Trang chủ Từ Facebook Nhân vụ cháy nhà thờ, chúng ta cùng ôn lại xem bao...

Nhân vụ cháy nhà thờ, chúng ta cùng ôn lại xem bao nhiêu ngôi chùa bị thực dân Pháp đốt

193
0

Nhân vụ cháy nhà thờ, chúng ta cùng ôn lại xem bao nhiêu ngôi chùa bị đốt

Vua Tự Đức bước lên ngai vàng đúng vào lúc nước Việt đối đầu với âm mưu xâm lăng của thực dân Pháp từ đó nhiều ngôi chùa bị phá hủy…

Năm 1858, liên quân Pháp – Tây Ban Nha chính thức tấn công Đà Nẵng, sau đó rút vào đánh chiếm miền Nam. Ngày 06/03/1859, giặc đốt phá thành Gia Định rồi cưỡng chiếm các chùa chiền lớn như Từ Ân – Khải Tường – Kim Chương – Kiểng Phước – Phụng Sơn… thiết lập phòng tuyến quân sự. Từ đây theo gót giày thực dân từ Nam ra Bắc, nước mất chùa tan.

1. Quốc Tự Khải Tường, Gia Định

Năm 1832, vua Minh Mạng ra lệnh Bộ Công thiết kế bản vẽ xây dựng chùa Khải Tường tại thôn Tân Lộc, bên phải thành Gia Định để kỷ niệm nơi vua được sinh ra. Đây là quốc tự lớn nhất ở miền Nam, tại chính điện tôn trí một pho tượng Phật bằng gỗ sơn son thếp vàng, cao khoảng 2m, do thợ tại kinh đô Huế điêu khắc.

Triều đình công cử các vị tăng cang, trụ trì cùng 20 tăng sĩ thường trú để hoằng dương Phật pháp, nắm giữ giềng mối đạo Phật. Kể từ khi giặc Pháp cưỡng chiếm (1859), chùa dần dần đổ nát, hoang phế. Cử nhân Phan Văn Trị, một nhà Nho yêu nước đương thời cảm tác trước cảnh chùa:

“Nam mô hai chữ biết về đâu
Cám nỗi chùa hư Phật phải rầu
Nắng rọi mõ chuông khô nứt mặt
Mưa sa kinh kệ ướt mem đầu.

Rằm ngươn vắng kẻ dâng vùa nếp
Hôm sớm không ai cúng phụng dầu
Đức cả từ bi xin sớm liệu
Ngồi chờ Lương Võ thế còn lâu”.

Năm 1880, thực dân Pháp cho triệt hạ chùa Khải Tường để xây công trình mới, đem pho tượng Phật lớn về cất giữ ở trong kho Phủ Toàn quyền.

Năm chục năm sau, ngày 01/01/1929 thành lập Viện Bảo tàng Blanchard de la Boss (tên của viên Thống đốc Nam Kỳ đương thời) để trưng bày cổ vật bản xứ. Theo lới đề nghị của một số nhân sĩ Việt – Pháp, pho tượng Phật chùa Khải Tường được chuyển đến đặt tại trung tâm Viện Bảo tàng để quần chúng quan chiêm.
6 ngôi chùa bị phá hủy dưới thời Pháp thuộc

Hiện nay, pho tượng mang dấu ấn quan trọng của mỹ thuật Việt Nam thời Nguyễn đã bị chuyển đến phòng trưng bày phía sau, chung cùng với các cổ vật tầm thường khác. Điều này làm mất đi sự tôn nghiêm của pho tượng Phật quý hiếm, làm chứng tích của giai đoạn đầu tiên đất nước bị xâm lăng.

