Trang chủ Luận bàn - Phản biện Nhân vụ chùa Ba Vàng, nghĩ về lời Phật dạy

Nhân vụ chùa Ba Vàng, nghĩ về lời Phật dạy

0
0

Phật từ bi, thử hỏi, Ngài có hài lòng chăng, khi nơi thờ tự lộng lẫy, to nhất nhì Việt Nam, thế giới trong khi chúng sinh còn nghèo đói.

Phẫn nộ vụ chùa Ba Vàng

Nhờ có báo chí, vụ chùa Ba Vàng được phơi bày trước dư luận. Xem clip, ai ai chẳng khỏi phẫn nộ. Có quá nhiều điều trái khoáy, chướng tai gai mắt, kể cả làm điều thất nhân tâm, xúc phạm đến hương hồn các liệt sĩ. Tạm nêu ra vài câu hỏi quanh vụ việc này:

Từng có lời khoe khoang, tiền của xây chùa Ba Vàng tới 500 tỷ đồng, có thời là chùa to nhất Việt Nam. Vậy tiền đó ở đâu, từ đâu? Ai bỏ ra? Sổ sách ghi chép thế nào?

Lại nữa, số tiền cúng vong bao tháng năm qua là bao nhiêu, vong nào tiêu, đang ở đâu, ai quản, trong tài khoản nào và nếu vong không tiêu, thì dùng vào việc gì, hay để chia chác cho ai?

Không thể hình dung nổi, một vụ việc “quái đản”, với những người “quái gở”, công nhiên tồn tại cạnh một thành phố, ngang nhiên mở/đóng trang web, đăng clip để phán nhăng cuội và ngày ngày nhiều người ùn ùn kéo tới.

Vậy các các cơ quan quản lý của ta ở đâu, luật pháp đâu? Nhà nước ta tôn trọng tự do tín ngưỡng, song không có nghĩa, hành đạo theo kiểu phá đạo, gieo rắc thứ mê tín, mục đích để lừa đảo, đe nẹt, chiếm đoạt tiền của của người khác.

Điều cuối cùng, cần hết sức thận trọng, các hoạt động của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, trong các cuộc thăm viếng mang tính ngoại giao, văn hóa, tôn giáo bị đem ra lợi dụng trục lợi, mạo danh, hù dọa.

Không chỉ vụ chùa Ba Vàng, rất cần một cuộc tổng rà soát các địa điểm, công trình thờ tự, chấm dứt lợi dụng tôn giáo để kinh doanh, reo rắc mê tín, dị đoan, bóc tách hoạt động kinh doanh và phải tuân thủ quy định tài chính. Các hoạt đông, kể cả hoạt động tôn giáo, đều phải tuân thủ, nằm trong khuôn khổ pháp luật. Cuối cùng, cần xử lý nghiêm, đúng luật những kẻ trong vụ chùa Ba Vàng.

Nhân vụ chùa Ba Vàng, nghĩ về lời Phật dạy

Phật là từ tâm, trong tâm.

Phật là từ tâm, trong tâm

Nhân vụ chùa Ba Vằng, chúng ta không thể không liên tưởng đến thực trạng người ta đua tranh nhau cúng dường, giành giật xây chùa lớn, đúc tượng to, mang cả kỹ nghệ ra quảng cáo Phật – khác hẳn một thời khi cửa chùa hoang vắng, hương tàn khói lạnh, thậm chí có việc bài xích đạo Phật.

Phải chăng lòng họ thật vì Phật? Hay họ nghĩ, Phật thích chùa to, tượng lớn, bằng vàng, đá quý. Thật ngây thơ, vải thưa sao che nổi mắt thánh?!

Xây chùa, đúc tượng vì mục đích đem Phật ra kinh doanh, buôn thần bán thánh thì quả là thực to gan lớn mật, coi trời bằng vung. Họ có thể không có lương tâm, nhưng phải biết sợ trời, sợ đất, nghĩ đến hậu vận, đến con, đến cháu, sao dám làm cái việc phá đạo, buôn Phật. Làm vậy, ắt có nhân có quả.

Phật từ bi, thử hỏi, Ngài có hài lòng chăng, khi nơi thờ tự lộng lẫy, to nhất nhì Việt Nam, thế giới trong khi chúng sinh còn nghèo đói.

Biết bao bà mẹ Việt Nam anh hùng, bao thương binh, gia đình liệt sĩ, bao trẻ em miền núi còn đang đói cơm lạt muối.

Hàng ngàn ngôi trường nội trú vùng cao còn chưa ra trường, trẻ nhỏ đói khát, mới sáu, bảy tuổi, hàng tuần phải trèo đèo lội suối, vác trên vai bốn năm cân gao tới trường, tự kiếm củi, nấu một bữa, ăn đôi ba ngày, chỉ cơm ăn với cơm, chan nước lã, đến hạt muối cũng không có.

Chả nói đâu xa, ngay tại nhiều thành phố, không ít gia đình bệnh nhân khốn khổ chạy vạy vài triệu bạc để lo viện phí.

Lời Phật dạy đơn giản: Từ bi, lương thiện, giác ngộ để ta không còn tham sân si. Không bỗng dưng, đạo của Người truyền tụng trên 2.600 năm, lan truyền khắp năm châu bốn bể.

Thái tử Tất đạt đa Cồ Đàm từ bỏ cung vàng gác tía, bước vào chốn nhân gian để giác ngộ. Giáo lý của Ngài là phải do lòng mình, phải tự nguyện, phải tiếp thu và thực hành, không thể nhờ, không thể mua, càng không thể dùng tiền của mua bán, giành giật, dối trá, lừa lọc.

Trong mỗi người con ta, đều có phần phật, ai ai cũng nên phật được cả, miễn là do ta, bằng tấm lòng, bằng hành động, bằng sự từ bi, vạn vạn lần không thể bằng mua bán, tranh giành, lừa dối.

Đạo Phật truyền vào nước Việt cả ngàn năm, góp một phần tạo nên văn hóa, bản sắc Việt, tín ngưỡng Phật trong dân gian.

Gần như mỗi làng quê Bắc bộ, cái nôi của nước Việt, đều có ngôi chùa nhỏ, khiêm nhường, mộc mạc, nép mình chốn làng quê. Nó không phô trương, lộng lẫy, chỉ sớm chiều ngân nga tiếng chuông, gióng lên nhắc nhở về từ bi, chân thật sống của phật tử, dân làng. Phật giáo cũng góp phần vào bức tranh kiến trúc làng quê ngàn năm nước Việt.

Phật đâu cần chùa to, tượng lớn, xưng tụng Ngài – sùng bái cá nhân Phật. Phật là từ tâm, trong tâm.

Dân gian có câu “Thứ nhất tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa.” Đâu cứ phải xuống tóc, đâu phải cùng dường nhiều, đâu phải mâm xôi lớn, thủ lợn to cúng Ngài.

Phật không cần những thức đó và Ngài biết ngay của hối lộ, người vốn huyền diệu mà; đâu lễ lớn, cầu nài, người sẽ phù hộ đồ trì. Trước Ngài, mọi chúng sinh đều bình đẳng, giàu nghèo, cốt là tấm lòng thiện tâm, từ bi.

Nguyễn Trọng Huân

Nguồn: Tuần Việt Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây