Hệ thống chính trị tốt và hiệu quả sẽ giúp kiến tạo đại đoàn kết, kiến tạo đại thành công, kiến tạo kỳ tích hùng cường cho đất nước.
LTS: Tuần Việt Nam mở Diễn đàn “Vì Việt Nam hùng cường” với mong muốn thu nhận từ quý độc giả những ý kiến, bài viết về các giải pháp phát triển đất nước trong tất cả các lĩnh vực nhằm khơi thông tiềm năng phát triển, cổ vũ niềm tin của cộng đồng vào tương lai Việt Nam.
Chủ đề đầu tiên của Diễn đàn tập trung vào thể chế kinh tế. Mời quý vị cùng theo dõi.
“Có những người như chân lý sinh ra” (Tố Hữu), và có cả những lời đã trở thành chân lý, đó là “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công” (Chủ tịch Hồ Chí Minh). Việt Nam đã từng là quốc gia Đại Cồ Việt, nay đang kỳ vọng tiến tới một quốc gia hùng cường.
Kỳ vọng này có thành hiện thực hay không, suy cho cùng là tùy thuộc vào việc thực hiện chân lý trên đây đối với khối đại đoàn kết toàn dân. Chân lý này như một cẩm nang, khi mở ra có thể tìm được câu trả lời cho mọi thành, bại ở tầm quốc gia, dân tộc.
Nếu thành công, đó là do đoàn kết tốt. Nếu chưa thành công, đó là do đoàn kết chưa tốt. Nếu thất bại, đó là do thiếu đoàn kết. Đối với Việt Nam, đại đoàn kết toàn dân đã không dừng lại ở những khẩu hiệu hay lời hiệu triệu mà còn có cả một hệ thống kiến tạo đại đoàn kết để sản sinh ra đại thành công, đó là hệ thống chính trị.
Cách mạng tháng Tám thành công, kháng chiến thắng lợi, thống nhất vẻ vang đều do có sự vào cuộc của cả hệ thống này. Vậy mà đã qua hơn ba thập kỷ Đổi mới, nhưng đất nước chưa được cường thịnh như nhiều quốc gia đã từng đi trong khoảng thời gian tương tự. Cái chưa được đó, suy cho cùng, có điểm xuất phát từ những hạn chế kéo dài của hệ thống chính trị.
Các đại biểu tham dự Đại hội Đảng XII. Ảnh: Phạm Hải
“Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc”
Hệ thống chính trị nước ta là một định chế, trong đó có Đảng, nhà nước, mặt trận tổ quốc và các thành viên là đảng, hội, đoàn thể (sau đây viết tắt là Mặt trận) từ cấp trung ương đến cấp cơ sở xã, phường, thị trấn.
Định chế đó có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm được giao từ cương lĩnh, điều lệ của từng tổ chức thành viên và từ hiến định, pháp định, nghị định của nhà nước để tổ chức, điều hành sự hoạt động của từng bộ phận trong hệ thống. Thiếu một bộ phận nào, yếu bất cứ bộ phận nào, cả hệ thống sẽ chuyệch choạc.
Mỗi bộ phận đó không chỉ “cần vào cuộc” mà còn phải tự động vào cuộc, không thụ động ngồi chờ hoặc được “huy động” mới hành động. Nhưng nhiều năm qua đã rộ lên việc “huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị”. Nói rộ lên bởi vì chỉ cần nhấp vào từ khóa “huy động” này thì hơn 34 triệu đề mục đã và đang được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Chẳng hạn, “huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị” để xử lý nợ xấu; để giải quyết khiếu nại, tố cáo; để bảo đảm trật tự an toàn giao thông; để trở thành trung tâm du lịch quốc gia; để góp phần thực hiện tốt công tác đền bù giải phóng mặt bằng; để đạt mục tiêu giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi;…
Đảng trong hệ thống chính trị có vai trò và vị trí lãnh đạo toàn hệ thống. Thế nhưng hàng loạt Đảng viên từ cấp chiến lược đến cấp thấp nhất đã suy thoái, biến chất qua nhiều nhiệm kỳ Đại hội Đảng. Tình trạng này đã ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng lãnh đạo của Đảng.
Hầu như đoàn kiểm tra nào của Đảng đi đến đâu cũng đều phát hiện ra những vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ trong hoạt động của cấp ủy. Những vi phạm đó đã tạo ra những quyết định không đúng của tổ chức Đảng. Niềm tin của nhân dân đối với Đảng bị giảm sút nghiêm trọng, có nơi, có lúc, khi nhìn vào những Đảng viên vi phạm kỷ luật Đảng và pháp luật nhà nước, và khi phải sống chung với những quyết định sai trái do họ gây ra.
Khiếm khuyết này đã gây ra những tổn thất to lớn cho hệ thống chính trị. Từ sau Đại hội XII, niềm tin của nhân dân đối với Đảng đã được cải thiện do những đột phá của Đảng về mặt cán bộ, nhất là về chống tham nhũng. Nhưng vẫn còn đó những vết sẹo chưa lành của khối đại đoàn kết toàn dân khi nhắc tới Thủ Thiêm, Mỹ Đức, Formosa…
Vẫn còn đó những bất cập trong xây dựng Đảng khi chi bộ là hạt nhân chính trị của Đảng ở cơ sở nhưng hầu như không phát hiện ra đảng viên tham nhũng; khi Trung ương quản lý những đảng viên cấp chiến lược mà nhiều “voi” suy thoái, biến chất vẫn lọt qua được lỗ kim.
Nhà nước trong hệ thống chính trị tuy đã và đang làm được nhiều việc của một tổ chức của dân, do dân, vì dân, nhưng nhiều năm qua đã liên tục mắc lỗi với dân. Tuy nhiều người đứng đầu đã nhận lỗi, xin lỗi, rút kinh nghiệm, nhưng sợi dây này rút mãi vẫn chưa đến điểm cuối.
Những cái sai không thể đổ cho ai được tuy chưa bị tạc vào bia đá, nhưng đã kịp trở thành bia miệng trong nhân gian, nào là: Qui hoạch treo, kế hoạch xếp ngăn kéo, hành là chính, trên bảo dưới không nghe, đô thị tắc đường, thành phố chặt nhiều nghìn cây không hỏi dân…
Việc xây dựng chính quyền vững mạnh về mặt tổ chức ít có kết quả, trong đó bộ máy vẫn thêm cồng kềnh, biên chế vẫn thêm phình to, cấp phó đã vượt giới hạn đỏ mà vẫn tiếp tục gia tăng. Việc không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện và quận, xã và phường tuy đã được làm thí điểm từ năm 2009, nhưng đến nay hội đồng này vẫn còn nguyên ba cấp như năm 1959 mặc dù hiến pháp năm 2013 đã cho phép không nhất thiết phải như vậy.
Ngân sách nhà nước do dân đóng góp, nhưng hàng triệu người ở vùng sâu, vùng xa, người di cư vào đô thị tuy không bị bỏ lại phía sau nhưng vẫn chưa tiến lên được phía trước. Trong khi đó, một bộ phận ngày càng không nhỏ những người có chức có quyền lại sống xa hoa, nhà lầu, xe hơi, cờ bạc.
Loại bỏ những khiếm khuyết
Từ sau Đại hội XII, niềm tin của dân đối với Đảng đã dần dần trở lại. Nhà nước của dân, do dân, vì dân tuy đã đem lại nhiều lợi ích cho các tầng lớp trung lưu, nhưng những lợi ích tương tự thì vẫn còn xa mới đến được với công nhân, nông dân. Khối đại đoàn kết toàn dân đã không còn được như hồi cực thịnh xưa bởi những lực lượng vốn là quân chủ lực, nay đang bị nhiều yếu thế.
Mặt trận trước Cách mạng tháng tám, khi chính quyền chưa về tay nhân dân, đã hoạt động dưới những danh xưng khác nhau (như Việt Minh), nhưng đã đảm nhiệm những nhiệm vụ có mục tiêu của dân, do dân, vì dân. Từ đó, mặt trận đã làm thay nhiều việc của nhà nước.
Tuy nhiên, khi chính quyền đã về tay nhân dân, nhất là khi đất nước đã được giải phóng, sự lãnh đạo của Đảng đã được hiến định, nhà nước của dân, do dân, vì dân đã được xác lập thì mặt trận không còn phải làm thay nhà nước nhiều thứ như trước giải phóng miền Bắc, miền Nam để đảm nhiệm những chức năng, nhiệm vụ mới, thậm chí hoàn toàn mới.
Đó là chức năng, nhiệm vụ của một tổ chức toàn dân trong thành phần hệ thống chính trị. Không có hội, đoàn thể nào có thể thay thế mặt trận ở vị trí toàn dân này. Tuy nhiên, dù đã qua nhiều thập kỷ xây dựng, phát triển và hoàn thiện, nhưng mặt trận vẫn còn khá xa so với vị trí trên…
Những khiếm khuyết của từng bộ phận đã tạo ra những khiếm khuyết chung của cả hệ thống chính trị. Trong đó, ý Đảng đã rõ nhưng lòng dân còn chưa được tỏ tường.
Tất cả quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân đã được đề cao, nhưng còn xa tầm với của họ trong đời sống thường ngày. Đại diện nhân dân đã được tập hợp đông đúc trong mặt trận nhưng sức mạnh toàn dân vẫn nhiều phần còn tản mạn ngoài xã hội.
Những khiếm khuyết chung đó khiến đất nước đã có thành công nhưng đại thành công thì vẫn đang ở xa phía trước.
Hệ thống chính trị tốt và hiệu quả sẽ giúp kiến tạo đại đoàn kết, kiến tạo đại thành công, kiến tạo kỳ tích hùng cường cho đất nước. Kỳ tích này sẽ đạt được trong ngắn hạn, trung hạn, dài hạn hay là vô định đều tùy thuộc vào việc loại bỏ những khiếm khuyết đã và đang có của cả hệ thống sớm hay muộn hoặc quá muộn.
Việc loại bỏ đó đã khó đối với từng hợp phần, càng khó hơn đối với tổng thể. Từ sau Đại hội XII, nhiều chỉ dấu đã cho thấy việc loại bỏ này đang được bắt đầu.
TS Đinh Đức Sinh
Nguồn: Tuần Việt Nam