Trang chủ Luận bàn - Phản biện Về Đề Án Cấm Xe Máy Của Thành Phố Hà Nội

Về Đề Án Cấm Xe Máy Của Thành Phố Hà Nội

175
0

Mấy ngày vừa qua, người dân cả nước nói chung, đặc biệt người dân thủ đô Hà Nội nói riêng đang sôi nổi tranh luận về đề án của chính quyền thủ đô liên quan đến việc thí điểm cấm xe máy trên một số tuyến đường nội đô.

Cụ thể, ông Vũ Văn Viện – Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, Sở GTVT đang phối hợp với Viện Chiến lược của Bộ GTVT, nghiên cứu xây dựng đề án quản lý phương tiện giao thông, trong đó, dự kiến phương án sẽ chọn một trong 2 tuyến đường: Lê Văn Lương hoặc Nguyễn Trãi để thí điểm cấm xe máy. Lộ trình chung của đề án là từ năm 2030 nhưng một trong hai tuyến đường này sẽ được thực hiện sớm hơn từ 2 đến 3 năm.

Dư luận trong nhân dân có nhiều người bày tỏ ý kiến đồng tình nhưng cũng không ít người phản đối đề án này của thành phố Hà Nội. Những người không ủng hộ đền án này cho rằng, hiện nay hệ thống giao thông cộng cộng của Hà Nội chưa phát triển, chỉ mới đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân một cách rất hạn chế. Hơn nữa, đa phần người dânvẫn theo thói quen thường ngày cho rằng xe máy vẫn là phương tiện đi lại thuận tiện nhất, vừa có tốc độ hơn xe đạp, lại đi được vào các ngõ ngách, và đặc biệt phù hợp với túi tiền người dân.

Tuy nhiên, dưới góc nhìn cá nhân của người viết, tôi lại ủng hộ đề án này. Chắc hẳn những ai đã và đang trải qua cái cảm giác mỗi buổi sáng đi đến cơ quan, hay buổi chiều tan tầm hòa mình vào dòng xe ùn tắc trong các tuyến đường nội đô thì mới thấy hết được giá trị của một con đường thông thoáng như thế nào. Hôm nào mát trời còn đỡ, chứ gặp trời mưa hay nắng to thì thật sự chả ai làm gì mà cũng tự nhiên cảm thấy bực mình. Con đường Nguyễn Trãi hay Tố Hữu, Lê Văn Lương là những con đường chính, là cửa ngõ đi vào thủ đô dĩ nhiên hằng ngày đều chứng kiến cảnh hàng trăm hàng nghìn phương tiện nhúc nhích từng bước thật là chậm rãi. Ô nhiễm không khí bởi khí thải tăng lên, rồi lại còn cả ô nhiễm âm thanh bởi còi xe, tiếng các loại xe máy hòa vào.

Về những phản hồi đối với việc hệ thống giao thông công cộng Hà Nội chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Điều này đến nay rõ ràng là hoàn toàn đúng. Nhưng lý do ở đây có thể chỉ ra rằng, một mặt khi những con đường còn ùn tắc, dĩ nhiên người dân không dại gì mà leo lên một chiếc xe buýt to đùng để rồi ngồi nhìn nó chôn chân ở đó, thay vì đó người dân sẽ lại ưu tiên hơn việc sử dụng phương tiện nhỏ gọn như xe máy để chủ động hơn, để dễ luồn lách, leo lên vỉa hè(người dân Việt Nam gọi là tham gia giao thông theo kiểu điền vào chỗ trống), mặt khác, dường như người dân chúng ta chưa có thói quen sử dụng phương tiện công cộng nhiều, tâm lý ngại ra đường đứng đợi xe, ngại đi bộ, ngại phụ thuộc, và một lý do quan trọng nữa một phần nữa đến từ phía những nhà quản lý cùng với thái độ phục vụ chưa tốt của không ít nhân viên xe buýt.

Tuy nhiên, khi đề án cấm xe máy được thực thi, những sự e ngại đó, những nguyên nhân nêu trên sẽ được khắc phục. Thử nghĩ xem, trên đường sẽ không còn xuất hiện việc tham gia giao thông theo kiểu điền vào chỗ trống. Ô tô với xe buýt dĩ nhiên sẽ không có kiểu chen ngang, tạt đầu… và bên cạnh đó, vỉa hè được trả lại hoàn toàn cho người đi bộ.

Thứ hai nữa, đề án mới được Sở GTVT Hà Nội đưa ra, nhưng vẫn còn lộ trình vài năm để tiếp tục hoàn thiện trước khi vận dụng vào thực tế. Đến lúc đó, tuyến đường Nguyễn Trãi đã có thêm đường sắt trên cao, còn trên Lê Văn Lương, tuyến buýt nhanh sẽ có thể nhanh một cách đúng nghĩa, không bị cản trở bởi những chiếc xe máy nối đuôi, dàn hàng chiếm làn của nó nữa. Hà Nội đã cố gắng phát triển xe buýt, nhưng xe buýt lại không có đường thông thoáng để chạy nhanh, nhiều, an toàn.

Ngoài ra, chính quyền Hà Nội cũng đã tính đến phương án xây dựng các bãi gửi xe tại các điểm đầu, điểm cuối của tuyến đường cấm để đảm bảo sự thuận tiện cho người dân. Xuống xe buýt là có thể chuyển sang tiếp tục sử dụng xe máy lưu thông.

Từ xưa đến nay, một điều rất khó để từ bỏ đó là thói quen hàng ngày. Chúng ta dường như rất lười đi bộ, đi ra cửa hàng, ra chợ cách nhà vài trăm mét cũng ngồi trên xe máy. Nhưng hãy thử một lần thay đổi, bỏ chiếc xe máy lại, đi bộ thể dục, bước lên xe buýt và cứ thế ung dung ngồi đợi xe chở đến tận nơi. Hà Nội năm 2030, khi không còn xe máy, sẽ là một Hà Nội rất khác, hiện đại, văn minh, an toàn hơn cả về giao thông, không khí, môi trường sống, cảnh quan, trật tự đô thị.

LION

Nguồn: Nhân quyền, Biển đảo Việt Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây