Trang chủ Luận bàn - Phản biện Thượng đỉnh Mỹ- Triều tại Hà Nội: Chủ nhà có trách nhiệm...

Thượng đỉnh Mỹ- Triều tại Hà Nội: Chủ nhà có trách nhiệm đã sẵn sàng

0
0

Không ngẫu nhiên mà Hà Nội được lựa chọn cho cuộc gặp lần 2 giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong Un. Đây là một hội nghị tầm cỡ và nhạy cảm về chính trị.

Thượng đỉnh Mỹ- Triều tại Hà Nội: Chủ nhà có trách nhiệm đã sẵn sàng

Cuộc gặp thượng đỉnh Trump–Kim lần thứ hai sẽ diễn ra tại Hà Nội vào ngày 27-28/2.

Cuộc gặp lần thứ nhất tổ chức hồi tháng 6/2018 tại Singapore.

Nếu thủ đô của quốc đảo sư tử nổi tiếng về trật tự kỷ cương, nếp sống văn minh, thì Hà Nội là biểu tượng cho một tiến trình bước qua chiến tranh, khép lại quá khứ, mở cửa hội nhập và phát triển tiến lên.

Hà Nội là 1/29 thủ đô trên thế giới có tuổi đời trên 1000 năm. Cách nay tròn 20 năm, vượt qua 10 ứng cử viên của khu vực châu Á- Thái Bình Dương, Hà Nội của Việt Nam là thành phố duy nhất của khu vực đạt được danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”- một giải thưởng cao quý của UNESCO.

Lựa chọn Hà Nội-Việt Nam làm nơi bàn bạc, tháo gỡ “nút thắt” về phi hạt nhân hóa, thúc đẩy tiến trình hòa giải, hòa bình trên bán đảo Triều Tiên và làm “tan băng” mối quan hệ Mỹ- Triều kéo dài đằng đẵng suốt mấy chục năm qua, có lẽ các nhà tổ chức muốn phát đi một thông điệp: Từ kinh nghiệm giải quyết vấn đề chấm dứt chiến tranh, thống nhất đất nước, kiến tạo hòa bình của Việt Nam trong thế kỷ 20, hội nghị thượng đỉnh Mỹ- Triều sẽ có bước đột phá mới, góp phần làm xoay chuyển tình hình, mang lại triển vọng tích cực cho cả hai bên.

Cách đây 65 năm, ngày 26/4/1954, tại Genève (Thụy Sĩ) đã khai mạc hội nghị bàn về vấn đề khôi phục hòa bình ở Triều Tiên và Đông Dương. Nhờ Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, Hiệp định Genève đã được ký kết ngày 20/7/1954 về chấm dứt chế độ thực dân Pháp tại Đông Dương. Nhưng thực tế đất nước ta vẫn bị chia cắt tạm thời bởi vĩ tuyến 17.

Với quyết tâm chiến đấu vì thống nhất, độc lập, tự do của Tổ quốc, quân dân ta tiếp tục chiến đấu, buộc đế quốc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán và ký kết Hiệp định Paris (Pháp) ngày 27/1/1973 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Từ một dân tộc bị thực dân đế quốc xâm lược, từng bị chia cắt hai miền Nam- Bắc, Việt Nam đã anh dũng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi, trở thành biểu tượng của sự nghiệp thống nhất đất nước, biểu tượng của hòa bình, và đến nay thêm một lần Việt Nam trở thành biểu tượng cho tinh thần góp phần hòa giải những mâu thuẫn, xung đột mang tính thế kỷ, qua đó đem lại niềm tin cho các quốc gia có thể chế chính trị xã hội khác nhau.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng hai lần gặp cựu Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Robert McNamara tại Hà Nội. Trong lần gặp thứ nhất (9/11/1995), ông  Robert McNamara đã thẳng thắn thừa nhận trước Đại tướng, cuộc chiến tranh của Mỹ thua tại Việt Nam là thua về văn hóa.

Ở lần gặp thứ hai (23/6/1997), Đại tướng nói với Robert McNamara: “Danh dự, sức mạnh độc lập tự do, sức mạnh văn hóa của một nước không thể đo bằng cây số vuông”.

Nhắc lại điều nhấn mạnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp để thấy, sức mạnh của một dân tộc không hẳn xuất phát từ diện tích lãnh thổ, tiềm lực kinh tế, tiềm lực quân sự, mà phải bắt nguồn từ chiều dài lịch sử, chiều sâu văn hóa và bề dày truyền thống của dân tộc đó.

Chúng ta hoàn toàn có cơ sở niềm tin, niềm tự hào để chứng minh với thế giới rằng, với chiều dài lịch sử, chiều sâu văn hóa, Việt Nam xứng đáng là điểm dừng chân của Chủ tịch Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, là nơi đăng cai tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều lần thứ hai và sẽ làm hết sức mình để góp phần tổ chức thành công sự kiện ngoại giao có quy mô quốc tế, tầm vóc toàn cầu nổi bật trong năm 2019.

Có trách nhiệm trong kiến tạo hòa bình thế giới

Tục ngữ Việt Nam có câu “Đất lành chim đậu”.

Sau những cuộc trường chinh dẹp nạn binh đao xâm lược và trải qua những năm tháng tìm đường bứt phá, Việt Nam đã đổi mới, vươn lên trở thành một quốc gia đang phát triển có sức hút, sức hấp dẫn, sức lan tỏa ngày càng mạnh mẽ trong khu vực và trên thế giới.

Với việc thiết lập quan hệ ngoại giao với 190 nước và có quan hệ thương mại với trên 200 quốc gia thuộc tất cả các châu lục, Việt Nam đủ tự tin để trở thành một trong những “điểm nhấn” quan trọng trong các mối quan hệ ngoại giao mang tầm vóc toàn cầu, trong việc góp phần ổn định chính trị quốc tế và kiến tạo hòa bình thế giới.

Việc được lựa chọn thực sự cho thấy vị thế quốc tế của Việt Nam đã rất khác. Nếu trong quá khứ, Việt Nam truyền cảm hứng về một dân tộc vệ quốc kiên cường, thì giờ đây Việt Nam cho thấy hình ảnh một quốc gia tự cường, mở cửa, phát triển và đóng góp thực sự về nhiều mặt vào nỗ lực chung của khu vực và thế giới.

Thiện Văn

Nguồn: Tuần Việt Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây