Trang chủ Tin tức “Nói là công bộc của dân nhưng nhiều cán bộ như “quan...

“Nói là công bộc của dân nhưng nhiều cán bộ như “quan vô cảm“

167
0

Trong thời gian qua xảy ra nhiều vụ vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính, nhiều quy định thiếu tính khả thi được ban hành gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng đến đời sống người dân, gây bức xúc trong dư luận.

Thế nhưng, sau câu chuyện đó, việc xử lý trách nhiệm đối với cán bộ công chức có những hành vi trái với trách nhiệm, nhiệm vụ được giao là chưa tương xứng, thậm chí trong nhiều trường hợp không có quy định nào để xử lý cán bộ công chức làm sai công vụ.

Phóng viên VOV phỏng vấn ông Vũ Mão – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội về vấn đề này.

“Nói là công bộc của dân nhưng nhiều cán bộ như “quan vô cảm“

Ông Vũ Mão – nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

PV: Tình trạng thực hiện sai công vụ không còn là chuyện hiếm, quan điểm của ông về thực trạng này như thế nào?

Ông Vũ Mão: Tâm trạng rất đáng buồn là trong thực tế cuộc sống có nhiều vấn đề đã vi phạm. Việc thực thi công vụ của cán bộ công chức có nhiều vi phạm.

Chúng ta có Luật cán bộ công chức được xây dựng rất công phu, nhưng trên thực tiễn vẫn còn nhiều khiếm khuyết, thiếu cụ thể. Đặc biệt, những văn bản dưới luật, Nghị định của Chính phủ và nhất là Thông tư của các Bộ còn non yếu. Ở đây có vấn đề về mặt thể chế, văn bản pháp luật còn lỗ hổng, thiếu sót.

Ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ công chức còn rất thiếu, còn vô cảm. Nói là đầy tớ, công bộc của dân nhưng thực ra họ như “ông quan tham”, “quan vô cảm”. Đây là vấn đề rất thiếu sót trong vấn đề hành chính công vụ, từ đó dẫn đến niềm tin của nhân dân bị mất mát đi nhiều.

PV: Bên cạnh việc pháp luật chưa đầy đủ, thì một trong những nguyên nhân để xảy ra tình trạng thực hiện sai trách nhiệm công vụ phải chăng do quá trình phân loại, đánh giá cán bộ công chức còn nhiều bất cập, do chưa có tiêu chí cụ thể phản ánh đúng thực trạng, mức độ hoàn thành công việc của cán bộ công chức, để từ đó có sự bố trí, sử dụng đúng cán bộ công chức nhằm hạn chế những việc làm sai, thưa ông?

Ông Vũ Mão: Đúng như vậy. Bên cạnh việc những văn bản pháp luật còn thiếu, yếu, còn lỗ hổng thì những quy định về tiêu chuẩn, tiêu chí của từng cán bộ công chức cũng chưa có, chưa rõ mà chỉ chung chung. Cho nên việc kiểm điểm, đánh giá cũng không sâu sát được.

Bên cạnh đó, công tác quản lý của thủ trưởng các cơ quan còn yếu. Tình trạng nể nang, bỏ qua, “dễ người dễ mình” còn phổ biến, vì không muốn cấp dưới soi xét, phê phán mình nên cấp trên nới lỏng, nhẹ nhàng, thậm chí yêu chiều cán bộ công chức cấp dưới… Tất cả hiện tượng này đều không tốt, làm cho nền công vụ trở nên yếu kém.

Cho nên cần nghiêm túc tăng cường trách nhiệm. Ví dụ, khi Thông tư, văn bản được ban hành không đúng thì người đứng đầu phải nhận xét, phê phán và phải công khai trên báo chí để dân biết. Vừa qua, chúng ta đã có bước cố gắng nhưng chưa đầy đủ, chưa làm tròn, đáp ứng đầy đủ nguyện vọng của dân.

PV: Theo ông, giải pháp để đánh giá mức độ hoàn thành công việc của đội ngũ cán bộ công chức đã thực chất chưa?

Ông Vũ Mão: Trước hết, những văn bản pháp luật phải hoàn thiện thêm. Luật cán bộ công chức đã có nhưng còn nhiều lỗ hổng, khiếm khuyết và sau một số năm thi hành thì cần phải có tổng kết lại, bổ sung thêm. Đó là nền tảng cơ bản.

Cùng với đó thì những tiêu chí ở trong Nghị định, Thông tư theo tôi cũng cần quy định cụ thể để khi đánh giá, kiểm điểm hay xem xét, chúng ta áp dụng được đầy đủ hơn.

PV: Quy định xử lý kỷ luật cán bộ công chức khi làm sai công vụ được quy định tại Nghị định 34 năm 2011 của Chính phủ, tuy nhiên lại không có quy định từng hành vi vi phạm cán bộ bị xử lý như thế nào. Theo ông, việc thiếu những quy định riêng như vậy sẽ ảnh hưởng như thế nào đến việc xử lý trách nhiệm của cán bộ?

Ông Vũ Mão: Thực tiễn thiếu những quy định cụ thể trong các văn bản của Nhà nước dẫn đến cán bộ làm tùy tiện và bản thân thủ trưởng các cơ quan đó cũng khó xem xét, quản lý.

Theo tôi, từ thực tiễn cuộc sống cần tổng kết lại xem khiếm khuyết, thiếu sót ở chỗ nào, tiêu chí nào chưa đầy đủ để bổ sung cho phù hợp.

PV: Thời gian qua, việc xử lý kỷ luật đối với một số trường hợp cán bộ công chức có hành vi vi phạm trong thời gian công tác nhưng chưa bị phát hiện tại thời điểm đó và hành vi vi phạm chưa đến mức bị xử lý hình sự gặp nhiều khó khăn, do chưa có cơ sở pháp lý, thiếu sự đồng bộ giữa thi hành kỷ luật hành chính đối với cán bộ công chức đã nghỉ hưu với kỷ luật về Đảng. Theo ông, giải pháp nào để khắc phục được tồn tại này?

Ông Vũ Mão: Rõ ràng chúng ta vẫn còn quá đơn giản trong quy định chỉ trong thời hạn nào đó thì mới xử lý, xem xét. Những năm qua, không ít cán bộ lãnh đạo khi về hưu thì những vấn đề họ đã làm, có trách nhiệm trong quản lý mới lộ ra. Nếu theo văn bản này, thì những chuyện này sẽ bỏ qua, không thuộc phạm vi xem xét xử lý thì đó là lỗ hổng, là khiếm khuyết. Cho nên bây giờ cần phải bổ sung nội dung này.

Vừa qua, vượt lên trên cả quy định đó, trong xử lý chúng ta cũng đã đề cập đến một số cán bộ hư hỏng có trách nhiệm trong thời gian công tác, mặc dù đã về hưu thì cũng không có chuyện “hạ cánh an toàn”. Thấy rõ, đây là việc cần phải đầu tư hơn, đưa ra quy định cụ thể để làm sao sao xử lý được tất cả các hành vi, tất cả cán bộ không kể thời gian trước-sau.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Nguồn: VOV

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây