Trang chủ Tin tức Bảo vật Chăm đất Bình Định – Kỳ 3: Tượng chim thần...

Bảo vật Chăm đất Bình Định – Kỳ 3: Tượng chim thần Garuda với phong cách tháp Mẫm

204
0

Cặp tượng chim thần Garuda diệt rắn được nhiều nhà nghiên cứu khẳng định là tác phẩm đại diện cho một phong cách điêu khắc Champa, gọi là phong cách tháp Mẫm.

Bảo vật Chăm đất Bình Định - Kỳ 3: Tượng chim thần Garuda với phong cách tháp Mẫm

Cặp tượng chim thần Garuda diệt rắn được trưng bày tại Bảo tàng tổng hợp Bình Định – ẢNH: HOÀNG TRỌNG

Cặp tượng chim thần Garuda diệt rắn trưng bày tại Bảo tàng Bình Định có niên đại từ thế kỷ 12 – 13, được khai quật tại khu phế tích tháp Mẫm (hay còn gọi là tháp Mắm, ở P.Nhơn Thành, TX.An Nhơn, Bình Định) vào năm 2011 và được Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia cuối năm 2017.

Nghệ thuật thể hiện độc đáo

Cặp tượng chim thần Garuda diệt rắn này chế tác bằng đá sa thạch, kích thước 2 tượng gần bằng nhau, mỗi tượng nặng khoảng 500 kg. Hai tượng chim thần Garuda quay đầu hướng về nhau, với cách thể hiện tư thế đối xứng.

Tượng chim thần thứ nhất trong tư thế đứng thẳng, đầu nghiêng qua bên trái, phần thân hướng về phía trước, đôi cánh xòa ra 2 bên, tay trái cầm thân con rắn trước ngực, tay phải cầm con rắn nhỏ hơn đưa lên ngang đầu. Hai chân hơi khụy xuống, chân trái đạp lên con rắn.

Tượng chim thần thứ 2 trong tư thế đứng thẳng, đầu nghiêng qua bên phải, phần thân hướng về phía trước, đôi cánh xòa ra 2 bên, tay phải cầm thân con rắn trước ngực, tay trái cầm con rắn nhỏ hơn đưa lên ngang đầu. Hai chân hơi khụy xuống, chân phải đạp lên con rắn.

Trong thần thoại Ấn Độ, Garuda là chim thần, được coi là vua của mọi loài chim. Garuda là kẻ thù truyền kiếp của rắn Naga, bởi mẹ của Garuda bị mẹ của Naga giết chết. Vì vậy, nếu gặp Naga là Garuda liền xé xác để trả thù. Sau này, thần Vishnu thu phục Garuda làm vật cưỡi cho mình.

Vì vậy, chim thần Garuda là hình tượng phổ biến trong nghệ thuật điêu khắc Champa, thường gắn liến với hình tượng thần Vishnu hoặc trong tư thế diệt rắn Naga.

Bảo vật Chăm đất Bình Định - Kỳ 3: Tượng chim thần Garuda với phong cách tháp Mẫm

Tay trái chim thần cầm con rắn nhỏ hơn đưa ngang đầu – ẢNH: HOÀNG TRỌNG

Theo ông Bùi Tĩnh, Phó giám đốc phụ trách Bảo tàng tổng hợp Bình Định, trong nghệ thuật điêu khắc Champa, hình tượng chim thần Garuda được phát hiện đầu tiên ở trên một bề thờ tại Mỹ Sơn (H.Duy Xuyên, Quảng Nam). Sau này, trải qua nhiều giai đoạn, hình tượng Garuda có thay đổi về hình dáng cũng như họa tiết trang trí. Tuy nhiên, hình tượng chim thần Garuda diệt rắn theo từng đôi, mang tính chất đối xứng chỉ được thể hiện tại các tượng chim thần Garuda diệt rắn ở tháp Mẫm.

Hình tượng chim thần Garuda ở tháp Mẫm có sự cường điệu hóa trong nghệ thuật thể hiện. Đầu chim thần là sự kết hợp của nhiều loài thú: đôi mắt to tròn lồi; chiếc mỏ quá lớn, hàm trên và hàm dưới đều có răng nanh, giống như cách thể hiện con Makara (hình tượng thủy quái) hoặc sư tử truyền thống của Champa.

Đôi tai thể hiện giống tai người nhưng rái tai to và dài quá mức. Phần thân và chi trên thể hiện hoàn toàn giống cơ thể con người, phần ngực nở nang.

Bảo vật Chăm đất Bình Định - Kỳ 3: Tượng chim thần Garuda với phong cách tháp Mẫm

Đầu chim thần là sự kết hợp của nhiều loài thú – ẢNH: HOÀNG TRỌNG

Đối cánh bị xếp lại chứ không dang rộng ra như hình tượng Garuda giai đoạn trước đó, đôi cánh không thể hiện bộ lông thực sự mà thay vào đó trông như các vảy cá, khác với đặc điểm Garuda truyền thống khi bộ lông được chú ý tạo hình chi tiết, hoàn toàn mang tính chất trang trí. Đôi bàn chân tạo hình có các ngón chân dài có móng vuốt của loài chim ăn thịt.

