Hiệp hội nạn nhân các chất độc da cam Việt Nam vừa gửi thư tới Tòa án Mỹ yêu cầu Tòa án Mỹ phải thực thi công lý, buộc các công ty hóa chất đã sản xuất ra thuốc diệt cỏ có chứa dioxin để quân đội Mỹ rải trong chiến tranh Việt Nam phải bồi thường cho các nạn nhân da cam Việt Nam và xử lý môi trường.
Theo từ điển Bách khoa mở thì trong 10 năm, từ 1961 đến 1971, của Chiến tranh Việt Nam, quân đội Mỹ đã rải hơn 18,2 triệu gallon chất độc da cam với thành phần chứa dioxin xuống hơn 10% diện tích đất ở miền Nam Việt Nam, làm nhiễm độc và tàn phá hàng triệu hécta rừng và đất nông nghiệp. Nhiều người cho rằng ngoài tác hại cho môi trường, hóa chất này còn gây hậu quả trầm trọng cho tính mạng, sức khỏe của nhiều người Việt, thậm chí tới các thế hệ sinh ra sau chiến tranh.
Hiện nay, ước tính có khoảng 4,8 triệu người Việt Nam bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, sống tập trung tại các tỉnh dọc đường Trường Sơn và biên giới với Campuchia. Hàng trăm nghìn người trong số đó đã qua đời. Hàng triệu người và cả con cháu của họ đang phải sống trong bệnh tật, nghèo khó do di chứng của chất độc da cam.
Với mục đích đòi công lý cho các nạn nhân da cam, Hiệp hội các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam đã từng 3 lần kiện các công ty hóa chất Mỹ nhưng cả 3 lần này đều bị Tòa án Mỹ bác đơn với lý do “thiếu căn cứ”.
Tuy nhiên có một sự việc rất đáng chú ý là ngày 19/3/2019, kết luật của bồi thẩm đoàn tại tòa án liên bang San Francisco, Mỹ, là một chứng cứ nữa cho thấy thuốc diệt cỏ Roundup của Monsanto có tác hại trực tiếp lên cơ thể con người, là yếu tố quan trọng gây ra bệnh ung thư của cư dân California Edwin Hardeman, 70 tuổi và yêu cầu Monsanto bồi thường cho Hardeman gần 81 triệu USD..
Tòa án San Francisco tháng 8/2018 cũng đã ra phán quyết buộc Monsanto phải bồi thường 289 triệu USD cho công dân Dewayne Johnson sau khi ông này bị ung thư vì tiếp xúc trong thời gian dài với thuốc diệt cỏ Roundup và Ranger Pro do công ty hóa chất này sản xuất.
Như vậy có nghĩa rằng tại Mỹ, Tòa án đã hoàn toàn có đủ bằng chứng chứng minh mối liên hệ giữa thuốc diệt cỏ với bệnh ung thư và đã yêu cầu các công ty hóa chất như Monsanto phải bồi thường cho nạn nhân chất da cam. Vậy tại sao với 4,8 triệu nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, Mỹ lại chối bỏ công lý một cách trắng trợn như thế.
Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ, chủ tịch Hiệp hội nạn nhân chất độc da cam Việt Nam đặt câu hỏi: “Trong khi các nạn nhân chất độc da cam/dioxin của Mỹ được bồi thường thì “công lý nào cho cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam khi đang từng ngày bị chất độc hóa học hủy diệt đến tận cùng? Nạn nhân chất độc da cam/dioxin đau xót khi phía Mỹ bác đơn kiện vì cho là thiếu chứng cứ?
Vậy chứng cứ khoa học, chứng cứ nhân chứng sống là con người, môi trường Việt Nam bị chất độc da cam/dioxin của Mỹ giáng xuống trong cuộc chiến tranh phi nghĩa từ năm 1961-1971 là chứng cứ thiếu thuyết phục hay sao?
Nếu công lý thực sự tồn tại trên đất Mỹ thì Tòa án Mỹ cần có một sự ứng xử công bằng với nạn nhân da cam Việt Nam.