Trang chủ Tin tức Dự án lấn sông Hàn: Cần rà soát toàn diện

Dự án lấn sông Hàn: Cần rà soát toàn diện

218
0

Những ngày gần đây, dư luận tại TP Đà Nẵng nóng lên với nhiều ý kiến trái chiều về dự án Marina Complex (dự án bất động sản và bến du thuyền Đà Nẵng).

Dự án này nằm ở bờ đông sông Hàn, thuộc phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà xây kè, đổ đất lấn sông. Nhiều người lo ngại dự án gây cản trở dòng chảy sông Hàn, ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị đôi bờ sông Hàn.

Dự án Bất động sản và Bến du thuyền Đà Nẵng được UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt Sơ đồ ranh giới ngày 28/8/2009, diện tích dự án hơn 175.000 m2, giao Tập đoàn VinaCapital nghiên cứu dự án. Sau đó, Vinacapital đã chuyển nhượng cổ phần của Công ty TNHH Bất động sản và Bến du thuyền Đà Nẵng cho Công ty Quốc Cường Gia Lai tiếp tục thực hiện.

Ranh giới phía sông của dự án theo sơ đồ ranh giới được duyệt bám theo hướng tuyến quy hoạch tuyến đê, kè Mân Quang đoạn nối tiếp đê, kè Bạch Đằng Đông, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng được UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt ngày 20/10/2008. Tuyến đê, kè Mân Quang được Sở Nông nghiệp và Nông thôn thành phố Đà Nẵng tổ chức lập quy hoạch trên cơ sở khảo sát địa hình địa chất, nghiên cứu dòng chảy sông Hàn, đảm bảo an toàn cho các khu dân cư đô thị Mân Quang, khu dân cư Làng cá Nại Hiên Đông, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến dòng chảy, chống sạt lở bờ sông và cơ sở hạ tầng khu vực ven sông, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã có ý kiến thống nhất.

Dự án lấn sông Hàn: Cần rà soát toàn diện

Dự án bất động sản và Bến du thuyền Đà Nẵng.

Ông Huỳnh Vạn Thắng, nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện là thành viên Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường TP Đà Nẵng cho biết, trước đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có đầu tư cho TP Đà Nẵng kè Bạch Đằng Đông. Tuy nhiên, phần từ cuối đê kè này đến chân cầu Thuận Phước chưa được đầu tư. UBND thành phố yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện đoạn này. Khi làm chủ đầu tư, Sở đã quyết định hướng tuyến bám theo kè cũ của Pháp xây dựng.

Bởi trước đó, người Pháp đã thiết kế, xây dựng kè chỉnh trị dòng sông, tạo được luồng từ cảng Tiên Sa vào sâu trong sông Hàn. Các kè đó hướng dòng chảy đi thẳng vào luồng giao thông thủy nên kè của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư cũng nhằm mục đích tạo luồng giao thông thủy từ cảng Tiên Sa và đến cảng sông Hàn. Riêng đỉnh kè có sự thay đổi, cao trình cao hơn kè cũ vì phải theo cao trình kè Bạch Đằng Đông. Kè mới Khu đô thị này có ảnh hưởng đến dòng chảy của sông nhưng không nhiều.

“Về cảnh quan trước đây, vùng này là bãi bồi ven sông, nay thì phát triển đô thị. Kè bám theo kè cũ mà kè cũ có chức năng hướng dòng nên lồi ra nhìn không được đẹp. Tuy nhiên do có chức năng là trị thủy, tạo luồng giao thông, do đó, chúng ta không thể làm đưa vào phía trong được” – ông Huỳnh Vạn Thắng nói.

Theo Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, năm 2011, UBND thành phố phê duyệt quy hoạch lần đầu, phần ranh giới dự án được tính từ mép trong công trình đê, kè Mân Quang trở vào trong. Tổng diện tích dự án hơn 175.000 m2, khu vực phía sông quy hoạch 13 khối tháp cao tầng và các công trình bảo dưỡng du thuyền; đất công viên, cây xanh.

Qua các lần điều chỉnh quy hoạch từ năm 2015-2017, Dự án được điều chỉnh quy hoạch theo hướng tốt hơn. Tổng diện tích dự án điều chỉnh giảm còn 117.000 m2; Ranh giới mặt nước cách luồng tàu chạy tăng lên, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến giao thông đường thủy; Tăng diện tích công viên, cây xanh tăng lên, không xây dựng tường rào và cổng vào khu vực phía sông tạo thuận tiện cho mọi người dân tiếp cận không gian dọc bờ sông. Dự án đã được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt báo cáo đánh giá đánh gía tác động môi trường vào ngày 27/10/2017.

Dự án lấn sông Hàn: Cần rà soát toàn diện

Nhà đầu tư đang đổ đất lấn sông.

Nhiều người lo ngại khi xây dựng các khu biệt thự, nhà cao tầng trong khu vực dự án sẽ ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị. Theo Kiến trúc sư Phan Đức Hải, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị thành phố Đà Nẵng, ông đã nhiều lần góp ý về quy hoạch cảnh quan đôi bờ sông Hàn, không đồng tình với dự án bất động sản và bến du thuyền Đà Nẵng. Theo ông Phan Đức Hải, dự án này đổ đất lấn sông Hàn để xây dựng công trình sẽ ảnh hưởng lòng sông. Bờ sông là nơi công cộng nên xây dựng công viên, điểm sinh hoạt công cộng.

Kiến trúc sư Phan Đức Hải khẳng định, dự án này có 2 tòa tháp cao tầng sát bên bờ sông ít nhiều cũng làm mất vẻ đẹp đôi bờ sông Hàn: “Kiến trúc cao tầng áp sát bờ sông sẽ gây cho yếu tố về thị giác phản cảm. Thứ hai là làm cho cảm giác về thị giác là dòng sông sẽ nhỏ. Chúng tôi đã phát biểu nhiều lần trong các Hội nghị nên để dòng sông rộng tự nhiên và đẹp. Kiến trúc cao tầng rất phải hạn chế”.

Theo Kiến trúc sư Hoàng Quang Huy, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch Kiến trúc Đà Nẵng thì khi triển khai dự án cần nghĩ tới yếu tố thuận với quy luật tự nhiên chứ không nên phá vỡ cảnh quan thiên nhiên ban tặng: “Làm việc gì mà thuận với quy luật tự nhiên thì tốt mà, còn nếu trái quy luật tự nhiên, ngăn dòng chảy thì chắc chắn sẽ không ổn”.

Kiến trúc sư Hồ Khuê, người đoạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế về quy hoạch, mong muốn TP Đà Nẵng tiến hành rà soát lại toàn bộ dự án, lắng nghe ý kiến phản biện từ các tổ chức chính trị xã hội, các chuyên gia về quy hoạch. Kiến trúc sư Hồ Khuê phân tích, thiên nhiên đã ban tặng cho Đà Nẵng những bờ sông, dòng chảy hiền hòa. Đây là những yếu tố mang tính tâm linh, chiều sâu của một vùng đất. Vì vậy, bất cứ một dự án nào khi triển khai phải thuận theo tự nhiên, đảm bảo các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa.

“Hiện trạng đã xảy ra rồi, bây giờ hãy quên đi câu chuyện là đập bỏ nó hay giữ lại mà quan trọng là giải pháp. Căn cứ trên giải pháp thiết kế đã thuận theo tự nhiên hay chưa, có tác động gì đến dòng chảy, tác động đến thiên nhiên, tác động đến bên dưới hay không, về mặt lâu dài và trong tương lai nữa. Bây giờ nói điều chỉnh thì điều chỉnh như thế nào đâu có biết được. Cho nên phải mổ xẻ nó lại một cách khoa học. Bởi vì dự án này quá nhạy cảm” – Kiến trúc sư Hồ Khuê nói.

Hơn 10 năm trước đây, trong quá trình xây dựng và chỉnh trang đô thị, Đà Nẵng đã “ưu ái” cấp phép nhiều chủ đầu tư lấn sông Hàn, phân lô bán nền. Dự án bất động sản bến du thuyền Đà Nẵng đã được cấp phép từ năm 2008. Hiện, Chủ đầu tư đã thi công hoàn thành hạ tầng kỹ thuật khu vực phía Đông đường Lê Văn Duyệt và một số công trình nhà liền kề theo giấy phép xây dựng được cấp.

Trước nhiều ý kiến trái chiều xung quanh dự án này, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã chỉ đạo các sở ngành liên quan khẩn trương rà soát lại dự án. Thành phố Đà Nẵng cũng đang thuê đơn vị tư vấn điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Thiết nghĩ, thành phố cần lắng nghe ý kiến từ dư luận, thận trọng xem xét, rà soát và điều chỉnh tổng thể các dự án trên địa bàn, quan tâm hơn nữa các dự án ven sông Hàn cho phù hợp với một đô thị thông minh, hiện đại./.

PV/VOV-miền Trung

Nguồn: VOV.vn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây