Trang chủ Tin tức Làm giả con dấu, giả mạo chữ ký lãnh đạo tỉnh bị...

Làm giả con dấu, giả mạo chữ ký lãnh đạo tỉnh bị xử lý tội gì?

244
0

Thời gian vừa qua xảy ra nhiều trường hợp làm giả con dấu, giả mạo chữ ký của lãnh đạo tỉnh.

Làm giả con dấu, giả mạo chữ ký lãnh đạo tỉnh bị xử lý tội gì?

Theo đó, Văn bản đánh số 2153/UBND-TP ngày 3.1.2018, đề gửi Sở KH-ĐT, Sở Xây dựng, phát triển tỉnh Quảng Nam và UBND TP.Hội An; có dấu mộc, tên cùng hình ảnh chữ ký của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu về việc phê duyệt đầu tư chuỗi khách sạn 5 sao, khu phức hợp kết hợp casino, giải trí tại P.Cẩm Nam, phố cổ Hội An (Quảng Nam).

Theo Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam, mẫu văn bản làm rất sơ sài, không đúng mẫu; chữ ký của chủ tịch tỉnh bị giả mạo; số hiệu văn bản không nằm trong hệ thống quản lý điều hành văn bản hành chính của Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam.

Thực tế đây không phải trường hợp đầu tiên xảy ra, đã có nhiều vụ việc tương tự làm giả chữ ký, con dấu của cơ quan nhà nước bị phát hiện, xử lý. Vậy những trường hợp vi phạm về việc làm giả con dấu, chữ ký của lãnh đạo tỉnh sẽ bị xử lý thế nào?

Trao đổi với PV Thanh Niên, luật sư Hoàng Tư Lượng (thuộc Đoàn LS TP.HCM) cho biết hành vi làm giả con dấu, giả mạo chữ ký tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi gây ra, các đối tượng vi phạm có thể bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự.

Tuy nhiên, ở những vụ việc làm giả con dấu, giả chữ ký của lãnh đạo tỉnh nói trên đã có đủ dấu hiệu hình sự, cấu thành tội danh điều 341 Bộ luật hình sự về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Theo đó, LS Lượng phân tích, người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm.

Phạm tội có tổ chức, 2 lần trở lên, làm từ 2 đến 5 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng; thu lợi bất chính từ 10 đến 50 triệu đồng, tái phạm nguy hiểm thì bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm. Ngoài ra, đối tượng nào làm giả 6 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên; Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; Thu lợi bất chính 50 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù khung hình phạt cao nhất đến 7 năm tù. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng.

Ngoài tội danh trên, LS Lượng nhấn mạnh, cơ quan điều tra sẽ xem xét mục đích động cơ của đối tượng có lừa đảo, chiếm đoạt tiền của ai chưa, ví dụ rao bán dự án có các cá nhân khách hàng tin vào văn bản giả mạo đối tượng đưa ra nên mua dự án đó chưa thì có thể xử lý tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174, Bộ luật Hình sự 2015 với khung hình phạt cao nhất là tù chung thân. Theo đó, dấu hiệu chính của tội danh này là đối tượng có hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản.

“Dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản như đưa ra thông tin giả, không đúng sự thật nhưng làm cho người khác tin đó là thật và giao tài sản cho người phạm tội”, LS Lượng nói.

Theo LS Lượng, cơ quan điều tra cần điều tra làm rõ động cơ mục đích của người phạm tội. Riêng đối với khách hàng mua dự án nào cần tìm hiểu kĩ về dự án, không nên tin tưởng tuyệt đối chủ đầu tư tránh xảy ra trường hợp tương tự như trên.

Nguồn: Thanh niên

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây