Ngày 14/03/1988, Trung Quốc đã dùng vũ lực để chiếm bãi đá Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, khiến 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam hy sinh. Trong tuần qua, nhiều đoàn thể hợp pháp đã tổ chức các hoạt động để tưởng niệm 31 năm cuộc hải chiến. Cụ thể, tại bãi biển Thiên Cầm, Hà Tĩnh sáng 14/03/2019, các cựu binh tàu HQ 604 đã thả vòng hoa tưởng niệm những đồng đội đã hy sinh, và tham gia buổi giao lưu với thân nhân những người đã khuất; trong một sự kiện được tổ chức bởi “Ban Liên lạc Cựu binh Gạc Ma – HQ 604”, và được tài trợ bởi “Chương trình Nhịp Cầu Hoàng Sa”. Thầy trò và học sinh của một số trường trung học, tiểu học cũng làm lễ tưởng niệm các liệt sĩ. Báo chí chính thống đưa nhiều tin, bài về sự kiện.
Trong khi đó, giới chống đối tiếp tục lợi dụng danh nghĩa “tưởng niệm” các liệt sĩ để tổ chức căng biểu ngữ, hô khẩu hiệu; rồi chụp ảnh đăng lên mạng như một hình thức biểu tình; tương tự cách họ từng làm trong những năm trước. Tuy nhiên, năm nay chỉ có Trương Văn Dũng giơ biểu ngữ để “tưởng niệm” trên đèo Hải Vân, các gương mặt khác lấy lý do bị ngăn chặn nên không trưng ảnh!!!.
Trước tình hình đó, giới chống đối tập trung tuyên truyền rằng Nhà nước đã chặn cửa họ, để “không cho xã hội dân sự” tổ chức các “hoạt động tưởng niệm”, “hoạt động yêu nước”. Tuy nhiên, họ chỉ bình luận rằng chính phủ đang “độc quyền yêu nước”, “kiểm soát việc chống Trung Quốc”, thay vì công kích rằng chính phủ đang “xúc phạm liệt sĩ”, “sợ lòng yêu nước”, “bán nước cho Trung Quốc”… như mọi năm.
Ngoài ra, dù giới chống đối tuyên truyền rằng Nhà nước đã cho người dựng rạp, tập thể dục ở Vườn hoa Lý Thái Tổ, để ngăn họ đến “tưởng niệm”, tin tức này có phần sai sự thật. Trong thực tế, việc dựng rạp là để chuẩn bị cho Ngày Quốc tế Pháp ngữ, diễn ra hôm 15 và 16/03; còn việc tập thể dục ở vườn hoa vẫn diễn ra hằng ngày, và kết thúc vào lúc 8h sáng.
Sau khi xem xét vụ việc, chúng tôi nghĩ giới “dân chửi” nên tĩnh lại và suy nghĩ kỹ, để xem họ đang thật sự muốn gì. Nếu họ muốn tưởng nhớ các liệt sĩ Gạc Ma, thì năm nay một số trường học tại nhiều địa phương đã làm việc đó. Nếu họ muốn xã hội dân sự được tham gia tưởng niệm, thì Chương trình Nhịp Cầu Hoàng Sa đã làm việc đó từ nhiều năm. Nếu họ muốn trận hải chiến Gạc Ma không bị lãng quên, thì năm nay báo chí chính thống đã đăng tin, bài về chủ đề này một cách rầm rộ. Nếu họ muốn Nhà nước Việt Nam có một chính sách đối ngoại hiệu quả để bảo vệ chủ quyền biển đảo, thì Nhà nước đã làm thế, và đang được dư luận quốc tế công nhận.
Như vậy, phải chăng họ chỉ muốn lợi dụng ngọn cờ “chống Trung Quốc” để tổ chức giơ biểu ngữ, hô khẩu hiệu, rồi chụp ảnh đăng lên mạng, để phục hồi phong trào biểu tình công kích chế độ?
Lối hành xử và thái độ hằn học của giới “dân chửi” đang khiến những bài viết công kích họ trên báo chí chính thống trở nên đáng tin hơn bao giờ hết.
Nguồn: Loa Phường