Để đất nước hùng cường thì Nhà nước pháp quyền phải không còn lỗ hổng về thể chế trách nhiệm và truy cứu trách nhiệm, không còn mập mờ giữa những được làm và không được làm, không còn ‘rút kinh nghiệm’
LTS: Tuần Việt Nam mở Diễn đàn “Vì Việt Nam hùng cường” với mong muốn thu nhận từ quý độc giả những ý kiến, bài viết về các giải pháp phát triển đất nước trong tất cả các lĩnh vực nhằm khơi thông tiềm năng phát triển, cổ vũ niềm tin của cộng đồng vào tương lai Việt Nam.
Chủ đề đầu tiên của Diễn đàn tập trung vào thể chế kinh tế. Mời quý vị cùng theo dõi.
Rút kinh nghiệm từ quy chế “phê và tự phê”
Có lần một vị bên Quốc hội phát biểu: “Nhiệm kỳ nào cũng rút kinh nghiệm, năm nào cũng rút kinh nghiệm, sợi dây kinh nghiệm rất dài, rút mãi không hết”. Không biết có phải từ phát ngôn đó hay thậm chí trước đó hay không mà khẩu từ “Sợi dây kinh nghiệm rút mãi không hết” lại được nhân dân truyền tụng ngày càng sâu rộng trong xã hội.
Thật ra, “rút kinh nghiệm” ra đời từ khi có qui chế về “phê bình và tự phê bình” trong sinh hoạt nội bộ của các tổ chức công quyền, đoàn thể.
Theo đó, mỗi cá nhân có khiếm khuyết gì về tư tưởng, đạo đức, tác phong, lối sống, công việc… thì tự kiểm điểm, tự phê bình trước tập thể, cơ quan, đơn vị. Nếu tự phê bình chưa đầy đủ thì tập thể phê bình bổ sung cho tới mức đạt được tâm phục khẩu phục.
Kết thúc buổi họp phê và tự phê, người chủ trì nêu ra những vấn đề cần rút kinh nghiệm cho cá nhân, hoặc toàn đơn vị, không để lặp lại lần sau. Rút kinh nghiệm như thế thì quá nhân văn, nhân quyền, chê vào đâu được.
Cùng với rút kinh nghiệm thì “rút bài học” cũng là một phần quan trọng khác trong dịp sơ kết, tổng kết hoạt động của các tổ chức công quyền, đoàn thể theo từng thời kỳ ngắn, trung, dài hạn. Ở đây, “rút bài học” là để phát huy các mặt mạnh, tích cực; còn rút kinh nghiệm là để khắc phục các mặt yếu kém, tiêu cực.
Vậy mà trong nhiều năm qua, rút kinh nghiệm lại bỗng dưng được sử dụng trong công tác truy cứu trách nhiệm hình sự, trách nhiệm hành chính, trách nhiệm kỷ luật đối với tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong hoạt động các lĩnh vực công quyền.
Truyền thông đã đăng tải hàng trăm ngàn ví dụ về sợi dây “rút kinh nghiệm”, mà phía cuối của nó để lộ ra một đại sự, đã bao phủ với qui mô từ thượng vàng tới hạ cám như thế nào. Ở đó, rất nhiều các loại vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân hoạt động công quyền đều được xử lý bằng “rút kinh nghiệm”.
Chỉ nêu vài ví dụ được “rút kinh nghiệm”: Đàn bò hỗ trợ người nghèo chạy vào nhà lãnh đạo xã; Đất giải phóng mặt bằng được cấp sổ đỏ cho cán bộ huyện; Nhà công vụ chuyển thành nhà riêng của cán bộ công chức tỉnh: Ban hành văn bản cấp Bộ cấm biểu diễn 5 ca khúc đã được mến mộ rộng rãi trong xã hội; Quyết định dự án thủy điện gây vỡ đập; Quyết định qui hoạch gây bất lợi cho cộng đồng dân cư ở Thủ Thiêm; Quyết định kế hoạch chặt sáu nghìn cây xanh ở Hà Nội không hỏi dân,…
Các sai phạm pháp luật trong danh mục khổng lồ trên đây có thứ làm khổ thêm cho người nghèo, làm khó khăn thêm cho nhà đầu tư, có thứ gây chết người, có thứ gây thâm hụt công quĩ, có thứ sai qui trình, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Ý Đảng, lòng dân đều đã kỳ vọng sợi dây rút kinh nghiệm sẽ sớm đến nút cuối cùng. Tại thời điểm này, nút đó vẫn chưa đến, nhưng phía cuối của sợi dây đã xuất hiện đủ rõ nhiều điều về Nhà nước pháp quyền.
Phía cuối sợi dây ‘rút kinh nghiệm’ phải là Nhà nước pháp quyền
Thứ nhất, đó là lỗ hổng lớn về thể chế trách nhiệm
Vi phạm pháp luật giờ không ít gặp trong khu vực tổ chức và cán bộ trong hệ thống công quyền. Đây là một thực trạng không mong muốn và chưa được đề phòng trong công tác lập hiến, lập pháp, lập quy của nhà nước.
Trong tất cả các bản Hiến pháp đã có của đất nước, các tổ chức cao nhất của ngành lập pháp, hành pháp, tư pháp đều có những điều khoản qui định rất tỷ mỷ, cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng tổ chức.
