Xã hội đang có một nghịch lý không nhỏ. Trong khi quyền tự do công dân, quyền tự do cá nhân đang được Đảng và Nhà nước không ngừng nâng cao thì quyền tự do của cá nhân này lại đang bị những cá nhân khác xâm phạm. Với sự xuất hiện và ngày càng phát triển của các thiết bị ghi âm, ghi hình cùng với các phương tiện để công bố các âm thanh, hình ảnh đó, những hoạt động riêng tư hoặc hoạt động không riêng tư nhưng lẽ ra không được công bố rộng rãi thì bây giờ hoàn toàn có thể bị “lộ”.
Ảnh minh họa
Một hoa hậu có giấc ngủ “hớ hênh” trên máy bay đã bị “chộp lại”, xuất hiện trên facebook, rồi lan nhanh trên mạng internet, nhất là sau khi được báo chí nhắc đến, đưa thông tin, dù bằng thái độ tiêu cực hay tích cực. Một bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân đã đặt chân lên giường và thế là bị lưu lại hình ảnh đó, sau đó bị phê phán không thương tiếc với những quy chụp nặng nề về tư cách, thái độ, y đức của người thầy thuốc đối với bệnh nhân, dù thực tế câu chuyện đó ra sao có thể người ghi hình hoàn toàn không biết. Một đoạn phim ghi lại cảnh thân mật giữa hai bạn trẻ được tung lên mạng khiến thiếu nữ – là nhân vật chính trong clip – bị sốc nặng nề và cuối cùng đã tìm đến cái chết… Đó chỉ vài trong số hàng loạt trường hợp những thông tin, hình ảnh hoàn toàn riêng tư “bị” công khai mà người trong cuộc hoàn toàn không muốn.
Sự tiến bộ của công nghệ đã biến không ít người trở thành những “chuyên gia” về công nghệ “câu like”, “câu view”, “trích dẫn có ý đồ”, “share tùy tiện”… Ban đầu, nhân vật được chú ý là những người nổi tiếng hoặc người thân của họ thì bây giờ, ai cũng có thể trở thành “nhân vật hot”. Mấy năm trước, chuyện một cô gái bán bánh tráng trộn bỗng dưng nổi tiếng, khiến quầy hàng của cô trở nên rất đắt khách nhưng cũng phát sinh những phiền toái không nhỏ sau khi “được” cộng đồng facebooker “quảng bá giúp”.
Hay một nhân vật có nick “Thánh cô cô bóc” đã sử dụng facebook để đem những chuyện rất riêng tư, chuyện hậu trường của nhiều người nổi tiếng, trong đó có những chuyện bịa đặt, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, danh dự và lợi ích của không ít người. Đáng nói là những thông tin chưa được kiểm chứng đó lại được một số người tùy tiện dẫn lại, trích lại, rồi bình luận thêm, khiến sự việc ngày càng đi xa sự thật. Thậm chí có người tự bịa đặt một tình huống nào đó, rồi “lôi” người khác vào câu chuyện của mình, khiến người đó trở thành “nạn nhân” trong mớ bòng bong thật giả lẫn lộn đó – như chuyện một cô gái “sáng tác” chuyện cô nhặt được một đứa trẻ là con của một tử tù, kỳ thực là con của anh ruột mình, để câu view, để bán hàng, nhưng qua đó xâm phạm quyền riêng tư của nhiều người khác, trong đó trẻ em.
Hoặc chuyện một cô gái giao thịt bò làm mất gói thịt lại dựng thành chuyện phải “nạp” cho công an để khỏi bị phạt, sau đó được tương lên facebook không chỉ là chuyện dối trá mà còn làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của lực lượng công an… Còn rất nhiều chuyện liên quan đến quyền riêng tư của người khác do những “anh hùng bàn phím”, những “chuyên gia chém gió” dựng nên, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của một số người.
Bản thân internet, mạng xã hội, điện thoại thông minh… đã trở thành phương tiện kiểm soát tự do của nhiều cá nhân. Chẳng hạn, một số chức năng của điện thoại khi nhận cuộc gọi từ số di động thì xác định được địa phương của người gọi đến; điện thoại hoặc máy tính bảng của cài đặt định vị toàn cầu thì cũng cung cấp cho người khác biết vị trí mà người sử dụng thiết bị đó. Hay trên facebook, chức năng “gắn thẻ” (tag) (nếu người dùng không chặn) khiến nhiều người bị “lôi” vào dòng thông tin của “bạn bè” mình; chức năng nhận diện cũng khiến việc “gắn thẻ” trở nên dễ dàng và gần như tự động, khiến một số người dù không muốn nhưng vẫn phải chấp nhận thông tin của “bạn bè”mình.
