World Cup 2018 đánh dấu thời điểm lần đầu tiên công nghệ video hỗ trợ trọng tài VAR (Video assistant referee) được áp dụng. Mặc dù, trong con mắt của những người hâm mộ giới túc cầu, VAR không dành được nhiều thiện cảm khi được coi là kẻ giết chết cảm xúc trong bóng đá. Theo đó, khi áp dụng VAR, tất cả mọi hoạt động của trận đấu đều phải tạm dừng để trọng tài chính tham khảo sự hỗ trợ từ các trợ lý trước khi đưa ra quyết định bảo lưu hay sửa sai với những phán quyết mà mắt thường ông không theo kịp. Đó chính là hạn chế mà VAR mang đến trong từng trận đấu.
Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, VAR là điều cần thiết đối với bóng đá hiện đại ngày nay. Khi mà trình độ chuyên môn cũng như độ tinh quái của cả cầu thủ và huấn luyện viên ngày càng phát triển thì việc trọng tài bị “che mắt” và đưa ra những quyết định sai lầm đang ngày càng diễn ra phổ biến. Do đó, sự ra đời của VAR là một tất yếu.
Có VAR, sẽ không còn những màn ăn vạ trơ trẽn của cầu thủ, sẽ không còn những bàn thắng phạm luật được công nhận và trên hết, VAR mang lại sự công bằng cho tất cả những con người tham gia trận đấu. Do đó, dù còn nhiều tranh cãi, nhưng xét ở góc độ chuyên môn, bóng đá chắc chắn cần đến VAR.
Nhìn từ bóng đá sang đời thường, chúng ta đang sống trong thời đại mà sự công bằng chính là thứ mà bất kỳ xã hội, quốc gia nào cũng đều coi đó là mục tiêu cần phải đạt được đối với công dân của mình. Cũng như VAR, pháp luật được tạo ra để hiện thực hóa mục tiêu đó. Về pháp luật, có thể nói đó là tập hợp những quy định được cho là khô khan, cứng nhắc và không có tình cảm đối với xã hội. Vì đối với pháp luật, chỉ có đúng hoặc sai chứ không có chuyện lập lờ, đổi trắng, thay đen.
Pháp luật chính là điều kiện cần thiết để duy trì sự phát triển ổn định của xã hội mà ở đó mọi hành động đều phải tuân thủ những chuẩn mực mà xã hội đã công nhận. Nếu đi ngược lại những chuẩn mực xã hội đó tức là đi ngược lại sự phát triển chung của xã hội và đồng nghĩa phải chấp nhận những chế tài tương xứng.
Cũng như VAR, pháp luật cũng không dành được thiện cảm đối với phần đông những người thích “lách luật”, nhưng nó chắc chắn là một phần không thể thiếu để có thể mang lại sự công bằng. Có pháp luật, những hành vi sai phạm mới có căn cứ để xử lý. Có pháp luật, những kẻ đang manh nha ý định phạm tội sẽ phải dè chừng vì chúng nên biết, pháp luật là tối thượng mà bất cứ ai cũng phải tuân theo và trên hết “đừng đùa” với pháp luật. Bởi lẽ, đối với pháp luật thì không có vùng cấm và cũng không có đối tượng nào có quyền đứng trên hay chà đạp lên pháp luật cả.
Những ngày qua, các phương tiện thông tin đại chúng đã thông tin về trường hợp Hà Văn Nam (H.V.N), người được coi là một trong những cá nhân đi đầu trong việc tố cáo hoạt động mập mờ của những BOT bẩn bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Quế Võ (tỉnh Bắc Ninh) khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về hành vi gây rối trật tự công cộng tại Trạm Thu phí BOT Phả Lại (xảy ra ngày 31/12/2018 tại xã Đức Long, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh). Xoay quanh vụ việc này, có nhiều ý kiến cho rằng H.V.N chỉ đơn thuần có hành động phản đối việc đặt trạm và thu phí bất hợp lý tại Phả Lại chứ không hề vi phạm pháp luật.
Hành vi kích động gây rối, cản trở các phương tiện tham gia giao thông là hành vi vi phạm pháp luật. (Ảnh minh họa, nguồn: báo nguoiduatin.vn)
Tuy nhiên, dưới góc độ pháp luật có thể thấy rằng, hành vi sử dụng phương tiện tập trung dừng đỗ trong Trạm thu phí, không chịu mua vé, kích động gây rối, cản trở các phương tiện tham gia giao thông khi đi qua trạm chính là hành vi vi phạm pháp luật và buộc phải xử lý. Đó chính là sự nghiêm minh của pháp luật. Chúng ta không thể lấy một lý do phản đối để có thể tự cho mình quyền “chặn” cửa BOT như vậy. Bởi lẽ, hành vi đó gây thiệt hại cho không chỉ đơn vị BOT mà còn gây thiệt hại về thời gian, vật chất, tinh thần của rất nhiều lái xe không thể di chuyển qua trạm đang xếp hàng dài phía sau đó. Do đó, trong trường hợp này pháp luật đã thể hiện đúng chức năng của mình. Đối với H.V.N, việc bị bắt giữ, đồng thời đối mặt với những chế tài nghiêm khắc của pháp luật chính là bài học đắt giá cho những hành động của anh ta trong thời gian trước đó./.
Nam Việt
Nguồn: Người con Đất Mẹ