Trang chủ Đấu trường dân chủ Khởi tố, bắt giam 2 cựu bộ trưởng: Vì sự nghiêm minh...

Khởi tố, bắt giam 2 cựu bộ trưởng: Vì sự nghiêm minh của kỷ luật Đảng, vì thượng tôn pháp luật và niềm tin của nhân dân

170
0

Việc các cơ quan pháp luật tiến hành các biện pháp xử lý hai cán bộ nguyên là Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đang được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

>>Vụ AVG: Bộ công an khởi tố, bắt giam cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn

Đây là những việc làm nhằm tiếp tục quá trình điều tra, xử lý các vụ án trọng điểm được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (PCTN) chỉ đạo thực hiện quyết liệt thời gian qua; được dư luận cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình. Phải xử lý theo pháp luật những cán bộ cấp cao, đúng như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng chỉ đạo: Điều đó thật đau lòng nhưng vì sự nghiêm minh của kỷ luật Đảng, sự thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng và ý nguyện của nhân dân, chúng ta phải làm và sẽ còn tiếp tục làm trong thời gian tới…

Cần xử lý quyết liệt, công khai

Tinh thần quyết liệt, triệt để nêu trên được đông đảo dư luận cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, tiếp tục củng cố niềm tin vào chủ trương của Đảng trong đấu tranh PCTN. Từ vụ án này cho thấy không chỉ tiếp tục thể hiện tinh thần không có vùng cấm mà còn rất nghiêm túc, vừa đạt được hiệu quả cao trong thu hồi tài sản, vừa xử lý nghiêm minh, thấu tình đạt lý đối với cán bộ sai phạm cả về kỷ luật Đảng và pháp luật của Nhà nước. Trước đó, dư luận từng băn khoăn sự việc liệu có điểm dừng sau khi tài sản thất thoát đã bị thu hồi, thì nay đã có câu trả lời rõ ràng. Đây là một trong những vụ việc được xử lý, thu hồi tài sản nhanh, số lượng lớn (8.500 tỷ đồng), thể hiện hiệu quả tốt về mặt kinh tế trong đấu tranh PCTN, tiêu cực thời gian qua…

Khởi tố, bắt giam 2 cựu bộ trưởng: Vì sự nghiêm minh của kỷ luật Đảng, vì thượng tôn pháp luật và niềm tin của nhân dân

Hai cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn đã bị khởi tố, bắt giam

Sự việc cũng thể hiện quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước ta trong đấu tranh PCTN và xử lý kỷ luật cán bộ: Mọi cán bộ, đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đảng viên ở bất cứ cương vị nào, nếu có thành tích sẽ được biểu dương, khen thưởng; nếu vi phạm kỷ luật của Đảng đều phải bị xem xét, xử lý nghiêm minh, kịp thời. Đảng viên vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự, không “xử lý nội bộ”; kỷ luật Đảng không thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể và các hình thức xử lý của pháp luật. Đảng viên dù là cán bộ cấp cao đến đâu nếu vi phạm pháp luật vẫn phải được xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội, không có nương nhẹ, không có vùng cấm.

Tinh thần đó một lần nữa minh chứng sự nghiêm túc, công bằng, nhất quán trong cuộc chiến chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta. Tinh thần “tiếp tục làm” vì cuộc đấu tranh chống tham nhũng không một sớm, một chiều; cũng không lúc nóng, lúc lạnh mà bền bỉ, vững chắc, trên cơ sở điều tra, xem xét chặt chẽ; hoàn toàn không phải vì động cơ đấu đá, thanh trừng nội bộ như các thế lực xấu lâu nay vẫn rêu rao, xuyên tạc. Trên thực tế, từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đến nay, trong vòng chưa đầy 3 năm, hơn 60 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý đã bị thi hành kỷ luật. Tại hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện các nội dung Hội nghị Trung ương 8, khóa XII của Đảng, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã đưa ra con số: Chỉ trong hai năm gần đây, cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp đã kỷ luật hơn 490 tổ chức đảng và hàng nghìn đảng viên vi phạm, trong đó có một số đảng viên bị thi hành kỷ luật do tham nhũng và cố ý làm trái.

Trong vụ án AVG, các cơ quan pháp luật đã khởi tố, điều tra vụ việc từ lâu và các biện pháp xử lý mới đây là diễn biến bình thường tiếp theo của quá trình tố tụng, là những việc làm đúng pháp luật, có cơ sở, thể hiện đúng tính chất nghiêm minh của pháp chế xã hội chủ nghĩa (XHCN). Không chỉ hai cán bộ cấp cao nêu trên mà Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an hiện đang tập trung lực lượng đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý nghiêm đối với các bị can và những người có liên quan theo đúng quy định của pháp luật. Sự việc còn cho thấy, việc xử lý cán bộ vi phạm trong thời gian qua đã được làm một cách thận trọng, bài bản, rõ đến từng cá nhân vi phạm, không còn là “lỗi của tập thể”, đặc biệt là công khai trước dư luận, sai phạm đến đâu sẽ xử lý đến đó, đúng người, đúng tội.

