao che, đối phó tinh vi với cơ quan điều tra, các chiến sĩ Cảnh sát Cơ động của Tiểu đoàn 2, Trung đoàn Cảnh sát Cơ động Đông Bắc lại chủ động đề nghị thanh tra giáo dục, thậm chí là cơ quan điều tra vào cuộc để làm sáng tỏ vấn đề. Họ nói với các phóng viên rằng họ rất bức xúc trước những thông tin thất thiệt đã xúc phạm đến danh dự của họ. Tuy nhiên, khi cơ quan Thanh tra Bộ Giáo dục Đào tạo (chủ trì tổ công tác) phối hợp với Cục Bảo vệ nội bộ A83 vào cuộc xác minh và làm việc thâu đêm suốt sang trong hai ngày liền đã kết luận rằng không có bất kỳ một sai phạm nào tại Hội đồng thi tỉnh Lạng Sơn nói chung cũng như điểm thi tại Trường THPT chuyên Chu Văn An nói riêng.

Sở dĩ có số điểm ưu tiên được cộng thêm là 2,75 điểm là vì các thí sinh là chiến sĩ Cảnh sát Cơ động này đều có nguyện vọng số 1 là thi tuyển vào các trường Công an. Theo quy định tuyển sinh của Bộ Công an được Bộ Giáo dục đào tạo đồng ý, thí sinh là chiến sĩ nghĩa vụ đang công tác, phục vụ tại các đơn vị Công an Nhân dân trong độ tuổi quy định nếu đăng ký thi tuyển vào các trường Công an sẽ được cộng thêm điểm ưu tiên. Số điểm ưu tiên này phụ thuộc vào kết quả đánh giá chất lượng công tác và rèn luyện đạo đức, năng lực của họ trong thời gian tại ngũ mà ngành giáo dục vẫn gọi là hạnh kiểm.

Trong số 35 chiến sĩ đạt điểm cao (trên 24 điểm) tại điểm thi Trường THPT chuyên Chu Văn An (Lạng Sơn) thì cả 35 chiến sĩ này đều có kết quả công tác và rèn luyện tốt. Có nhiều chiến sĩ đã được cấp trên khen thưởng với nhiều mức độ và ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Vậy mà số điểm ưu tiên ít ỏi được tạo thành bởi mồ hôi, công sức của chính họ lại bị những kẻ xấu đem ra bêu riêu trên mạng. Hỏi tại sao họ không bức xúc cho được ?

Các chiến sĩ Cảnh sát Cơ động ở Lạng Sơn dự thi trong điều kiện họ đã rời ghế nhà trường phổ thông từ 3 đến 5 năm và đều có độ tuổi từ 20 đến 24 tuổi. Nhưng họ vẫn còn có nguyện vọng được tiếp tục công tác và rèn luyện trong Công an Nhân dân sau khi hết thời hạn phục vụ theo chế độ nghĩa vụ. Bằng nguyện vọng ấy, bằng động cơ học tập ấy, họ đã phải học lại các kiến thức bậc trung học phổ thông trong vòng 1 năm thay vì 3 năm như những học sinh phổ thông bình thường.

Được lãnh đạo đơn vị quan tâm, khuyến khích, động viên, họ đã miệt mày ôn tập. Ban ngày thì đi làm nhiệm vụ bảo vệ các mục tiêu, tuần tra, canh gác, đi luyện tập ngoài thao trường. Buổi tối thì chong đèn học thâu đem suốt sáng, đâu có được “vui chơi, nhảy múa” như “con cái nhà ai” ?. Họ đã tích cực học tập và thi cử bằng Vào họ đã được đền đáp xứng đáng. Cơ quan thanh tra Bộ Giáo dục đào tạo đã trả lại sự công bằng cho họ.

MỘT VẬT ĐEN ĐẶT BÊN CẠNH MỘT VẬT TRẮNG SẼ CHO TA THẤY TRẮNG VÀ ĐEN HIỆN RA RẤT RÕ RÀNG.

Những kẻ đã bằng sự gian lận để đạt được mục đich có được một chỗ ngồi trên ghế của các trường đại học nghĩ gì trước tấm gương của các chiến sĩ Cảnh sát Cơ động ? Những kẻ đã ra sức bôi xấu các chiến sĩ Cảnh sát Cơ động liệu có ăn năn hối cải vì những thông tin bịa đặt xấu xa, bỉ ổi mà chúng đã đưa lên mạng ?

***

Điểm thi bất thường ở Lạng Sơn: “35 thí sinh không phải con quan chức”

Nguồn: Tre làng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây