Người dân đang bàn tán sôi nổi với câu chuyện: “Hà Nội sẽ cấm xe máy tại một số tuyến đường nội thành?” Ai chắc cũng biết rằng, ở nước ta thì xe máy là phương tiện giao thông rất phổ biến. Hầu như ai ở tuổi trưởng thành đều sở hữu một chiếc xe máy, nó là phương tiện thiết yếu, cơ động, giá thành lại phù hợp với túi tiền của người dân.
Nội thành là nơi tập trung các công ty, doanh nghiệp, là nơi làm việc của hàng vạn người, vậy cấm xe máy tại một số tuyến đường nội thành thì đi làm bằng gì? cớ sao lại cấm? Tuy nhiên, hẳn quý độc giả đi làm về gặp cảnh tắc đường hàng giờ đều sốt ruột, khó chịu, mệt mỏi và đều đặt ra câu hỏi làm gì để không bị tắc đường nữa? chính quyền làm gì đi? Vậy, trước tiên, tác giả xin quý độc giả lắng nghe một chút, đây là một giải pháp của Thành phố nhằm khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông ở Hà Nội hiện nay. Và trong bài viết này, tác giả xin chỉ ra cặn kẽ ngọn ngành của vấn đề, mong quý độc giả theo dõi để có nhìn nhận đúng đắn và sâu sắc hơn về vấn đề này.
Đề án “cấm xe máy” mà chúng ta hay nghe có tên đầy đủ là Đề án “Phân vùng hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới dừng hoạt động của xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030”. Đây là một trong những việc làm cần thiết nhằm cụ thể hóa của Nghị quyết số 04 ngày 4/7/2017 của HĐND Thành phố Hà Nội; đồng thời UBND Thành phố cũng đã ban hành Kế hoạch số 212 ngày 29/8/2017 với 37 nhiệm vụ, trong đó có nhiệm vụ xây dựng Đề án.
Để cấm hẳn xe máy trong các quận trung tâm TP Hà Nội vào năm 2030, Sở GTVT chia làm ba giai đoạn cụ thể, trong đó có việc cấm xe máy theo giờ ở các trục đường hướng tâm (2020), cấm vào ngày cuối tuần các tuyến phố trong quận Hoàn Kiếm (2025), sau đó mở rộng ra các quận lân cận.
Chiều 19/3 vừa qua, tại Hội nghị giao ban báo chí do Thành ủy Hà Nội tổ chức, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội đã chia sẻ những thông tin liên quan đến đề án này.
Theo đó, tuyến và khu vực hạn chế hoạt động xe máy phải có hệ thống vận tải hành khách công cộng và các phương tiện giao thông thay thế đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Việc tổ chức giao thông bảo đảm hợp lý, đáp ứng việc đi lại của người dân trong và ngoài khu vực hạn chế; bảo đảm việc kết nối giữa các loại hình phương tiện giao thông.
Đề án đưa ra 2 hình thức phân vùng: Hạn chế hoạt động theo tuyến đường; hạn chế hoạt động theo khu vực. Việc tổ chức hạn chế hoạt động có thể theo thời gian trong ngày và theo ngày trong tuần.
“Thực hiện nội dung của đề án là nhiệm vụ cần thiết nhưng là việc làm khó, phức tạp và nhạy cảm, động chạm đến tâm tư, tình cảm và cuộc sống của rất nhiều người dân trong và ngoài thành phố. Sở GTVT và các cơ quan liên quan trong quá trình nghiên cứu, đề xuất phương án luôn thực hiện đúng các quy định của pháp luật, bảo đảm công khai, minh bạch và khả thi”, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị, Sở GTVT Hà Nội khẳng định.
Về nội dung này, Thành ủy Hà Nội cũng đã chỉ đạo UBND Thành phố xây dựng Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030“. Đề án này đã được HĐND Thành phố khoá XV thông qua tại Kỳ họp thứ tư.
Việc cấm xe máy phải tuân thủ các nguyên tắc chung là khu vực hạn chế xe máy phải nằm trên địa bàn các quận, có điều kiện thuận lợi cho tổ chức giao thông (như điểm đỗ xe, các tuyến trung chuyển), năng lực vận tải hành khách công cộng và các phương tiện phải đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân và không cấm xe máy trên các tuyến đường độc đạo.
Từ năm 2013, Hà Nội đã phân vùng, hạn chế sự hoạt động của ô tô tại nhiều khu vực. Gần đây, thành phố tiếp tục hạn chế sự phát triển của phương tiện taxi, đặc biệt là taxi công nghệ. Xe máy chỉ là một trong những phương tiện bị hạn chế. Cùng với lộ trình cấm xe máy, TP Hà Nội cũng đề ra lộ trình phát triển các phương tiện vận tải hành khách công cộng thay thế gồm xe buýt, buýt nhanh, đường sắt đô thị, xe đạp công cộng, một số phương tiện giao thông khác…
Đây là vấn đề phức tạp, hệ trọng và nhạy cảm nên lãnh đạo Thành phố và các ban ngành có liên quan, trực tiếp là Sở GTVT Hà Nội vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, bàn bạc rất kỹ lưỡng, cẩn thận về những khu vực, những tuyến phố hạn chế hoạt động của xe máy với tinh thần cầu thị để làm sao vừa giảm ùn tắc giao thông, xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, tiến bộ nhưng vẫn phải đảm bảo cho nhu cầu, quyền lợi chính đáng của Nhân dân.
Danh sách này sẽ sẽ được đưa ra lấy ý kiến nhân dân và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trong giai đoạn 2019-2020. Sau khi đề án được phê duyệt, thành phố sẽ công khai lộ trình thực hiện.
Do vậy, cũng là người dân Thủ đô, người cũng đi làm trong nội thành bằng xe máy và chứng kiến cảnh tắc nghẽn đường hàng giờ khiến tâm lý khó chịu, mệt mỏi, tác giả mong muốn mọi người nhìn nhận vấn đề một cách thấu đáo và luôn ủng hộ, tham gia đóng góp ý kiến một cách thiện chí với chính quyền trong việc xây dựng các chủ trương chính sách. “Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Nhất định với sự quyết tâm cao đồng thuận của Nhân dân, đề án “Phân vùng hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới dừng hoạt động của xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030” sẽ thành công và Thủ đô Hà Nội sẽ trở thành “bài học kiểu mẫu” để các thành phố lớn khác trong cả nước học tập và triển khai theo./.
Hoa sữa
Nguồn: Người con Đất Mẹ