Nếu không tính toán kỹ sẽ dẫn đến tình trạng để lọt lưới nhiều người có hành vi vi phạm nghiêm trọng mà khi được sờ đến họ đã hạ cánh an toàn.
Bộ Nội vụ vừa trình Chính phủ dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Cán bộ, công chức và luật Viên chức. Ngoài việc chỉ ra những bất cập của quy định hiện hành thì vấn đề xử lý kỷ luật cán bộ nghỉ hưu khi phát hiện có vi phạm tiếp tục nhận được nhiều ý kiến khác nhau.
Quyết định số 102 quy định nguyên tắc xử lý kỷ luật đảng viên và các hình thức kỷ luật đối với từng vi phạm cụ thể được BCH Trung ương Đảng khóa XII ban hành ngày 15/11/2017 có nêu bật điểm mấu chốt là tất cả đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng, nếu vi phạm thì dù ở bất cứ cương vị nào cũng phải được xem xét, xử lý kỷ luật nghiêm minh, kịp thời, kể cả đã chuyển công tác, nghỉ việc hoặc nghỉ hưu.
Chỉ xử lý cán bộ nghỉ hưu cấp Thứ trưởng trở lên khi phát hiện có vi phạm liệu có công bằng? (Ảnh: KT)
Việc Bộ Nội vụ trình Chính phủ dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức, trong đó nêu vấn đề xử lý kỷ luật cán bộ nghỉ hưu khi phát hiện có vi phạm là nhằm thể chế hóa nghiêm túc chủ trương, đường lối của Đảng, đảm bảo kỷ luật, kỷ cương và sự nghiêm minh của pháp luật, bảo đảm thống nhất từ chủ trương đến hành động của cấp ủy đảng và chính quyền trong công tác cán bộ. Nhưng đảng viên bình đẳng trước kỷ luật của Đảng, vậy cớ gì cán bộ công chức lại phân biệt chức vụ cao, cấp cao khi nghỉ hưu mà phát hiện vi phạm mới bị xử lý kỷ luật. Lý do gì chỉ kỷ luật từ cấp Thứ trưởng và tương đương trở lên ở Trung ương và cấp Phó Chủ tịch tỉnh và tương đương trở lên ở địa phương.
Cần xác định rằng, tất cả cán bộ công chức, viên chức, người giữ chức vụ hay không đều là một công dân. Khi đã là một công dân thì quyền lợi và nghĩa vụ, trách nhiệm như nhau và đương nhiên phải đối xử công bằng trước pháp luật. Vì thế, điều cân nhắc ở đây là tính chất, mức độ của hành vi vi phạm nào cần xử lý khi người vi phạm không còn là cán bộ công chức, viên chức, khi họ đã nghỉ hưu.
Người giữ chức vụ cao mà vi phạm thì tính chất càng nghiêm trọng, nhưng có những lĩnh vực, chức vụ dù không bằng Thứ trưởng hay Phó Chủ tịch tỉnh, khi vi phạm lại gây nên hậu quả khôn lường. Ví như những người trong lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tội phạm, dễ nảy sinh tham nhũng; ví như những người làm công tác tổ chức, nắm quyền sinh quyền sát khi quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ. Bài học nhãn tiền khi xử lý kỷ luật hàng nghìn cán bộ đảng viên vi phạm từ đầu nhiệm kỳ đến nay, khi hàng loạt “củi tươi, củi khô” dù đương chức hay đã nghỉ hưu bị “thiêu rụi” trong “lò” chống tham nhũng đã minh chứng điều đó.
Bởi vậy, quy định chỉ cấp Thứ trưởng và tương đương hay Phó Chủ tịch tỉnh và tương đương vi phạm nghiêm trọng trong quá trình công tác đã nghỉ việc hoặc nghỉ hưu, không còn là cán bộ công chức mới bị xử lý kỷ luật liệu đã bảo đảm sự công bằng của pháp luật hay chưa? Để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật đối với việc xử lý kỷ luật cán bộ công chức có hành vi vi phạm, Bộ Nội vụ đề xuất tăng thời hiệu xử lý kỷ luật lên 60 tháng so với 24 tháng như quy định hiện hành, điều đó đúng, nhưng vấn đề là thời hiệu tính từ thời điểm vi phạm hay thời điểm cán bộ công chức nghỉ hưu.
Đây là quy phạm pháp luật để xử lý những cán bộ nghỉ việc, nghỉ hưu bị phát hiện có sai phạm khi đương chức đương quyền. Bởi vậy nên chăng, thời hiệu xử lý kỷ luật cán bộ công chức có hành vi vi phạm phải được tính từ thời điểm họ bắt đầu nghỉ việc, nghỉ hưu. Nếu không tính toán kỹ lưỡng tất sẽ dẫn đến tình trạng để lọt lưới nhiều người có hành vi vi phạm nghiêm trọng mà khi được sờ đến họ đã hạ cánh an toàn vì hết thời hiệu truy cứu.
Đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức, trong đó quy định xử lý kỷ luật cán bộ công chức nghỉ việc, nghỉ hưu khi phát hiện sai phạm nghiêm trọng trong quá trình công tác đang được Chính phủ xem xét. Nhưng dù lựa chọn phương án nào, quy định thời hiệu truy cứu trách nhiệm đối với những vi phạm xảy ra trong thời gian cán bộ đương chức ra sao thì yêu cầu trước tiên là phải bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa các quy định, hình thức kỷ luật; đảm bảo tính nghiêm minh, sự công bằng trước pháp luật đối với mọi đối tượng và hành vi vi phạm. Như vậy mới khẳng định được tính đúng đắn, khả thi của một văn bản quy phạm pháp luật, khẳng định hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, điều hành xã hội bằng pháp luật./.
Đàm Hoa/VOV1
Nguồn: VOV