Chẳng hiếm gì những tiếng ta thán của người này người khác rằng, “tất cả là tiền thuế của dân… mà làm ăn vậy đó!”. Bản thân tôi, kể từ khi được vợ ‘chiêu an’ nên thuộc loại chẳng đóng đồng thuế nào vào ngân sách nhà nước, có chăng thì thỉnh thoảng ăn tô phở, mua mấy thứ lặt vặt, thấy trong đó người ta ghi mục VAT, chắc chẳng đáng là bao, nên không tự nhận mình là có đóng góp cho ngân sách. Vì vậy tôi cũng chẳng dám mở miệng chửi mấy anh công chức, vả lại lâu lâu mới có việc phải đến chỗ công quyền, có lẽ do mình già nên được các anh chị ấy nể trọng.
Hôm rồi có anh bạn đã mở mắt cho tôi, khai trí cho tôi nên tôi mới biết trong số 1.319.200 tỷ đồng của năm 2018, Nhà nước thu về từ nhiều khoản, trong đó có thuế. Người đóng góp nhiều nhất là doanh nghiệp nước ngoài, chiếm 16,89%; tiếp đến là doanh nghiệp nhà nước, chiếm 12,62%; phần thu từ thuế thu nhập cá nhân chỉ chiếm 7%; nếu cộng những khoản thu từ các cơ sở của nhà nước đang vận hành (thu hồi vốn, được chia lợi tức…) đóng góp cho ngân sách hơn 20%.
‘Ta đã thấy gì trong hôm nay’ (nhại bài hát của Trịnh Công Sơn)? Thì ra cái chính sách mở cửa của nhà nước đã mang lại kết quả khả quan. Nếu như các nhà đầu tư nước ngoài không chơi mấy trò bẩn như chuyển giá, như né thuế (Google, Facebook chẳng hạn) thì sự đóng góp của họ không dừng lại ở con số 16,89% đâu nhỉ?
Rồi mấy anh doanh nghiệp Nhà nước, cái máu bao cấp hình như chưa được thay hết nên hiệu quả kinh doanh ‘hơi bị kém’. Ngoài cái quản lý yếu kém, thì cái việc chậm thay đổi công nghệ để sản xuất và công nghệ quản lý cũng kéo hiệu suất lao động xuống thấp so với doanh nghiệp FDI hoặc với các nước chung quanh ta. Vậy nên phần đóng góp của các anh mới ở mức 12,62%. Anh doanh nghiệp nhà nước được cái cần kêu cái gì thì kêu to lắm! Công nghệ lạc hậu nên xài nhiều năng lượng, khi giá năng lượng tăng thì kêu như cháy đồi, báo cho biết trong tương lai còn tăng nữa, đúng với mặt bằng khu vực và thế giới! Hãy thay đổi đi.
Bây giờ nói đến thuế thu nhập cá nhân. Trong cuộc họp vừa rồi, một người có trách nhiệm thông báo rằng, nếu tính được doanh thu từ nền “kinh tế ngầm”, GDP của cả nước sẽ tăng thêm khoảng 60 tỷ USD. Chữ “ngầm” ở đây không phải để chỉ hoạt động có tính mafia mà là, các ngành kinh tế cá thể hoặc là không thu được thuế, hoặc là thu một loại “thuế khoán”. GDP của cả nước chưa tới 250 tỷ USD/năm mà bỏ ngoài 60 tỷ thì cũng có chút băn khoăn. Đó là nói đại khái như vậy chứ chắc gì đã trúng.
Còn thuế thu nhập cá nhân cũng khối anh lách, thu nhiều khai ít và khai thu nhập dưới mức chịu thuế cũng có. Tôi nhớ, thời kỳ chính phủ đặt mức thu nhập phải chịu thuế là trên 5 triệu VNĐ/tháng, nhưng có những công ty chỉ khai thu nhập của nhân viên mình ở mức chịu thuế tối thiểu. Thí dụ thu nhập 12 triệu nhưng chỉ khai 5 triệu thôi. Khai như vậy doanh nghiệp được lợi là mức đóng BHXH thuộc phần của doanh nghiệp không là bao, người lao động cũng vui vì ‘trốn được thuế’. Khoản này tôi không nói mò đâu, vì tôi cũng đã từng được một công ty áp dụng như vậy.
Mặt khác, lương công nhân viên chức và người lao động của nước ta hiện nay còn thấp quá. Thu nhập của họ chưa đủ nuôi cho một gia đình ba người, làm sao có dư mà nộp thuế. Nghe đâu nhà nước đang tích cực tinh giản bộ máy, đến năm 2020 mới nâng được mức lương lên. Hy vọng và mong chờ.
Bây giờ tôi nói về phần những người “được coi là không nộp thuế” như tôi chẳng hạn. Tôi xin chép ra đây câu của anh bạn đã khai trí cho tôi. Nguyên văn thế này: “Những số liệu này đập tan lý luận của bất cứ anh chàng say rượu nào, tuy không đội nón bảo hiểm nhưng vẫn xuống xe, chỉ tay vào mặt cảnh sát giao thông mà rằng, ‘tao đóng thuế nuôi chúng mày đấy!’. Chẳng biết anh ta có đóng thuế thực không hoặc đóng được bao nhiêu?
Những người đóng thuế nhiều như các đại gia về xe hơi, về sữa, về tàu bay, tàu thủy vân vân, họ di chuyển bằng xe hơi, mỗi năm đóng hàng tỷ tiền thuế các loại lại không thấy họ chỉ tay vào mặt cảnh sát mà mạt sát rằng, chúng tao nuôi mày đấy! Ha ha.
Những anh thường vỗ ngực ‘tao đóng thuế nuôi chúng mày đấy’ được anh bạn tôi bảo, người này bị mắc chứng ‘thiên kiến mỏ neo’ (anchoring bias), nghĩa là luôn phụ thuộc (bị neo vào) dư luận mà anh ta nghe được hoặc anh ta biết. Rồi như một chiếc máy ghi âm, cứ thế anh ta phát ra, chẳng suy nghĩ gì hết. Xin nhớ cho, đóng thuế là nghĩa vụ, có phần chi phí anh phải trả cho những tiện ích công cộng mà anh đã sử dụng để kiếm tiền, chứ không phải bố thí cho nhà nước nhé.
Chuyện đại sự, đã có nhà nước lo. Vợ gọi đi ăn cơm. Đóng lại câu chuyện để đi ăn đã kẻo đói!
Ngày 25/3/2019
Hình trong bài: “Tao đóng thuế nuôi chúng mày đấy”
Nguồn: Trang thông tin chống phản động