Sự kiện Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều diễn ra tại Việt Nam trở thành trung tâm truyền thông trên báo chí và mạng xã hội những ngày qua. Loa Phường xin dành 2 kỳ để mổ xẻ “trạng thái” của mỗi bên khi đưa tin và bình luận về sự kiện này, nhất là “phản ứng” của truyền thông “lề trái” trước hành động có tính biểu tượng của Tổng thống Trump vẫy cờ đỏ sao vàng – vốn bị giới tẩy chay, không ưa Đảng cộng sản dị ứng
========
Trong 2 ngày 27 và 28/02/2019, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un đã gặp nhau tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều lần thứ 2, được tổ chức tại Hà Nội, nhằm tìm giải pháp chấm dứt tình trạng chiến tranh giữa hai nước. Trước khi hội nghị diễn ra, một số nhà quan sát quốc tế cho rằng Mỹ và Triều Tiên đã bước vào hội nghị này một cách vội vàng và thiếu chuẩn bị. Bởi sau 8 tháng kể từ lần gặp ở Singapore, hai bên vẫn chưa có định nghĩa chung về khái niệm “phi hạt nhân hóa”, chưa công bố các nội dung đàm phán cụ thể, thiếu các bước thỏa thuận nhỏ, thiếu kênh liên lạc trực tiếp giữa hai bên… Sau hội nghị, hai bên không đạt được thỏa thuận nào, và ông Trump rời Việt Nam sớm hơn dự định. Lý do chính là bất đồng giữa hai bên, khi Triều Tiên muốn Mỹ dỡ bỏ cấm vận vô điều kiện, còn Mỹ muốn Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân vô điều kiện. Ngoài ra, nhiều người phỏng đoán rằng ông Trump phải về nước sớm để giải quyết các vấn đề “sát sườn” mới nảy sinh trong ngày 27 – như việc ông bị cựu luật sư Cohen tố cáo trước tòa, hay việc Hạ viện Mỹ chặn khoản ngân sách mà ông cần để xây bức tường phía Nam. Trước khi chia tay, hai ông Trump và Kim tiếp tục trả lời phỏng vấn báo chí bằng một số phát ngôn mang tính ngoại giao – chẳng hạn ông Kim “sẵn lòng” phi hạt nhân hóa, “sẵn lòng” cho phép Mỹ mở một văn phòng ngoại giao ở Bình Nhưỡng…
Trong suốt thời gian diễn ra hội nghị, nước chủ nhà Việt Nam đã thắt chặt an ninh, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền về mình như một điểm đến du lịch lý tưởng, một đất nước “vì hòa bình”, một “trung tâm hòa giải quốc tế”… Đáp lại, độc giả Việt Nam cũng dồn mọi sự chú ý vào hội nghị, như biểu đồ ngày 01/03 đã chỉ ra.
Vì vậy, trước, trong và sau hội nghị, dư luận phi chính thống cũng tập trung khai thác chủ đề này. Có thể tạm chia các bài viết của họ thành 3 nhóm, dựa trên mục đích:
Nhóm thứ nhất là các hoạt động đưa tin, bình luận mang tính trung lập. Trong các đài nước ngoài phát sóng bằng tiếng Việt, BBC và VOA gần như tường thuật trực tiếp các diễn biến của hội nghị, còn các đài khác không làm được việc đó. Phóng viên BBC tỏ ra bi quan về kết quả của hội nghị ngay từ ngày 27, và vào ngày 28, họ nhiều lần nhấn mạnh rằng hai bên tham gia đã “không ký được gì”. Trong khi đó, VOA đưa một số tin theo lối xoa dịu, nhấn mạnh vào những tuyên bố mang tính xã giao về thiện chí đàm phán của hai bên, để ông Trump đỡ mất uy tín.
Trên mạng xã hội Facebook, các trang tin điện tử và các báo nước ngoài, nhiều gương mặt phi chính thống cũng liên tục viết bài để phân tích, bình luận, phỏng đoán về các diễn biến và kết quả của hội nghị. Họ đưa ra các ý kiến đa dạng, tùy theo quan điểm của đảng phái hoặc cá nhân.
Nhóm thứ hai là các hoạt động tuyên truyền chống Nhà nước Việt Nam. Những người tham gia tuyên truyền tận dụng mọi yếu tố trong hội nghị mà họ có thể vin vào để công kích. Thông điệp của họ bao gồm 3 hướng.
Trong hướng thứ nhất, họ phản bác các hoạt động tuyên truyền của báo chí chính thống Việt Nam. Chẳng hạn, Phạm Đoan Trang và Nguyễn Anh Tuấn viết rằng thay vì “lên đồng” “tự sướng” khi được chọn làm nơi tổ chức hội nghị, làm tấm gương cho Triều Tiên học tập; Việt Nam chỉ nên chỉ nên tự hào khi vừa có chế độ đa đảng, vừa đạt được “phép màu kinh tế” như trường hợp Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc. Trong các bài viết thuộc hướng này, bài của Nguyễn Anh Tuấn gần như lặp lại phát biểu của Trịnh Hội trên BBC hồi giữa tháng 2. Khi hội nghị kết thúc mà không đạt được kết quả, họ mỉa mai viễn cảnh “trung tâm hòa giải quốc tế” và các bài viết ca ngợi ông Kim Jong Un trên báo chí chính thống của Việt Nam.
Trong hướng thứ hai, họ công kích rằng Nhà nước Việt Nam đã “xâm phạm nhân quyền”, “làm khổ dân” khi tiến hành các hoạt động bảo vệ an ninh cho hội nghị. Số công kích này nhắm vào 3 vấn đề, là việc trục xuất Howard X (người đóng giả Kim Jong Un); việc tăng cường lực lượng dân phòng và cấm đường; việc chặn cửa hoặc tạm giữ các đối tượng có tiền xử gây rối (như Cát Linh, Lê Văn Dũng…).
Trong hướng thứ ba, họ so sánh Mỹ và Triều Tiên, Mỹ và Việt Nam… để công kích chế độ chính trị của Triều Tiên và Việt Nam. Chẳng hạn, họ công kích chủ nghĩa Cộng sản qua hình tượng phái đoàn Kim Jong Un (như việc ông Kim đi tàu hỏa chạy than, cho vệ sĩ chạy bộ hộ tống xe hơi, cho báo chí trong nước tuyên truyền rằng người dân mất ngủ vì nhớ Chủ tịch…). Ngoài ra, một số phụ nữ luống tuổi trong dư luận chống đối – như Lan Lê và Lê Thị Công Nhân – đã dấy lên một phong trào ca ngợi các đặc vụ Mỹ hộ tống Donald Trump. Họ khen các đặc vụ này to cao, đẹp trai, mặc đẹp, tác phong đàng hoàng; không như các “đặc vụ Việt Nam” thường va chạm với giới chống đối.
Nhóm hoạt động tuyên truyền thứ ba là các bài công kích lẫn nhau. Nhân việc Tổng thống Donald Trump tỏ thái độ thân thiện với Nhà nước Việt Nam và Chủ tịch Kim Jong Un, Nguyễn Gia Kiểng công kích các trí thức bất mãn và gương mặt chống đối vừa viết thư “cầu cứu” Trump hôm 14. Cùng lúc đó, phe “bài Trump” trong giới chống đối cũng công kích phe “cuồng Trump”. Họ viện dẫn việc Trump vẫy cờ đỏ sao vàng, dành những lời lẽ tốt đẹp cho Chủ tịch Kim Jong Un và nước chủ nhà Việt Nam… để tuyên truyền rằng Trump “vẫy cờ cộng sản”, “phản bội các giá trị dân chủ”… Phe “cuồng Trump” đối phó bằng cách cắt, ghép ảnh, để tạo ra bức ảnh Tổng thống Trump đứng trước một dãy cờ vàng ba sọc đỏ của các nhóm chống đối lưu vong. Tuy nhiên, bức ảnh này bị Hoàng Ngọc Tuấn, thuộc phe “bài Trump”, chỉ ra là ảnh ghép.
(Còn nữa)
Nguồn: Loa Phường