“Tuy cách tạo hình có phần rườm ra, phức tạp, động tác diệt rắn Naga không thể hiện quá quyết liệt, sống động nhưng các tượng Garuda diệt rắn ở tháp Mẫm vẫn tạo nên sự mãnh mẽ, quyền uy của loài chim thần”, ông Bùi Tĩnh nói.

Bảo vật Chăm đất Bình Định - Kỳ 3: Tượng chim thần Garuda với phong cách tháp Mẫm

Chân chim thần có móng vuốt, đạp lên thân rắn Naga – ẢNH: HOÀNG TRỌNG

Chỉ có ở tháp Mẫm

Bà Hồ Thùy Trang, Trưởng phòng nghiên cứu – sưu tầm, thuộc Bảo tàng tổng hợp Bình Định, cho biết tháng 4 năm 1934, nhà khảo cổ học người Pháp J.Y.Clayes và nhiều cộng sự tổ chức cuộc khai quật lần đầu tiên tại phế tích tháp Mẫm. Kết quả khai quật đã thu được nhiều phù điêu, tượng thể hiện các vị thần Ấn Độ giáo như: Siva, Prapalla, tượng Phật và tượng con vật thần linh như: chim Garuda, rắn Naga, sư tử, Makara, Gajasimha…

Đợt khai quật tháp Mẫm này đã phát hiện 4 tượng chim thần Garuda diệt rắn, trong đó có 2 tượng hiện được trưng bày tại Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng, 1 đang trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam và 1 đang trưng bày tại Bảo tàng Cung đình Huế.

Năm 2011, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia) chủ trì khai quật lần thứ hai cũng thu được nhiều hiện vật, trong đó có thêm 2 tượng chim thần Garuda diệt rắn, hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng tổng hợp Bình Định.

Theo bà Trang, nhiều nhà nghiên cứu nhận định loại hình 2 tượng chim thần Garuda diệt rắn với cách thể hiện độc đáo, tạo hình đối xứng, sự cường điệu về tạo hình cơ thể, đeo đồ trang sức dày đặc, mang đặc trưng của phong cách tháp Mẫm. Những tượng chim thần này có chức năng trang trí 2 bên bờ tường cửa tháp.

Bảo vật Chăm đất Bình Định - Kỳ 3: Tượng chim thần Garuda với phong cách tháp Mẫm

Phù điêu rắn Naga có 5 đầu được trưng bày tại Bảo tàng Tổng hợp Bình Định – ẢNH: HOÀNG TRỌNG

Đặc biệt hơn, cũng tại phế tích tháp Mẫm và một số tháp khác cũng phát hiện được các tượng chim thần Garuda trang trí các góc tháp, được tạo dáng thành cột hình người, mang đặc điểm của phong cách nghệ thuật Khơ-me, về cách tạo hình tư thế và chức năng hoàn toàn khác so với các bức tượng Garuda diệt rắn.

Bảo vật Chăm đất Bình Định - Kỳ 3: Tượng chim thần Garuda với phong cách tháp Mẫm

Chim thần Garuda phát hiện tại tháp Dương Long hoàn toàn khác tượng chim thần Garuda tại tháp Mẫm – ẢNH: HOÀNG TRỌNG

“Có thể nói, tượng chim thần Garuda diệt rắn thể hiện theo cặp đối xứng được phát hiện tại phế tích tháp Mẫm không chỉ mang tính hình thức độc đáo trong nghệ thuật điêu khắc Champa mà còn trong nghệ thuật điêu khắc của Đông Nam Á, ngay cả các di tích Chăm cùng không gian và thời gian cũng không phát hiện được. Đây là tác phẩm đại diện cho một phong cách nghệ thuật mà các nhà nghiên cứu người Pháp trước đây định hình, một phong cách điêu khắc lớn trong tiến trình lịch sử nghệ thuật Champa, gọi là phong cách tháp Mẫm, tồn tại trong thế kỷ 12 và 13”, bà Hồ Thùy Trang nói.

Phong cách tháp Mẫm

Theo tài liệu của Bảo tàng tổng hợp Bình Định, trong tác phẩm Nghệ thuật tạc tượng của nước Champa, Jean Boisselies (một nhà nghiên cứu Pháp) đã nhận xét về nghệ thuật tạc tượng động vật của phong cách tháp Mẫm: “Nền nghệ thuật tạc tượng động vật chiếm một vị trí quan trọng trong phong cách tháp Mẫm…nhưng ở đây động vật thật chỉ đóng một vai trò hầu như vô nghĩa và nói chung nhường chỗ cho những tượng hình có tính chất hoang đường…và tất cả những tượng động vật trong phong cách tháp Mẫm đều ảnh hưởng của nghệ thuật điêu khắc Khơ-me…Tượng động vật trong phong cách tháp Mẫm hầu hết đều có kích thước lớn…được trang trí triệt để, không còn một chỗ nào để trống. Trông đầy tinh nghịch. Mặt mày làm ra bộ dữ dằn…”.

Nguồn: Thanh niên

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây