Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump nói với chính phủ Đức rằng họ sẽ hạn chế thông tin tình báo chia sẻ với cơ quan an ninh quốc gia châu Âu, nếu Berlin cho phép Huawei Technologies xây dựng cơ sở hạ tầng 5G.
Theo The Wall Street Journal, trong lá thư đề ngày 8.3, Đại sứ Mỹ tại Đức Richard A. Grenell gửi thông điệp đến Bộ trưởng Kinh tế Đức rằng Mỹ không thể tiếp tục chia sẻ tin tình báo và nhiều thông tin khác ở mức độ hiện thời nếu Đức cho phép Huawei hoặc các nhà cung ứng Trung Quốc khác tham gia xây dựng mạng di động thế hệ mới 5G.
Lá thư này đánh dấu lần đầu tiên, Mỹ cảnh báo rõ ràng đồng minh của họ về hậu quả của việc từ chối tẩy chay Huawei lên quan hệ hợp tác an ninh giữa các nước này và Washington. Nhiều cơ quan an ninh châu Âu phụ thuộc không nhỏ vào tình báo Mỹ trong nhiều trường hợp, chẳng hạn như cuộc chiến chống khủng bố.
Nhiều tháng qua, giới chức Mỹ ra sức kêu gọi đồng minh cấm Huawei và nhiều hãng Trung Quốc khác tham gia vào cơ sở hạ tầng truyền thông quan trọng. Washington nghi ngại rằng doanh nghiệp Trung Quốc có thể chia sẻ dữ liệu với chính phủ Bắc Kinh.
Song phía Đức thì cho hay họ không tìm thấy bất cứ bằng chứng nào cho thấy việc Huawei đã, hoặc có thể sử dụng thiết bị của mình để theo dõi người dân. Do đó, Huawei có quyền tham gia đấu thầu mạng 5G sắp tới nếu hãng đáp ứng tiêu chí an ninh cơ bản.
Lá thư của ông Grenell lưu ý rằng hệ thống liên lạc an toàn là cần thiết cho hợp tác quốc phòng và tình báo, bao gồm cả việc hợp tác nội khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Các hãng như Huawei, ZTE có thể làm tổn hại tính bảo mật của quan hệ hợp tác chia sẻ thông tin kể trên.
Một quan chức cấp cao thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh rằng Washington sẽ tiếp tục chia sẻ thông tin tình báo với Đức nếu Berlin cho phép Huawei tham gia mạng lưới 5G, song không cùng mức độ và ngưỡng minh bạch như trước. “Người Mỹ cho rằng mọi thứ chúng tôi chia sẻ với Đức đều sẽ kết thúc trong tay người Trung Quốc”, quan chức này cho hay.
Theo giới chức Mỹ và Đức, thông điệp mới nhất của Washington đe dọa hủy cộng đồng an ninh của Đức, vốn là nhóm nhận nhiều thông tin tình báo được cung cấp bởi các cơ quan như Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA). Thời gian qua, nhiều âm mưu khủng bố bị phá vỡ nhờ sự giúp đỡ từ Mỹ. Ví dụ, tình báo Mỹ từng giúp Đức ngăn chặn cuộc tấn công khủng bố liên quan đến quả bom có chứa chất ricin gây chết người ở Cologne hồi năm ngoái.
Nguồn: Thanh niên