Nhưng qui định về trách nhiệm thì chỉ có trong Hiến pháp năm 1946. Cụ thể, Điều 50 ghi “Chủ tịch nước Việt Nam không phải chịu một trách nhiệm nào, trừ khi phạm tội phản quốc”; Điều 54 ghi “Thủ tướng phải chịu trách nhiệm về con đường chính trị của nội các”. Hiến pháp 1946 chỉ có 70 điều, trong đó đã dành riêng 2 điều để xác định rất rõ trách nhiệm của những người đứng đầu đất nước.
Trong khi đó, Hiến pháp năm 1959, 1980, 1992, 2013 tuy có 112 điều và mỗi kỳ lại nhiều thêm, nhưng đã không có một điều nào dành ra để qui định về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân do Quốc hội thành lập hoặc phê chuẩn ngoài một nội dung về trách nhiệm trực thuộc và trách nhiệm báo cáo với cơ quan cấp trên của tổ chức, cá nhân.
Trách nhiệm pháp lý là một loại quan hệ trong đó Nhà nước có quyền áp dụng các biện pháp cưỡng chế có tính chất trừng phạt theo chế tài cụ thể đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật, theo đó phải chịu những hậu quả bất lợi về vật chất, tinh thần từ hành vi phạm pháp gây ra.
Sự thiếu vắng này của Hiến pháp đã dẫn đến sự thiếu vắng tương tự về nội hàm trách nhiệm trong Luật về Tổ chức chính phủ, Luật về Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, trong các nghị định về tổ chức các bộ và cơ quan ngang bộ…
Các tổ chức công quyền, cán bộ công chức không ngừng đòi hỏi hoặc tự mở thêm quyền lực bởi thấy rằng những trách nhiệm pháp lý đã được Hiến định, Luật định, Nghị định đều hoàn toàn nhẹ gánh đối với tổ chức và cá nhân họ.
Thứ hai, đó là sự mập mờ giữa được làm và không được làm
Trong Nhà nước pháp quyền, nhân dân được làm những gì luật pháp không cấm; còn tổ chức và cán bộ công chức lại chỉ được làm những gì luật pháp cho phép.
Vậy mà trong các văn bản qui định về trách nhiệm hình sự, trách nhiệm hành chính, trách nhiệm kỷ luật đã hầu như không có qui định nào về việc không làm đúng và đủ, thậm chí làm sai, làm trái về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm được qui định của tổ chức, cá nhân.
Đây là một lỗ hổng mà mọi vá víu đều không xong. Ở lỗ hổng này, trong khi pháp luật về hình sự, về hành chính có khả năng “sai đâu xử đấy, không ngoại trừ một ai” đối với người dân, thì lại bỏ ra ngoài những tội, lỗi do vi phạm pháp luật của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động công quyền như: ban hành quyết định sai; giải thích pháp luật sai; lập qui hoạch, kế hoạch sai; chỉ đạo thực hiện sai; tham mưu cho cấp trên sai; kiểm tra sai; thanh tra sai; tiếp dân sai; thực hiện tập trung dân chủ sai…
Những tội được bỏ qua này được đặt tên là “rút kinh nghiệm”, trong đó nghiêm trọng nhất là bỏ qua tội tham nhũng quyền lực. Tội này vừa chưa có trong danh mục tội phạm, vừa chưa có qui trình xét xử, vừa chưa có chế tài cưỡng chế.
Rất may là kỷ luật Đảng đã kịp “đốt lò”, xử lý được một số vụ điển hình, nhưng lỗ hổng của Nhà nước pháp quyền về loại tội phạm này vẫn còn đó.
Thứ ba, đó là ranh giới giữa Dân chủ và Chuyên chính đối với “nội xâm” đã bị bỏ ngỏ
Nhà nước pháp quyền là công cụ để thực hiện chuyên chính với kẻ thù, dân chủ với nhân dân. Vế đầu đã được hoạch định và thực hiện trên cả tuyệt vời đối với kẻ thù ngoại xâm.
Tuy nhiên, đối với nội xâm, mà điển hình là bọn tham nhũng, công cụ chuyên chính được sử dụng đã muộn lại rụt rè. Muộn là vì khi tham nhũng đã bùng lên như hỏa hoạn thì chuyên chính mới đến dập lửa. Rụt rè là vì phải mất nhiều năm mới xác định tham nhũng là nội xâm; khi đã nhận ra, nhưng lại cho đó là một bộ phận nhỏ, rồi không nhỏ, nay đã thừa nhận là nghiêm trọng nhưng vẫn chưa cho đó là lớn; đã gọi là nội xâm nhưng vũ khí để chống lại chủ yếu là “phê và tự phê”, qui trình để chống lại là xử lý nội bộ với “án lệnh” là rút kinh nghiệm.
Phía cuối đường chân trời là hoàng hôn với bên kia và đêm tối với bên này của trái đất; Phía cuối đường hầm là ánh sáng hoặc le lói hoặc rực rỡ.
Phía cuối sợi dây rút kinh nghiệm không phải là phía cuối đường hầm, không phải là phía cuối đường chân trời để có thể là thế này, có thể là thế khác.
Phía cuối sợi dây rút kinh nghiệm chỉ có một, đó là một Nhà nước pháp quyền không còn lỗ hổng về thể chế trách nhiệm và truy cứu trách nhiệm, không còn mập mờ giữa những được làm và không được làm, không còn ngoảnh mặt với các loại tội trong các tổ chức công quyền.
Tiến sỹ Đinh Đức Sinh
Trân trọng kinh mời quý vị độc giả gửi bài cho Diễn đàn “Vì Việt Nam hùng cường” theo địa chỉ email: [email protected]
Nguồn: Tuần Việt Nam