Trang chủ Luận bàn - Phản biện Giả mạo để gây rối

Giả mạo để gây rối

137
0

Ban Tuyên giáo Trung ương đã phủ nhận việc sở hữu trang Facebook “Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam”, đồng thời kiến nghị Bộ Công an vào cuộc điều tra làm rõ cá nhân, tổ chức nào giả mạo cơ quan này với mục đích gì?

Giả mạo để gây rối

Ban Tuyên giáo Trung ương đã phủ nhận việc sở hữu trang Facebook này

Ban Tuyên giáo Trung ương không phải là trường hợp đầu tiên bị giả mạo, thời gian qua có khá nhiều cơ quan, tổ chức, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội đã bị một số đối tượng giả mạo nhằm xuyên tạc, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.

Nhiều ý kiến cho rằng, với khung pháp lý chặt chẽ như hiện nay thì việc cá nhân, tổ chức, hay một nhóm người nào đó lập trang facebook giả mạo Ban Tuyên giáo Trung ương nói riêng, cơ quan quản lý nhà nước nói chung là hành động phạm pháp. Cơ quan chức năng sẽ dễ dàng truy ra nguồn gốc facebook, nơi đăng tải thông tin, người đứng sau giả mạo… Điều đó đồng nghĩa với việc cá nhân, tổ chức hay nhóm người nào đó thực hiện hành vi giả mạo trang thông tin sẽ phải đối mặt với pháp luật, nhẹ thì phạt hành chính, nặng thì truy cứu trách nhiệm hình sự.

Song, có vẻ như lâu nay số người phải trả giá cho hành vi giả mạo trang thông tin của cơ quan, tổ chức, lãnh đạo Đảng, Nhà nước còn “khiêm tốn” nên nhiều người chưa biết sợ. Vì không sợ nên những trang website mang tên cơ quan, đơn vị quản lý nhà nước, cá nhân lãnh đạo Đảng, Nhà nước có khá nhiều, đưa những thông tin thất thiệt, xuyên tạc chủ trương chính sách, gây mất đoàn kết trong nhân dân.

Một nguyên nhân khác cũng làm cho các đối tượng thực hiện hành vi giả mạo “mạnh dạn” hơn không còn e ngại, đó là nhiều người nổi tiếng khi bị giả mạo tên tuổi dù biết nhưng không có ý kiến gì, hoặc nếu có thì cũng chỉ phản ứng yếu ớt, mà không có động thái trình báo các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan công an để điều tra, làm rõ, truy cứu trách nhiệm của những người thực hiện hành vi giả mạo. Chỉ đến khi xảy ra sự cố nghiêm trọng, cơ quan chức năng vào cuộc điều tra thì mới “ngã ngửa người” ra rằng, trang thông tin điện tử đó không phải của chính chủ người nổi tiếng.

Với những cá nhân nổi tiếng như các văn nghệ sĩ, thậm chí là nhà báo… nếu bị giả mạo tên tuổi thì mức độ thiệt hại đối với cộng đồng và xã hội đã là rất lớn, bởi những cá nhân này có tầm ảnh hưởng rộng tới nhiều đối tượng. Song, nếu lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ… bị giả mạo và đưa ra thông tin không đúng, thiếu chính xác thì mức độ nguy hại gấp nhiều lần. Còn nếu cơ quan quản lý nhà nước mà bị giả mạo trang thông tin thì thiệt hại là không thể lường hết, càng không thể “cân, đo, đong, đếm” được.

Đơn cử như trường hợp giả mạo trang facebook của Ban Tuyên giáo Trung ương chẳng hạn. Trên trang facebook giả mạo này đăng tải thông tin kêu gọi cộng đồng cảnh giác với chiêu trò mượn việc ủng hộ nước mắm truyền thống để phá hoại nền sản xuất nước nhà, rằng thông tin tẩy chay nước mắm công nghiệp là thông tin của “bọn phản động”… Nếu như Ban Tuyên giáo Trung ương không kịp thời lật mặt nạ của các đối tượng thì sẽ nguy hại biết bao. Tương tự, hoặc giả các đối tượng làm giả trang thông tin của cơ quan hành pháp, trên đó đăng tải thông tin xuyên tạc về việc bắt người nọ, người kia thì chẳng phải xã hội sẽ vô cùng bất ổn hay sao?

Hiện, để sở hữu các trang website là khá dễ dàng, đó là chưa kể đến các trang mạng xã hội như blogspost, facebook, twitter… nên việc giả mạo ai đó, cơ quan, tổ chức nào đó chỉ trong vòng… “một nốt nhạc”. Vấn đề là các cơ quan quản lý như Bộ TT-TT, Bộ Công an sẽ làm gì để chấn chỉnh, thậm chí là răn đe, xử phạt những người đã, đang và sẽ có ý định giả danh người khác để phát ngôn bừa bãi, xuyên tạc sự thật, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo mối nguy tiềm ẩn cho an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.

Thiết nghĩ, đã đến lúc các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện việc rà soát, “thắt chặt” kiểm soát, không để tình trạng giả mạo cơ quan, tổ chức, cá nhân tràn lan như hiện nay. Hệ lụy xấu của những trang website giả mạo là hiện hữu và thấy rõ nên cần phải có “bàn tay thép” siết chặt lại, đảm bảo không còn ai, tổ chức hay nhóm người nào dám có ý nghĩ giả danh người khác, chứ đừng nói đến thực hiện hành vi giả mạo. Hãy cho những đối tượng này biết rằng vi phạm là sẽ phải trả giá, thậm chí là trả một cái giá rất đắt. Có như vậy mới không còn vấn nạn giả mạo trên Internet để gây rối.

Lê Anh Đức

Nguồn: Fanpage Cờ Đỏ Tp. Hồ Chí Minh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây