Trong tuần qua, nhân việc ông Nguyễn Hữu Linh, nguyên Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng, có hành vi sàm sỡ bé gái 9 tuổi trong một chung cư, nhiều tổ chức, cá nhân chống đối đã lợi dụng vụ việc để tuyên truyền chống chế độ, đồng thời phục hồi phong trào ký tên đòi sửa các luật liên quan đến tội quấy rối tình dục, mà nhóm Hate Change phát động.
Cụ thể, tối 02/04/2019, nhiều báo điện tử đồng loạt đưa tin rằng ông Nguyễn Hữu Linh, sinh năm 1958, trú tại Hải Châu, Đà Nẵng, đã có hành vi sàm sỡ bé gái 9 tuổi trong thang máy chung cư Galaxy ở Phường 1, Quận 1, TP.HCM. Sáng 03/04, các báo dẫn lời cán bộ cơ quan công an TP.HCM, rằng “cơ quan điều tra đang truy tìm, xử lý triệt để” đối tượng.
Khoảng 10h sáng cùng ngày 03/04, nick Facebook Đỗ Minh Hoàng viết rằng theo “một nguồn tin cậy xác nhận”, thì đối tượng thực hiện hành vi vừa nêu là “Nguyễn Hữu Linh, nguyên Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng, vừa về hưu tháng 06/2018”.
Vì Đỗ Minh Hoàng vừa là chủ tiệm xăm Tattoo You Saigon, vừa có quan điểm kỳ thị vùng miền và chống chế độ; Facebook của Hoàng được theo dõi bởi cả giới giang hồ lẫn giới chống đối, bất mãn ở TP.HCM. Vì vậy, giới chống đối nhanh chóng tận dụng thông tin mà Hoàng đưa ra để tuyên truyền, chủ yếu theo hai hướng.
Trong hướng tuyên truyền thứ nhất, họ đồng loạt nhấn mạnh rằng ông Nguyễn Hữu Linh, người thực hiện hành vi quấy rối, là cán bộ Nhà nước, Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau đó, họ liên hệ vụ việc này với vụ Nguyễn Khắc Thủy năm 2017, để quy kết rằng “mọi kẻ ấu dâm”, “mọi kẻ dâm ô” đều là Đảng viên, cán bộ Nhà nước. Lối quy kết này sai sự thật, vì trong số nhiều vụ quấy rối, xâm hại tình dục mà báo chí chính thống phản ánh, dư luận chống đối chỉ dồn sự chú ý vào những vụ việc liên quan đến cán bộ Nhà nước và Đảng viên. Trong cùng hướng tuyên truyền này, nhiều cá nhân chống đối đánh đồng các ảnh chụp cố Chủ tịch Hồ Chí Minh ôm hôn thiếu nhi với những hành vi của Nguyễn Hữu Linh và Nguyễn Khắc Thủy, để công kích rằng Đảng Cộng sản Việt Nam có truyền thống ấu dâm, biến thái.
Trong hướng tuyên truyền thứ hai, họ tung tin đồn rằng Nhà nước đang muốn “bao che” cho Đảng viên, cựu cán bộ Nguyễn Hữu Linh. Để chứng minh, họ đưa ra 4 bằng chứng. Một, là việc gia đình cháu bé không muốn khởi kiện ông Linh. Hai, là tiền lệ của vụ Nguyễn Khắc Thủy “dọa đốt thẻ Đảng, được hưởng án treo” năm 2017, và vụ Đỗ Mạnh Hùng “quấy rối tình dục trong thang máy, chỉ phải nộp phạt 200 nghìn” vào tháng 03/2019. Ba, là việc trang Facebook giả mạo “Ban Tuyên Giáo Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam” đăng một “Chỉ đạo chính thức” về việc bao che cho ông Linh. Bốn, là việc bà Nguyễn Thị Phượng, Giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông Đà Nẵng, ký một công văn đề nghị công an “điều tra làm rõ thông tin như báo chí nêu và mạng xã hội đề cập, để cung cấp thông tin cho báo chí”.
Cần lưu ý rằng trong 4 bằng chứng vừa nêu, bằng chứng thứ 2 mang tính võ đoán, và 3 bằng chứng còn lại dựa trên tin giả hoặc tin không đầy đủ. Về bằng chứng thứ nhất, cô Đỗ Thư, mẹ nạn nhân, đã giải thích rõ trên Facebook rằng gia đình không khởi kiện không phải vì bị mua chuộc, mà vì muốn cháu bé không phải trải qua quá tình kiện tụng kéo dài và sự bình phẩm của dư luận. Về bằng chứng thứ 3, trang Facebook đăng tin là một trang giả mạo, được lập để khiến dư luận có ác cảm với Ba Tuyên giáo. Về bằng chứng thứ 4, công văn của bà Nguyễn Thị Phượng chỉ đề nghị công an điều tra, làm rõ vụ việc, để cung cấp thông tin đúng sự thật cho báo chí, tránh khủng hoảng truyền thông; chứ không nhằm mục đích “tước đoạt quyền tố giác tội phạm của người dân”, “bao che” cho đối tượng, như lời quy kết sai sự thật được khởi xướng bởi Thái Văn Đường và Lê Văn Luân.
Dù 3 bằng chứng giả đã bị bác bỏ, và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã đề nghị xử lý nghiêm vụ việc, giới chống đối vẫn tiếp tục dùng bằng chứng giả để tuyên truyền. Chẳng hạn, nhiều cá nhân chống đối, mà nổi bật là Đoàn Bảo Châu, tung tin rằng cô Đỗ Thư là con của tướng công an nên muốn bao che ông Linh, bênh vực Đảng, dù phải hy sinh con cái và “nhân quyền”, “lẽ phải”. Sau khi đọc và share lại bài viết bóp méo sự thật của Lê Văn Luân, Đỗ Minh Hoàng kêu gọi cộng đồng mạng “ném cứt” vào nhà bà Phượng, đồng thời tuyên bố sẽ “chơi đến cùng” với ông Linh. Trong những ngày tiếp theo, một bộ phận cộng đồng mạng, bao gồm những người theo dõi, bình luận trên Facebook Đỗ Minh Hoàng, rủ nhau “lùng” địa chỉ nhà riêng ông Linh, và treo quần lót, ném đồ bẩn, xịt sơn, chụp ảnh ở cổng nhà ông để bêu riếu. Họ lập luận rằng pháp luật không xử được ông Linh thì phải để giang hồ, cộng đồng xử. Phạm Đoan Trang vừa cổ vũ “quần chúng vận dụng, phát huy mô hình xịt sơn”, vừa cổ vũ trang Facebook giả mạo Ban Tuyên giáo.
Nguồn: Loa Phường