Không chỉ vậy, việc sử dụng hình ảnh người khác mà không có sự cho phép của người đó trên mạng xã hội, các forum cũng là hình thức vi phạm về quyền hình ảnh mà không phải ai cũng chú ý. Bên cạnh đó, việc sử dụng các phương tiện này thiếu hiểu biết có thể tự “khoe” thông tin cá nhân của mình cho người khác, như số điện thoại, ngày tháng năm sinh, địa chỉ, email, tình trạng gia đình, hình ảnh riêng tư…, khiến có thể bị kẻ xấu lợi dụng với mục đích xấu. Tức là công nghệ giúp người ta tự do hơn thì cũng chính nó là người ta mất tự do hơn; có nghĩa là tự do của người này đang “chồng lấn”, xâm phạm vào tự do của người khác.
Trong lúc chờ đợi các quy định của pháp luật chặt chẽ hơn về việc bảo vệ quyền tự do cá nhân, thông tin cá nhân, cũng như có các chế tài nghiêm khắc hơn, bản thân mỗi người cần có kiến thức và ý thức tích cực về việc sử dụng internet, mạng xã hội…, nhất là có những thông tin, hình ảnh của bản thân mà có thể bị người khác khai thác, lợi dụng để trục lợi, cũng như với hình ảnh, thông tin của người khác nếu chưa được sự đồng ý của người đó. Như trên facebook, cần tránh tùy tiện đăng trên tường của người khác, bởi có thông tin với người này có thể công khai bình thường nhưng với người khác thì lại là bí mật.
Thành ngữ cũ, “điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác”, vẫn rất đúng trong trường hợp này mà mỗi người cần luôn ghi nhớ. Khi dẫn nguồn, trích lại, copy link… thì phải hết sức thận trọng, tránh góp phần biến chuyện không thành có, chuyện một thổi thành mười hoặc làm bản chất sự việc bị méo mó, xuyên tạc, nhất là các sự việc có thể gây tác hại đến nhiều người, gây dư luận xã hội nguy hiểm… Tức là mỗi người phải có sự tỉnh táo, tính nhân văncần thiết để không bị “lạc lối” trong cái “mê hồn trận” của “thế giới ảo”, không trở thành “anh hùng bàn phím” nhưng kỳ thực đang “giết dần giết mòn” người khác.
Xâm phạm về quyền của hình ảnh cá nhân có thể vi phạm pháp luật hình sự
Ở nước ta, Hiến pháp là đạo luật gốc, các bộ luật phải căn cứ vào Hiến pháp để cụ thể hóa. Do vậy, quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền nhân thân là nguyên tắc Hiến định. Hiến pháp năm 2013 đã thể chế hóa đường lối đổi mới của Ðảng ta trong giai đoạn cách mạng tiếp theo nhằm đưa đất nước tiếp tục phát triển trên tất cả các lĩnh vực. Do đó, Bộ luật Dân sự 2015 đã cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền nhân thân là thể chế hóa các quan điểm của Ðảng về quyền con người, quyền công dân… Ðồng thời, Bộ luật Dân sự 2015 cũng đã quy định đầy đủ các quyền nhân thân mà Hiến pháp năm 2013, các Ðiều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên đã quy định thể hiện đầy đủ bản chất Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; cũng phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước ta hiện tại và tương lai trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội,…
Quyền của cá nhân đối với hình ảnh là một trong những quyền nhân thân được pháp luật bảo vệ và cụ thể hóa tại Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015.
“Điều 32. Quyền của cá nhân đối với hình ảnh, tại Khoản 1 quy định:
1. Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình.
Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.
Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Như vậy, theo Bộ luật Dân sự 2015, việc một cá nhân hay tổ chức bất kỳ sử dụng hình ảnh của người khác cho mục đích nào đó (không phân biệt thương mại hay phi thương mại) mà chưa được phép của người có quyền cá nhân đối với hình ảnh đó thì được xem là hành vi vi phạm pháp luật. Trên thực tiễn, dạng hành vi xâm phạm này diễn ra phổ biến. Những chủ thể vi phạm thường sử dụng hình ảnh của người khác cho mục đích thương mại để kiếm lợi cho mình, nhưng lại không xin phép chủ thể có quyền đối với hình ảnh. Ngoài ra, trong hoạt động báo chí, cơ quan báo chí có thể vô tình hoặc cũng có thể cố ý đưa hình ảnh cá nhân đã được bảo mật, xâm phạm đến quyền nhân thân về hình ảnh cá nhân.
Trúc Giang