Khi người dân gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn hợp pháp thì không còn cách nào khác là phải tìm đến tín dụng đen…
Tín dụng đen biến tướng và những hệ lụy
Nhiều năm trở lại đây, tín dụng đen bùng phát mạnh mẽ ở Việt Nam. Có thể dễ dàng thấy những mẩu quảng cáo được dán chồng chồng lớp lớp trên cột điện, trên tường hay trên trụ điện mời gọi vay nóng kèm số điện thoại liên lạc của các công ty tài chính tiêu dùng…
Tại nhiều vùng nông thôn, hiện tồn tại những nhóm cho vay chuyên nghiệp, với lãi suất nằm trong giới hạn 20%/năm. Thậm chí, còn có cả hình thức cho vay lãi theo ngày, với mức trả lãi tối thiểu là 5.000 đồng/1 triệu đồng tiền vay. Xét về điều kiện kinh doanh, việc cho vay phi chính thức như vậy là bất hợp pháp. Tuy nhiên, hoạt động này lại được bà con ở vùng nông thôn đón nhận nhiệt tình. Xuất phát từ lý do này mà tín dụng đen đã có “cơ” để phát triển một cách mạnh mẽ.
Công an tỉnh Gia Lai triệt phá tổ chức tín dụng đen núp bóng Công ty TNHH Tín Phát Gia Lai
Theo các chuyên gia kinh tế, bản chất hoạt động cho vay trên thị trường phi chính thức không phải là xấu, đây là kênh tín dụng hiệu quả, linh động nhằm giải quyết những nhu cầu tín dụng đa dạng của người dân khi mà các ngân hàng hay tổ chức tài chính chưa thể đáp ứng. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực mà thị trường này mang lại thì cách thức hoạt động của “tín dụng đen” còn tiềm ẩn nhiều “điểm nghẽn” gây bức xúc, bất an trong xã hội.
Sự bất an đó không hẳn vì những mức lãi suất vượt trần, cho vay không phép, thất thu thuế của ngân sách Nhà nước mà đó là sự liều lĩnh, manh động, sẵn sàng phá vỡ các giới hạn nhằm xâm phạm tài sản, sức khỏe, tính mạng của người đi vay cùng gia đình họ.
Liên quan đến tín dụng đen có đủ loại vụ việc phạm tội đã diễn ra từ lừa đảo, hủy hoạt tài sản cho đến cướp tài sản, giết người….
Số liệu của Bộ Công An cho thấy, 4 năm gần đây, cả nước có 7.624 vụ án liên quan đến tín dụng đen, với 56 vụ giết người, 398 vụ cố ý gây thương tích, 629 vụ cướp tài sản, 836 vụ cưỡng đoạt tài sản, 1.809 vụ lừa đảo, 3.581 vụ lạm dụng tín nhiệm, 165 vụ hủy hoại tài sản… Trong đó có 170 vụ lừa đảo, lạm dụng liên quan đến việc huy động vốn lãi suất cao với số tiền hàng nghìn tỷ đồng, vỡ nợ dây chuyền. Lực lượng Cảnh sát hình sự đang theo dõi 124 băng nhóm với 831 đối tượng hoạt động có tổ chức về lĩnh vực cho vay nặng lãi.
Cá biệt, đường dây tín dụng đen lớn nhất cả nước mới bị triệt phá cuối năm 2018 có quy mô giao dịch hơn 500 tỷ đồng, đã có những trường hợp khách hàng phải chịu cảnh “lãi mẹ, lãi con” tới 1.000% mỗi năm. Chi phí đi vay không rõ ràng, chi phí tiền phạt trả chậm, thậm chí còn gấp nhiều lần đã đẩy nhiều khách hàng tới cảnh “táng gia bại sản” chỉ vì một khoản vay vài chục triệu đồng.
Những con số trên đã phản ánh rõ thực trạng xấu và sự tác động ghê gớm đến xã hội của vấn nạn tín dụng đen đang bùng nổ mạnh mẽ hiện nay.