Những bài học sâu sắc

Qua sự việc trên tiếp tục cho chúng ta bài học sâu sắc cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, không chỉ đối với những cán bộ cấp cao có khuyết điểm, sai phạm, mà còn là bài học chung đối với mọi cán bộ, đảng viên. Mỗi người cần phải khắc cốt ghi tâm 4 đức: Cần, kiệm, liêm, chính mà Bác Hồ từng nhắc nhở “thiếu một đức thì không thành người” đối với cán bộ. Mọi cán bộ, đảng viên, công chức cần thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, chủ động tự soi, tự sửa để tránh đi vào “vết xe đổ”, dính “chàm” vào những vụ việc tiêu cực. Dẫu những cán bộ sai phạm đã nhận khuyết điểm, thấy rõ hậu quả sự sai phạm của mình, nhưng thật đau xót chính họ đã thiêu đốt, làm đổ vỡ, chôn vùi bao chiến công, cống hiến, đóng góp suốt những năm tháng phấn đấu và công tác. Đó là nỗi đau, nỗi mất mát, xót xa rất lớn không chỉ đối với bản thân mỗi cán bộ cấp cao mà còn với cả người thân, gia đình, đồng chí, bè bạn… của họ.

Thực tế đau xót đó còn để lại bài học đắt giá cho chúng ta trong quản lý, giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên. Trách nhiệm đó trước hết thuộc về các tổ chức đảng, lãnh đạo, quản lý các cấp. Mọi cán bộ, đảng viên dù ở cấp nào cũng đều phải rèn luyện tính tổ chức, tính kỷ luật, tự giác đặt mình trong sự quản lý của cấp ủy đảng các cấp, tuân thủ kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Kiên quyết không để hiện tượng cán bộ sai phạm do bị buông lỏng quản lý, thiếu sự kiểm tra, giám sát của tập thể, của cấp trên.

Trong một số trường hợp, vi phạm còn có nguyên nhân do lỗ hổng cơ chế, pháp luật lỏng lẻo, thiếu đồng bộ, tạo kẽ hở cho tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm. Những lỗ hổng này cần thiết phải sớm được khắc phục. Hiện nay, cùng với việc tiếp tục hoàn thiện, đưa Hiến pháp và nhiều đạo luật quan trọng, như: Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Luật PCTN, Luật Thanh tra, Luật Tố cáo, Luật Khiếu nại… vào cuộc sống, chúng ta cũng đang không ngừng hoàn thiện nhiều quy định của Đảng, như: Quy định 102 về xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm; Quy định 07 của Ban Chấp hành Trung ương về xử lý kỷ luật tổ chức đảng vi phạm; Quy định 08 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương … Cách đây ít ngày, Ban Bí thư vừa ban hành chỉ thị về nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc đưa những người không còn đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng. Đây là yêu cầu cấp thiết thường xuyên để giữ nghiêm kỷ luật của Đảng và hiệu lực quản lý của Nhà nước. Củng cố và tăng cường kỷ luật của Đảng phải là nhiệm vụ thường xuyên của mọi đảng viên và tổ chức đảng. Hoàn thiện hệ thống pháp luật, bảo đảm sự đồng bộ, nghiêm minh, tính thượng tôn pháp luật và sự kiểm soát quyền lực chặt chẽ cũng là đòi hỏi cấp bách hiện nay.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng công tác kiểm tra, kiểm soát, kỷ luật của Đảng. Theo Người, lãnh đạo tất yếu phải có kiểm tra; “kiểm soát khéo, bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết”. Người luôn mong mỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải đặt lợi ích của Đảng lên trên hết, ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc, Đảng không có lợi ích gì khác. Do đó, Người nhấn mạnh: “mỗi người trong Đảng phải hiểu rằng: Lợi ích của cá nhân nhất định phải phục tùng lợi ích của Đảng. Lợi ích của mỗi bộ phận nhất định phải phục tùng lợi ích của toàn thể. Lợi ích tạm thời nhất định phải phục tùng lợi ích lâu dài. Nghĩa là phải đặt lợi ích của Đảng lên trên hết, lên trước hết. Vì lợi ích của Đảng tức là lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc. Vô luận lúc nào, vô luận việc gì, đảng viên và cán bộ phải đặt lợi ích của Đảng ra trước, lợi ích của cá nhân lại sau. Đó là nguyên tắc cao nhất của Đảng”.

Qua vụ AVG và những bài học để lại càng giúp chúng ta thấm thía những lời dạy của Người. Nhưng cũng từ đó, giúp chúng ta thêm tin tưởng, cùng tự soi, tự sửa vì sự nghiêm minh của kỷ luật Đảng, sự thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh cũng như uy tín của Đảng và ý nguyện của nhân dân.

THIỆN MINH (Quân đội nhân dân)

Nguồn: Đấu trường dân chủ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây