Nghe đã thấy sự “bá đạo” của suy diễn, truyền bá mê tín gieo rắc lòng bất an để dễ bề kêu gọi tiền công đức.
Chưa đi hết mùa lễ hội năm 2019, chùa chiền trong nước xảy ra ít nhất 2 sự kiện gây đau lòng những phật tử chân chính: Chùa Phúc Khánh ở Hà Nội ra bảng giá cúng sao giải hạn, từ chối người thiếu lễ 50 nghìn đồng; và sự kiện đang “dậy sóng” là chùa Ba Vàng ở Quảng Ninh thao túng đức tin người đi lễ, truyền bá mê tín thu lợi hàng chục tỷ đồng… [1]
Điều đáng nói là nơi khởi nguồn các sự việc tai tiếng là những chùa to nổi tiếng, người đứng đầu cũng là những người có bằng cấp chức sắc cao trong giáo hội. Chùa Phúc Khánh vì tọa lạc trung tâm thủ đô nên chỉ dừng ở mức “chùa to”, còn chùa Ba Vàng có diện tích hàng chục ngàn m2 và đang dính nghi án chiếm dụng đất rừng! [2]
Chùa to, chùa nổi tiếng, chức sắc to, học vị cao… đáng ra phải là nơi mẫu mực của chánh đạo, nơi làm nên những việc tốt đạo đẹp đời. Phải chăng đạo cũng như đời, bằng cấp, chức sắc, hoành tráng… mà không biết thúc liễm thân tâm thì cũng sớm đi vào con đường lệch lạc!?
Tháng trước, sau khi bài viết của tôi Chùa nhỏ, chùa to, chùa ‘siêu to’… chùa nào có Phật? được đăng tải, xuất hiện clip trả lời báo chí của một nhà sư, cũng nổi tiếng bằng cấp cao. Ông so sánh với các tôn giáo khác ở nhiều nước trên thế giới có nhiều cơ sở to lớn thì tại sao chùa to ở Việt Nam bị phê phán.
Hàng chục lần nhà sư dùng cụm từ “Cách mạng 4.0”, “tư duy 0.4” để phản bác ý kiến báo chí về tình trạng chùa to xuất hiện ngày càng nhiều… Đáng tiếc những vấn đề cốt lõi là sự khiêm cung tiếp thu ý kiến từ dư luận cũng như câu hỏi tại sao chùa nhiều, sư đông… mà xã hội đạo đức xuống cấp, bạo lực tràn lan đã không nghe thấy nhà sư đề cập!
Quang cảnh lễ khai hội Xuân chùa Ba Vàng 2019. Ảnh: TTXVN
Trong sự việc Chùa Ba Vàng gây phẫn nộ dư luận hiện nay, vị trụ trì cũng “đăng đàn” bào chữa: “Vì Ba Vàng là chùa to nên bị ghen ghét đố kỵ”! Chuyện đau khổ của chúng sinh là do quả báo tiền kiếp, còn chuyện của chùa là do bị ghen ghét chứ chùa không có gì sai!? Nhà sư còn nói: “Tôi có đầy đủ tang chứng vật chứng”, nhưng nói tiếp: “Chuyện tâm linh không phải ai cũng nói được mà chỉ có người trong cuộc hiểu mà thôi” [3]…
Vậy tang chứng vật chứng của chùa Ba Vàng phải chăng là những điều không thể kiểm chứng? Những lời bào chữa lấy được cho thấy không có sự cầu thị tiếp thu, toàn ngụy biện, đổ vấy trách nhiệm, càng nói nói càng xa kinh Phật.
Phật dạy tu học có 3 hình thức giáo dục là “khẩu giáo” (dùng lời nói để giảng dạy), “thân giáo” (cuộc sống đạo đức chính đạo của người tu chính là bài học sống động cho tín đồ) và “ý giáo” (khi đệ tử tu đạt trình cao thì có thể lĩnh hội được điều thầy muốn dạy từ trong ý nghĩ, như câu chuyện “Niêm hoa vi tiếu”). Ý kiến cho rằng chùa to là cần có để làm nơi giáo dục tâm tính con người hướng thiện… chỉ là suy diễn.
Thiển nghĩ, chùa to tượng lớn chẳng qua cũng chỉ là nhiều hay ít về khối lượng bê tông, sắt thép đồng… Những thứ vô tri vô giác làm sao có chức năng giáo dưỡng, làm gì có “bê tông giáo” trong kinh Phật!
Bà Yến chùa Ba Vàng dẫn vụ án rúng động tính tàn độc, thay vì lên án những kẻ gây tội, đề cao sự nghiêm minh của pháp luật… thì lại cho rằng kiếp trước cô gái nạn nhân đã từng làm kẻ cướp, hiếp dâm nên bây giờ chịu quả báo… Nghe đã thấy sự “bá đạo” của suy diễn, truyền bá mê tín gieo rắc lòng bất an để dễ bề kêu gọi tiền công đức.
Nhìn đoạn phim những người đi chùa bị kiểm xét thân thể quần áo đăng trên Báo Lao Động, tôi tự hỏi chẳng lẽ đường về cực lạc cũng có “BOT” nữa sao!? Phật dạy chỉ những người tu đạt Tam Minh, Lục Thông, Ngũ Nhãn mới thấy biết được kiếp trước của người khác. Ngay cả 10 đại đệ tử được Phật chứng nhận đắc quả A La Hán như các ngài A Nan, Ca Diếp, Mục Kiền Liên… khi ra ngoài đi khất thực gặp sự kiện khó hiểu của xã hội đều về hỏi Phật để ngài giảng dạy. Vậy mà nhà sư Thái Minh, Bà Yến có thể thấy biết về kiếp trước của chúng sinh… quả là lộng ngôn, khẩu nghiệp!
Phật giáo là tôn giáo của số đông ở nước ta nhưng sinh hoạt của tôn giáo này nhiều năm đang có phần “mất dây cương”. Những điều lộ ra chỉ là phần nổi của tảng băng, nếu không kê “một liều thuốc mạnh” thì còn tiếp tục gây nhiều nhiễu loạn nhân tình, rối ren đất nước.
Xứ Huế lưu truyền câu chuyện, có quan lớn và đoàn tùy tùng đến một ngôi chùa nhỏ trên núi, quan sai người vào nói hòa thượng trụ trì ra tiếp. Lão hòa thượng nói chú tiểu ra nói: cửa chùa rộng mở cho bá tánh thập phương không phân biệt sang hèn, ông lên chùa thì mời vào lễ Phật! Hoà thượng còn gửi lời khuyên quan về nhà cố gắng niệm Phật cho nhiều để có trí tuệ làm việc lợi ích cho dân cho nước. Người tu pháp Tịnh độ khuyên niệm Phật ý là khuyên tĩnh tâm quán xét bản ngã!
Kinh Trường Bộ ghi, một hôm đức Phật cùng đệ tử đứng chờ đò để đi qua sông thì gặp hai ông đạo sĩ già khoe khoang tài nghệ dùng thần thông đi trên nước. Một ông nói đã tu luyện phép thuật này 60 năm, đạo sĩ kia thì nói tu luyện phép thuật 70 năm… Khi đức Phật qua bên kia sông rồi, ngài hỏi đệ tử đã trả tiền đò hết bao nhiêu, đệ tử thưa hết 2 xu. Ngài nói: họ mất một đời người tu luyện để làm một việc mà chúng ta chỉ mất 2 xu là có thể làm được”!
Cuộc đời Đức Phật nổi bật nhiều bài học đạo đức trong đó có lòng khiêm cung và từ ái, tôn trọng quy luật khách quan của tự nhiên và xã hội. Ngài cũng đứng đợi đò như bao người khác, năm 80 tuổi ngài cũng rời cõi thế đi vào cõi chết chứ không lạm dụng thần thông kéo dài sự sống để nhận “bằng kỷ lục” sống thọ nhất thế giới… Ngài bình thường cho nên ngài vĩ đại!
Trúc Nguyễn
———
[1] Vụ “vong báo oán” chùa Ba Vàng: Kinh doanh trên sự mê tín của kẻ khác, Lao động online, 22/03/2019.
[2] Chùa Ba Vàng: 10 năm biến thành nguy nga rộng hàng chục ngàn mét vuông, Tuổi trẻ online, 21/03/2019.
[3] Đại đức Thích Trúc Thái Minh: Chùa Ba Vàng là chùa lớn nên “bị ganh ghét, đố kỵ”, Soha, 22/03/2019.
Nguồn: Tuần Việt Nam