2. Quốc Tự Báo Thiên, Hà Nội

Được kiến tạo dưới triều vua Lý Thánh Tông (1054 – 1071), đặt tên là “Sùng Khánh Báo Thiên Tự”, ngoài vườn chùa có “Đại Thắng Tư Thiên Bảo Tháp”, cao 12 tầng (khoảng 60m), chóp tháp đúc bằng đồng, các tầng xây bằng gạch ghi niên đại “Lý gia đệ tam đế, long thụy thái bình tứ niên tạo”. (1057). Bảo tháp này là một trong 4 công trình được mệnh danh “An Nam Tứ Đại Khí” thời Lý Trần.

Thời quân Minh xâm lăng nước ta, năm 1426 tướng giặc Vương Thông cần lấy đồng đúc khí giới chống lại nghĩa quân Lam Sơn nên đã cho phá hủy nóc tháp cùng với các bảo vật bằng đồng khác như chuông Quy Điền, vạc Phổ Minh, tượng Quỳnh Lâm.

Sau khi đuổi được giặc Minh, đến thời vua Lê Thái Tông (1434 – 1442), triều đình đã trùng tu tôn tạo lại chùa Báo Thiên. Cuối thế kỷ XVIII, vì nạn nội chiến ngoại xâm chùa lại đổ nát. Thời Nguyễn Thiệu Trị, Tổng đốc Hà Ninh Tôn Thất Bật noi theo dấu cũ tôn tạo trở lại thành ngôi danh lam, thỉnh Hòa thượng Phúc Điền trụ trì, là một trung tâm in ấn kinh sách, giáo dục tăng đồ lớn của đất Bắc.

Năm 1883, thành Hà Nội thất thủ, tiếp đến toàn miền Bắc bị Pháp cưỡng chiếm. Do có công trạng to lớn trong việc dẫn dắt, tham mưu cho giặc Pháp, Giám mục Puginier cấu kết với bọn xâm lược, âm mưu cướp đoạt chùa Báo Thiên để xây dựng nhà thờ Lớn Hà Nội vào năm 1884.

Hiện nay chỉ còn sót lại 1 giếng đá cổ chạm khắc hoa sen rất đẹp. Sau khi chúng tôi công bố các bài báo giới thiệu giếng cổ, nhà thờ đã cho di chuyển giếng vào trước hang đá Đức Mẹ vào năm 2005.

3. Chùa Báo Ân, Hà Nội

Chùa do Tổng đốc Nguyễn Đăng Giai tổ chức xây dựng dưới thời vua Thiệu Trị (1841-1847) trên nền cũ lầu Ngũ Long của chúa Trịnh, thuộc thôn Cựu Lâu, huyện Thọ Xương cạnh hồ Hoàn Kiếm.

Chùa có tên chính là “Báo Ân Tự”, nhưng dân gian còn gọi là chùa Liên Trì hoặc chùa Quan Thượng. Căn cứ theo hình ảnh còn lưu lại, chúng ta thấy chùa có kiểu thức rất độc đáo, công trình kiến trúc nguy nga nhất ở Trung tâm Hà Nội vào thời Nguyễn.

Từ con đường ven hồ phía Đông dẫn vào có tháp Hòa Phong rồi đến cổng chùa. Vượt qua chiếc cầu đúc lát gạch đền lầu Hộ Pháp (tam quan) cao hai tầng. Hai bên dựng 4 bảo tháp đối xứng cao 3 tầng. Bên trong là điện Đại Hùng, tôn trí rất nhiều pho tượng Phật, Bồ-tát chạm khắc bằng gỗ sơn son thếp vàng tuyệt đẹp.

Tiếp đến là điện Thánh, Tăng xá, tri đường…Bao quanh có trường lang bố trí cảnh “Thập Điện Minh Vương”, mô tả cảnh khổ báo trong 10 địa ngục rất sinh động. Tổng thể chùa có 36 mái, 150 gian nhà, chung quanh xây tường lục giác bao bọc, bên ngoài đào hào trồng hoa sen. Báo Ân thời đó trở thành đại danh lam của cố đô Thăng Long.

Quân Pháp đánh chiếm thành Hà Nội lần đầu năm 1873, năm 1876 ông Trương Vĩnh Ký theo lệnh của Đô đốc Dupré ra Bắc Kỳ tìm hiểu tình hình, ông có đến viếng chùa Báo Ân và mô tả trong sách “Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi-1876”- (Sàigòn, Guilland et Martion, 1881-tr.5).

Sau khi đất nước bị mất chủ quyền hoàn toàn, kể từ 01/10/1888, Hà Nội là nhượng địa của Pháp. Trong quá trình cải tạo nôi văn hóa truyền thống Việt Nam họ bắt tay ngay vào việc triệt phá các ngôi chùa to lớn, có ảnh hưởng nhất của người Việt.

Trước tiên là quốc tự Báo Thiên, tồn tại suốt gần 1.000 năm đã bị Giám mục Puginier cùng với Công sứ Bonnal và Nguyễn Hữu Độ làm phép lạ để biến thành: nhà thờ chính tòa Hà Nội (xây dựng từ năm 1883 và khánh thành ngày 23/12/1887).

Kế tiếp, chùa Báo Ân nằm trong tầm ngắm của giặc đã bị phá hủy hoàn toàn để xóa bỏ dấu ấn của triều Nguyễn tại cố đô Thăng Long. Các pho tượng Phật đẹp nhất bị Bonnal cướp đoạt đem về Pháp.

Hiện nay, chỉ còn sót lại 1 ngôi tháp Hòa Phong trơ trọi bên Hồ Gươm làm chứng tích cho lời tuyên bố quả quyết của GM Puginier: “Tôi xác định rằng khi mà Bắc Kỳ trở thành Gia Tô giáo thì nó cũng trở thành nước Pháp nhỏ của Viễn Đông, y hệt như quần đảo Phi Luật Tân đã là một Tây Ban Nha nhỏ…” (Giáo sĩ thừa sai và chính sách thuộc địa của Pháp tại Việt Nam (1857-1914). Cao Huy Thuần – NXB Tôn Giáo, 2003-tr. 437).

4. Quốc Tự Giác Hoàng, Kinh Đô Huế

Do ý chỉ của vua Minh Mạng (1820-1840), muốn xây dựng một ngôi chùa thờ Phật trên vùng đất phủ cũ của mình để tụ linh khí, cầu phước cho hoàng gia. Năm 1839, Bộ Công thiết kế bản vẽ, Bộ Binh tuyển chọn 500 lính thợ đảm trách xây dựng chùa. Theo bản vẽ hiện còn: chùa tọa lạc trên vùng đất rộng 29.069m2, ở góc Đông Nam (gần cửa Thượng Tứ) bên trong kinh thành, thuộc phường Thuận Thành, chùa quay mặt hướng Đông Nam.

Từ ngoài đi vào là Tam Quan, vườn cảnh, đến lầu Hộ Pháp. Trung tâm là “Đại Hùng Bửu Điện” thờ tam thế Phật, hai bên có tả vu, hữu vu. Kế tiếp là điện Đại Bảo, phía trước điện bên trái có giếng đá “Thanh Phương” và đỉnh lợp ngói dựng bia đá ghi sự tích. Phía sau dựng hai dãy tăng xá, trai đường.

Chùa được vua Minh Mạng ban tên “Ngự kiến Giác Hoàng Quốc Tự”. Bộ Lễ thỉnh Hòa thượng Tánh Thiên Nhất Định giữ chức Tăng cang, nắm giữ giềng mối đạo Phật tại kinh đô.

Đây là nơi để tiếp sứ thần các nước trong khu vực đến chiêm bái, tổ chức các quốc lễ của triều đình, hoàng gia hàng năm. Vua Thiệu Trị xếp hạng Giác Hoàng là thắng cảnh thứ 17 trong số 20 danh thắng đất Thần kinh.

Biến cố thất thủ kinh đô (23/05/Ất Dậu – 05/07/1885) quốc tự Giác Hoàng bị quân Pháp chiếm làm doanh trại. Đến năm 1902, chùa bị triệt hạ hoàn toàn để xây dựng “Cơ mật tân viện”, làm nơi hội họp giữa Nam triều với Chính phủ Bảo hộ Pháp.

Chế độ quân chủ chấm dứt năm 1945, công trình này được sử dụng làm tòa án. Từ năm 1975 về sau, đây là trụ sở của Ủy ban Quân quản Bình Trị Thiên, tiếp theo là văn phòng tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên Huế (1989-2000). Hiện nay là cơ quan: Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế. Tuy nhiên trong tâm thức quần chúng vẫn tồn tại mãi “Giác Hoàng phạm ngữ”, qua 4 câu thơ:

Cỏ hoa đổi mới tam tòa
Thành xưa còn đó đâu là chùa xưa
Cuộc đời dù nắng dù mưa
Mùi hương chính pháp gió đưa dịu dàng.

5. Chùa Linh Hựu, Kinh Đô Huế

Tháng 6 năm Kỷ Sửu (1829), vua Minh Mạng cho xây dựng quán Linh Hựu tại phường Ân Thịnh, bên trong kinh thành Huế.

Công trình này gồm điện Trùng Tiêu quay về hướng Nam. Hai bên xây tường lang nối liền với gác Từ Vần ở phía Đông và gác Tường quang ở phía Tây. Trước điện dựng tam quan hai tầng, xây la thành bao bọc chung quanh, có đường dẫn ra phường môn sát bến Ngự hà. Đây là nơi thờ phụng tiêu biểu cho Lão giáo.
6 ngôi chùa bị phá hủy dưới thời Pháp thuộc
Tuy nhiên do không tuyển được đạo sĩ đủ tài đức đảm trách nên từ đầu vua đã cho phép Bộ Lễ hội họp với sơn môn cung thỉnh các vị cao tăng giữ chức trú trì và tăng cang tại quán này. Người đầu tiên là Hòa thượng Tánh Thiên Nhất Định. Do đó quán trở thành chùa Phật, làm nơi lễ bái của hoàng gia. Vua Thiệu Trị xếp hạng Linh Hựu đứng thứ 12 trong số 20 thắng cảnh nổi tiếng của kinh đô.

Biến cố thất thủ kinh đô thời vua Hàm Nghi (05/07/1885), quân Pháp chiếm đóng chùa Linh Hựu. Tình trạng này kéo dài đến triều vua Thành Thái. Sau khi chùa Giác Hoàng bị triệt hạ để xây dựng Tâu cơ mật viện (1902), Thị vệ đại thần Ngô Đình Khả tâu xin vua ban cấp khu đất Linh Hựu cho mình làm từ đường gia tộc. Nhưng Ngô Đình Khả không làm từ đường mà chuyển sang kiến tạo nhà thờ Thiên Chúa.

Triều đình phát hiện việc làm trái với pháp luật và hòa ước nên tháng 11/1905 họp lại kiến nghị phạt Ngô Đình Khả 80 trượng, giáng 3 cấp, cách chức (theo điều: phàm bất ưng vi nhi vi, trọng giả trượng bát thập). Ra lệnh triệt hạ giáo đường, cho tùy ý chọn địa điểm xây cất bên ngoài kinh thành.

Ông Ngô Đình Khả trình xin chuyển nhượng công trình đã lỡ làm, sửa chữa thành chùa để bảo tồn di tích Linh Hựu. Xin triều đình trợ cấp 300 đồng bạc để mua sắm vật liệu làm giáo đường mới trên nền kho cũ ở xã Tiên Nộn.

Chưa giải quyết xong sự việc thì tháng 7/1907 vua Thành Thái bị Phát truất phế đưa vào an trí ở Vũng Tàu. Ông Ngô Đình Khả cáo bệnh thay đổi ý kiến không chịu nhận tiền bồi thường nữa.

Đến thời Duy Tân (1907-1916), Ngô Đình Khả bị quyết định cho rời chức vụ về hưu trí. Số tiền 300 đồng sung công, Bộ Lễ triệt hạ giáo đường dùng vật liệu làm việc khác.

Mãi đến thời Ngô Đình Diệm, năm 1962 Tổng Giám mục Ngô Đình Thục mới thực hiện được ý nguyện của cha là lấy đất di tích Linh Hựu để xây dựng ngôi giáo đường Tây Linh nguy nga đồ sộ như chúng ta thấy ngày nay.

Ở Huế thời đó có truyền tụng mấy câu thơ châm biếm:

Khi xưa một cục cũng rằng không!
Bây chừ xây dựng cả một vùng
Đẹp mặt chúa cha trên thượng giới
Đau lòng con cháu với non sông!

6. Chùa Ba Làng (Lá Vằng), Quảng Trị

Theo tài liệu xưa còn lưu lại cho biết vào thời Minh Mạng (1820-1840) nhân dân 3 làng Thạch Hãn, Cổ Thành và Ba Trừ có chung nhau xây dựng một ngôi chùa khá lớn, thờ tự tượng pháp đầy đủ trang nghiêm tại vùng đất Lá Vằng (có nhiều cây lá vằng mọc hoang, người dân thường lấy lá phơi khô làm thuốc Nam) cách tỉnh thành Quảng Trị khoảng 6km.

Đến năm 1885, chùa bị đốt cháy và sau đó bị cưỡng chiếm xây dựng thành nhà thờ La Vang. Kể từ đó, địa điểm này nhanh chóng phát triển và được Giáo hội Thiên Chúa giáo nâng lên hàng Tiểu vương cung thánh đường.

* Từ 1886-1901: GM.GASPAR xây dựng một ngôi thờ ngói từ năm 1886 đến ngày 06/08/1901 làm lễ khánh thành.

* Từ 1924-1928: GM. ALLYS kiến thiết quy mô hơn và nâng thành linh địa La Vang, khánh thành ngày 20/08/1928.

* Sau khi chế độ thực dân Pháp chấm dứt, đến thời Ngô Đình Diệm, theo chỉ đạo của Hội đồng Giám mục: “Quyết định kêu gọi mọi người từ Nam chí Bắc bất luận là lương hay giáo ,kẻ nhiều người ít, góp phần vào công việc trọng đại này”. (Hội đồng giám mục đã quyết định việc dâng hiến Tổ quốc cho trái tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Đức Mẹ và khấn hứa sẽ xây dựng 1 đền thờ dâng kính trái tim Đức mẹ (18/12/1960).

Ngày 20/07/1961, Tổng giám mục Ngô Đình Thục chỉ thị: “La Vang là của chung của toàn thể quốc dân Việt Nam và cả lương lẫn giáo, quốc dân có quyền đòi hỏi cho biết công việc mỗi ngày xúc tiến thế nào, nên cần ít là một nguyệt san đăng tin sốt dẻo cho thấu các làng mạc về công trình đang thực hiện ở đó, để phụ công giúp của vào việc chung. Ai nấy chỉ có một mục đích duy nhất là làm sao dâng cho mẹ một ngôi nhà vừa ý mẹ”.

Với những chỉ thị, quyết định như trên phải chăng chế độ Ngô Đình Diệm công khai công nhận Thiên Chúa giáo là quốc giáo của nước Việt Nam?

Nhân vụ cháy nhà thờ, chúng ta cùng ôn lại xem bao nhiêu ngôi chùa bị thực dân Pháp đốt
Nhân vụ cháy nhà thờ, chúng ta cùng ôn lại xem bao nhiêu ngôi chùa bị thực dân Pháp đốt
Nhân vụ cháy nhà thờ, chúng ta cùng ôn lại xem bao nhiêu ngôi chùa bị thực dân Pháp đốt

Nguồn: Cùng troll phản động

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây