Bắt nạt là một vấn đề với trẻ em mọi nơi. Tuy nhiên, nếu là một người nước ngoài, trẻ em đó dễ trở thành mục tiêu bị bắt nạt hơn, đặc biệt là ở châu Âu.
Tây Ban Nha: Học sinh nước ngoài dễ bị bắt nạt
Trang expatica.com lấy ví dụ về một vụ bạo lực học đường xảy ra ở Tây Ban Nha năm 2018. Bức ảnh cắt từ video cho thấy một cậu bé đứng lên người bạn, thậm chí còn nhún nhảy trên đầu nạn nhân 11 tuổi cùng lớp. Vụ bắt nạt này diễn ra tại trường Colegio Suizo, một trường tư đắt đỏ gần khu nhà giàu La Moraleja ở Madrid.
Bắt nạt trong trường học là vấn nạn xã hội ở Tây Ban Nha. Ảnh: Euroweeklynews
Vụ việc chứng minh một thực tế là bắt nạt là vấn đề ngày càng nghiêm trọng ở Tây Ban Nha nói riêng và châu Âu nói chung. Nó có thể xảy ra tại cả những trường danh giá nhất.
Nghiên cứu gần đây cho thấy số trẻ em Tây Ban Nha bị bắt nạt ở lớp học là 23% và những gì xảy ra ở Tây ban Nha chỉ là phần nổi của tảng băng và vấn đề bắt nạt đang phổ biến khắp châu Âu.
Trong số đó, trẻ em người nước ngoài là đối tượng bị bắt nạt thường xuyên nhất vì các em có phần khác biệt so với bạn cùng lứa. Một học sinh người Mỹ gốc Đức sống ở Berlin và lớn lên ở Munich kể: “Bố mẹ cháu cho cháu ra khỏi trường Đức và đưa cháu vào một trường Mỹ vì cháu luôn bị bắt nạt do khác biệt. Cháu chắc chắn là thích trường Đức hơn nhưng cháu không cảm thấy hòa nhập vào xã hội Đức”.
Một ông bố là doanh nhân người Anh giấu tên kể: “Chúng tôi dọn tới Costa Blanca cách đây 4 năm và cho con trai, con gái học trường Anh. Nhưng nó như là nước Anh thu nhỏ, tách biệt khỏi xã hội Tây Ban Nha và chúng tôi muốn các con hòa nhập vào văn hóa xung quanh. Chúng tôi cho chúng học trường công Tây Ban Nha. Đó là khi rắc rối bắt đầu. Con tôi bị xúc phạm, bị cả bạn và giáo viên gọi là ‘phù thủy Anh’ và bị lạm dụng sắc tộc… Con gái tôi còn bị dọa đâm dao”.
Theo ông bố này, khoảng 15-20% trẻ em tại trường đó tới từ Bắc Âu và phần lớn cha mẹ cho biết các em đều gặp vấn đề. Hậu quả là học sinh kết bè với nhau theo quốc tịch.
Áo: “Thủ phủ” bạo lực học đường
Theo thống kê, Áo chính là quốc gia có nạn bạo lực học đường trầm trọng nhất châu Âu. Theo báo Krone, nghiên cứu cho thấy số vụ bạo lực tăng 24% năm 2014 lên 312 vụ năm 2017, tức tăng 1.200%.
Ảnh minh họa (nguồn: Shutterstock)
Phát ngôn viên về vấn đề an ninh của đảng Nhân dân Áo (OVP), ông Karl Mahrer đã kêu gọi thực hiện biện pháp phòng ngừa toàn diện trước mức gia tăng đáng lo ngại trên. Ông nói: “Bạo lực học đường không thể được dung thứ. Chúng ta cần cảnh sát tập huấn chống bạo lực bắt buộc giống như là giáo dục giao thông vậy”.
Trong 312 vụ kể trên, các nạn nhân đều cần chăm sóc y tế do đấm nhau hoặc đánh nhau bằng dao. Chín vụ có nạn nhân bị thương nghiêm trọng.
Hiện nay, Áo thực hiện 14 chương trình phòng ngừa bạo lực trong giới trẻ. Tuy nhiên, trong năm 2017, mới 131.855 học sinh được tiếp cận. Trong khi có tới 455.000 học sinh tuổi từ 15 tới 19 ở Áo.
Giám đốc Giáo dục Vienna, ông Heinrich Himmer nói: “Để có thể đặt ra các biện pháp hữu hiệu, cần càng nhiều thông tin càng tốt. Vienna có chính sách không dung thứ với bất kỳ hình thức bạo lực nào”.
Đức: Phái chuyên gia chống bắt nạt tới trường học
Thực trạng bạo lực học đường nghiêm trọng ở Đức, đặc biệt là các vụ liên quan tới bắt nạn bạn học do tư tưởng bài Do Thái, đã khiến nước này sử dụng biện pháp đặc biệt. Đức đã phái 170 chuyên gia chống bắt nạt tới các trường học đối phó với sự gia tăng tư tưởng này.
Ảnh: DPA
Bà Franziska Giffey, Bộ trưởng Gia đình Đức cho biết trong những năm tới, 170 chuyên gia chống bắt nạt sẽ được cử tới những trường học được chọn lựa và hoạt động dựa trên nguồn tiền của chính phủ liên bang.
Bà Giffey phát biểu với tờ Rheinische Post năm 2018: “Chủ nghĩa bài Do Thái trong trường học là vấn đề lớn. Chúng ta cần nghiêm túc xem xét vấn đề bắt nạt trong lớp học, sân chơi liên quan tới tôn giáo, cho dù kẻ bắt nạt là ai. Ở trường, trẻ phải học tôn trọng và cách sống hòa bình cùng nhau, đó là nền tảng một xã hội hòa bình”.
Trường học ở Đức, đặc biệt là ở Berlin, là những nơi xảy ra nhiều sự số bài Do Thái. Một trong những vụ đáng lưu ý xảy ra ở trường John F. Kennedy ở ngoại ô Berlin, trong đó một học sinh bị chửi bới và bị dán hình dấu thập ngoặc (biểu tượng của phát-xít Đức) vào người.
Nghiên cứu của Chương trình Đánh giá Học sinh Quốc tế (PISA) năm 2017 cho thấy cứ 6 học sinh Đức thì có một em bị bắt nạt thường xuyên tại trường. Nghiên cứu nhận xét bắt nạt là vấn đề nghiêm trọng ở các trường học Đức, với một tỷ lệ lớn học sinh trở thành nạn nhân.
Giám đốc phụ trách kỹ năng và giáo dục của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), bà Andreas Schleicher nói với hãng tin DPA: “Chúng ta phải giải quyết mạnh tay hơn tình trạng bắt nạt ở Đức vì vấn đề này thường bị xem nhẹ. Chỉ có cách không dung thứ mới có thể nói rõ rằng đó là điều không thể chấp nhận được”.
Theo nghiên cứu, để giải quyết bạo lực học đường, cần các chương trình chống bắt nạt hiệu quả, một cách tiếp cận mà toàn trường phải tham gia, trong đó giáo viên được tập huấn về hành vi bắt nạt và cách giải quyết. Ngoài ra, nhà trường cũng cần khảo sát học sinh để theo dõi mức độ bắt nạt và cung cấp thông tin cũng như yêu cầu phụ huynh tham gia cùng giải quyết.
Nghiên cứu nhấn mạnh: “Giáo viên và phụ huynh có vai trò đặc biệt quan trọng trong ngăn chặn tình trạng bắt nạt tại trường học. Giáo viên cần nhấn mạnh với học sinh rằng họ sẽ không dung thứ cho bất kỳ hình thức bắt nạt nào; còn cha mẹ cần tham gia với nhà trường trong phản ứng với hành vi bắt nạt”.
Mời bạn đón đọc bài cuối: Bạo lực học đường ở Mỹ và mối liên quan tới súng đạn
Thùy Dương/Báo Tin tức
Nguồn: Đấu trường dân chủ