Lãi “cắt cổ” nhưng sao người dân phải tìm đến “tín dụng đen”?
Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, sở dĩ tín dụng đen vẫn phát triển mạnh và người dân vẫn phải tìm đến tín dụng đen là do thị trường này đáp ứng mọi nhu cầu của người vay. Điểm mạnh vượt trội của tín dụng đen là thủ tục, quy trình điều kiện vay rất đơn giản, thậm chí người vay không cần nêu rõ về nhu cầu, mục đích vay. Cùng với đó là món vay thường nhỏ, tài sản đảm bảo cực kỳ đa dạng, có thể là ti vi, tủ lạnh, sổ đỏ, điện thoại và người vay có thể gia hạn thời gian, nếu cần.
Trong khi các tổ chức tín dụng hợp pháp thì điều kiện vay ngặt nghèo, quy trình vay rườm rà. Đặc biệt phải có chứng từ chứng minh mục đích vay vốn, phải có hồ sơ chứng minh thu nhập, khả năng thanh toán nợ của khách hàng.
Thêm nữa, có một bộ phận khách hàng đến với tín dụng đen với lý do ngại đến ngân hàng. Do thiếu hiểu biết về kiến thức pháp luật, không cần hợp đồng, dấu đỏ, xác minh thu nhập trả nợ, thậm chí chỉ bằng “thỏa thuận miệng” giữa người cho vay và người cần vay, khoản tiền từ vài triệu đến vài chục triệu đồng đã có thể được giải ngân.
Hơn nữa, vay ngân hàng hiện nay phải chịu mức lãi suất 9-13%/năm, còn với tín dụng đen con số này tính theo tháng. Cá biệt ở một số tỉnh Tây Nguyên, mức lãi suất lên tới 30% mỗi tháng, tương đương 365% mỗi năm, gấp gần 30 lần lãi suất vay ngân hàng.
Như vậy, khi người dân gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận những nguồn vốn hợp pháp thì không còn cách nào khác là phải tìm đến tín dụng đen. Đây chính là mảnh đất “màu mỡ” để tín dụng đen tồn tại và phát triển.
Giải pháp nào để đẩy lùi tín dụng đen?
Trước những diễn biến phức tạp của loại hình tín dụng đen, nhiều giải pháp đã được các cơ quan quản lý đưa ra. Trong đó, lời giải được đánh giá là “thuyết phục” nhất để giải quyết tận gốc vấn đề là thúc đẩy kênh tài chính tiêu dùng và tín dụng vi mô. Với mục đích sau cùng là hai kênh tín dụng này trở thành lựa chọn thay thế cho những khách hàng muốn tìm tới tín dụng đen.
Theo đó, ưu điểm của tín dụng tiêu dùng là cung cấp các giải pháp tài chính thông thoáng hơn, không cần tài sản đảm bảo, ví dụ vay tín chấp, vay tiêu dùng, trả góp, với thủ tục đơn giản và thời gian xét duyệt hồ sơ nhanh.
Một bộ hồ sơ cho vay của các công ty tài chính, nếu đáp ứng được yêu cầu ban đầu, có thể được xét duyệt trong thời gian tính bằng giờ.
Hơn nữa, tốc độ giải ngân phải không kém tín dụng “đen”, với mức lãi suất thấp hơn hẳn.
Theo Luật sư Trần Minh Hải – Công ty Luật Basico, một trong những giải pháp hiệu quả để phòng chống tín dụng đen là cần thiết lập hành lang pháp lý chống lại các dấu hiệu đặc trưng của tín dụng đen từ góc độ hành chính đến hình sự. Cụ thể, Bộ luật Hình sự cần có quy định riêng về tín dụng đen với chế tài chuyên biệt để hướng tới việc xử lý rạch ròi về tín dụng đen.
