Năm 1993, vụ án Cầu Chương Dương xảy ra. Viên trung uý cảnh sát giao thông Nguyễn Tùng Dương bị kết tội giết em Nguyễn Việt Phương trên đường giao bọc tiền 50 triệu đồng, nhằm mục đích cướp tiền nhưng không thành.
Lần đầu tiên tôi nhận thấy sức mạnh vô song của báo chí, thay quan toà luận tội.
Ngày ấy Tùng Dương không chết vì loạt đạn dành cho tử tù thì cũng không thể sống thêm ngày nào bởi sự xuống tay quyết liệt của báo chí và dư luận.
12 năm sau, tôi trở lại vụ án. Tìm gặp luật sư của Dương, vợ con Dương, đồng đội của Dương, đặc biệt tìm gặp vị pháp y già – người cho đến khi đã gần 80 vẫn nói ông đúng. Dương không bắn phát súng đó vào Phương, phát súng đầu tiên và cũng là phát súng được nhận định giết chết Phương.
– Vậy nghĩa là Dương chết oan? Tôi hỏi
Ông thở dài.
– Điều đó bây giờ nghĩa lý gì nữa cô? Ngày ấy vì kết quả này, tôi năm lần bảy lượt bị dọa giết. Nhà tôi bị ném phân. Công việc tôi bị nguy hiểm. Tôi k dám ra đường trong thời gian rất lâu. Họ photo báo chí kết tội Dương rải khắp nơi nào có mặt tôi. Nói thật với cô, giờ này – khi mồ Dương và Phương đều đã xanh cỏ, tôi vẫn sợ. Xin cô hãy đừng nhắc tới tên tôi trong bài báo nữa.
Rồi ông lọ mọ mang ra hồ sơ ngày ấy. Tôi ngồi ở nhà ông nghiên cứu mấy ngày. Đọc kỹ, tĩnh tại, và thấy không phải ông không có lý.
Đồng đội Dương ở Công an HN nói thẳng vào mặt tôi, họ thù báo chí! Ác và ngu. Những lập luận vô lối, a dua. Nhưng lại tạo được một làn sóng khủng khiếp, một thế lực khủng khiếp, dọn sẵn quan tài cho Dương, dọn sẵn phiên toà cho Dương, sẽ xử tử ai không xử tử Dương.
Giờ đây, nhiều đồng đội cũ của Dương vẫn rơm rớm: Dương chết vì dư luận! Xử Dương tội chết chỉ để trấn an dư luận.
Luật sư của Dương nhắc đến vụ án với nhiều nỗi dày vò. Hẹn tôi mỗi cuối ngày, mang ra chai rượu. Em uống với anh, nhắc đến Tùng Dương, anh chỉ muốn uống thôi. Khơi chuyện cũ làm gì…
Và hai đứa con Dương cũng như người vợ, mà thôi tôi k nhắc tới họ nữa. Đã quá đủ cho sức chịu đựng của một kiếp người.
Đám đông như một bầy rắn rết sẵn sàng xẻ thịt lột da bất kỳ đồng loại nào, chỉ vì ghét cái thái độ, chỉ vì nói cho sướng cái mồm.
Như hôm nay, khi anh công an lên thế vật thằng ku hàng rong xuống đất, dư luận ép đến mức kẻ thi hành công vụ cùng gia đình phải đến bệnh viện xin lỗi thằng tha lôi cái ba gác chạy ngông nghênh mọi hang cùng ngõ hẻm; còn thằng chả hoan hỉ hé mắt tinh ranh trên giường bệnh rung đùi xem xét có nên tha thứ hay không; người người góp tiền từ thiện cho chả và kẻ kẻ lôi chân dung chú công an tội nghiệp rêu rao mọi nẻo cùng mạng ảo đòi đánh đòi giết đòi đốt nhà xả phân ỉ* vào bản mặt…
Đúng sai bất biết!
Hãi hùng.
Sợ quá cái cõi đời nghiệt ngã!
Sau này nếu còn cơ hội, tôi vẫn muốn một lần trở lại với vụ án Tùng Dương. Oan khuất luôn là nỗi ám ảnh gớm ghê nhất!
(Ảnh minh họa)