Còn ông Trịnh Bá Việt Xô, Trưởng phòng Quản lý đối tác chiến lược, Công ty tài chính Home Credit Việt Nam cho rằng, để phối hợp hiệu quả với cơ quan quản lý trong cuộc chiến đẩy lùi tín dụng đen, dưới góc độ doanh nghiệp, các công ty tài chính tiêu dùng cần có chiến lược nâng cao năng lực cạnh tranh toàn diện ở một số lĩnh vực. Đó là, tăng cường khả năng tiếp cận với người dân.
Các công ty tài chính tiêu dùng cần đẩy mạnh các chiến dịch quảng bá thương hiệu và truyền thông để người dân biết đến thương hiệu và dịch vụ, đồng thời, mở rộng mạng lưới các điểm bán hàng để khách hàng có thể tiếp cận dễ dàng, đội ngũ nhân viên luôn sẵn sàng tư vấn theo nhu cầu của khách hàng. Khi người dân có đầy đủ thông tin và thêm lựa chọn khi cần vay, họ sẽ giảm dần thói quen tìm đến tín dụng đen.
Ngân hàng vào cuộc đẩy lùi tín dụng đen
Trước thực trạng tín dụng đen đang bùng nổ và gây nhức nhối trong xã hội hiện nay, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, thời gian tới, đơn vị này sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng xây dựng nhiều chương trình tín dụng phù hợp, đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân với lãi suất thấp hơn rất nhiều so với lãi suất mà người dân vay bên ngoài. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ kiến nghị với Chính phủ xem xét để Ngân hàng Chính sách xã hội dừng bớt một số chương trình để tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách về tín dụng hiện nay.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho hay, sẽ đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục vay vốn; niêm yết công khai, minh bạch các quy trình, thủ tục cho vay; rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay để doanh nghiệp, người dân được vay vốn một cách thuận lợi với thời gian nhanh nhất. Tạo hành lang pháp lý cho các tổ chức tín dụng, hệ thống quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô mở rộng phục vụ nhu cầu tiêu dùng, cải thiện đời sống của người dân nông thôn; phối hợp với các cấp, các tổ chức chính trị – xã hội đưa vốn đến tận tay người dân một cách hiệu quả nhất, giúp hàng triệu hộ nông dân được tiếp cận và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay ngân hàng…
Bên cạnh đó, NHNN cũng quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thấp hơn từ 1 – 2% lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác; hỗ trợ về nguồn vốn cho các tổ chức tín dụng có tỷ lệ cho vay nông nghiệp, nông thôn từ 40% trở lên; khuyến khích các tổ chức tín dụng mở rộng hoạt động và phát triển thêm các gói sản phẩm tín dụng phù hợp ở khu vực nông nghiệp, nông thôn, nhất là các khu vực có mạng lưới ngân hàng chưa phát triển…
Đặc biệt, mới đây, Ngân hàng Nhà nước giao Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) nghiên cứu triển khai gói tín dụng 5.000 tỷ đồng cho vay tiêu dùng với thủ tục, hồ sơ nhanh gọn, lãi suất hợp lý, có thể sáng vay chiều giải ngân nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết và chính đáng của người dân. Các gói vay tiêu dùng, cho vay đối tượng thu nhập thấp được khuyến khích không chỉ ở nông thôn, vùng sâu vùng xa mà cả ở đô thị, các khu công nghiệp-khu chế xuất nhằm đáp ứng nhu cầu vốn của nhiều đối tượng khách hàng…
Tuy vậy, bên cạnh sự vào cuộc của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các bộ ngành, về phía người dân cũng nên trang bị nhiều hơn kiến thức về tài chính, pháp lý để hiểu rõ những nội dung, quy định trong văn bản thỏa thuận giữa người vay và người cho vay; cần am hiểu về pháp luật để tránh trường hợp vi phạm pháp luật dân sự, đặc biệt liên quan đến lãi suất, trần lãi suất. Điều này sẽ hỗ trợ trong việc giảm thiểu tình trạng tín dụng đen ngày càng diễn biến phức tạp như hiện nay./.
Nguồn: VOV