Trang chủ Luận bàn - Phản biện Đừng Đứng Trên Pháp Luật Để Phán Xét Người Khác!

Đừng Đứng Trên Pháp Luật Để Phán Xét Người Khác!

196
0

Ngày 21/02/2019, trang báo Dân trí đăng tải thông tin một vụ án mạng nghiêm trọng đã xảy ra. Nạn nhân là anh Lê Hoài Bảo, 28 tuổi, quê Kiên Giang, ngụ tại thị trấn Hậu Nghĩa. Theo thông tin được đăng tải, chiều 17h00 cùng ngày, anh Bảo dắt con đi chơi quanh công viên thị trấn Hậu nghĩa. Hai cha con nô đùa và đuổi bắt nhau quanh khuôn viên công viên. Lúc này, một người phụ nữ bán vé số thấy vậy liên hô lớn “Bắt cóc trẻ em, bắt cóc trẻ em”. Nghe tiếng tri hô, nhiều người dân chay đến xem xét sự việc. Trong đó, đối tượng Nguyễn Ngọc Hải Điền (26 tuổi, ngụ tại thị trấn Hậu Nghĩa) lao tới đòi “làm rõ trắng đen”. Trong lúc cự cãi, Điền chạy vào quán nhậu gần đó lấy một con dao chạy ra đâm trúng ngực anh Bảo khiến anh này tử vong.

Đừng Đứng Trên Pháp Luật Để Phán Xét Người Khác!

Công viên Thị trấn Hậu Nghĩa – nơi xảy ra án mạng đau lòng (nguồn ảnh: báo Dân trí)

NGUYÊN NHÂN

Vụ việc xảy ra quá nhanh khiến ai nấy đều bàng hoàng. Nhưng nguyên nhân của nó có lẽ xuất phát từ chính sự ấu trĩ trong hiểu biết và thái độ coi thường pháp luật.

Thiếu hiểu biết thể hiện ở chỗ mới chỉ nhìn hành động của hai cha con chưa cần biết đúng, sai, phải, trái đã quy ngay đó là hành vi bắt cóc trẻ em. Thử hỏi, với những người làm cha, làm mẹ có ai nói chưa từng gặp phải tình huống phải gọi, kéo con mình về khi cho con đi chơi nhưng đứa bé mải chơi, không muốn về. Vậy mà chỉ một chi tiết đó thôi lại bị “nhạy cảm hóa” thành tình huống bắt cóc trẻ em. Vẫn biết động thái cảnh giác, nghi ngờ là tốt, nhưng để làm rõ sự nghi ngờ thì phải có cơ quan chức năng với những căn cứ của quy định pháp luật mới được làm. Đã có rất nhiều trường hợp nhiều vụ việc phạm pháp được làm rõ bởi sự tri hô, giúp sức của người dân. Nhưng cũng nhiều trường hợp không kém từ lời tri hô thiếu xem xét mà gây ra những hậu quả khôn lường đối với những người liên quan. Trường hợp vụ việc đang đề cập tới chính là một ví dụ điển hình đó.

Thái độ coi thường pháp luật được thể hiện ở hai điểm: thứ nhất, người thanh niên kia chỉ cần có một câu tri hô của bà lão bán vé số là đã tự coi mình là thẩm phán để phán xét hành vi của nạn nhân. Tuy nhiên, nếu đã là thẩm phán thì phải xét xử, phân định theo đúng quy định của pháp luật thì ở đây hung thủ tự coi đó là trách nhiệm của bản thân phải thực hiện. Thứ hai, đó chính là cách thể hiện trách nhiệm của hung thủ trong trường hợp này, đó là bằng cách sử dụng hung khí để hành hung gây thương tích khiến nạn nhân tử vong. Thử hỏi, chúng ta đang sống trong thời đại nào rồi mà có thể coi mạng người như cỏ rác để có thể “xử” nhau một cách đơn giản như vậy. Đó là thái độ coi thường mạng sống, vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật. Nên nhớ, không một ai được cho mình quyền cao hơn pháp luật và tuyệt nhiên tất cả mọi người đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam phải nghiêm chỉnh chấp hành những quy định của pháp luật Việt Nam.

HẬU QUẢ

Một gia đình đang yên ổn bỗng dưng bị xáo trộn: con mất cha, vợ mất chồng, gia đình mất đi trụ cột về kinh tế bởi một lý do chẳng biết vì sao lại vậy. Tương lai của những đứa trẻ đang bị đặt một dấu hỏi lớn.

Một bà lão bị dày vò tâm trí bởi sự trì triết của hàng xóm láng giềng bởi một câu nói vô thưởng, vô phạt. “Dù lời nói lúc đó của tôi với mục đích tốt đi nữa thì tôi cũng chính là người gián tiếp gây ra cái chết cho người cha tội nghiệp này. Tôi rất ân hận”, cụ G người đã tri hô trong vụ việc chia sẻ.

Một kẻ mất đi tự do bởi sự thiếu hiểu biết, manh động thái quá. Nhưng nghiêm trọng nhất chính là giá trị đạo đức xã hội bị suy giảm nghiêm trọng bởi chính sự thiếu hiểu biết và coi thường pháp luật. Một xã hội mà ở đó pháp luật không còn giữ được vai trò thượng tôn của mình thì hậu quả sẽ không chỉ dừng lại ở một vụ việc đã nêu.

BÀI HỌC

“Bệnh từ miệng mà vào, họa từ miệng mà ra”, câu nói vẫn còn nguyên giá trị trong trường hợp vụ việc này. Thế mới biết “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói” mà người xưa răn dạy mới giá trị như thế nào. Nên nhớ, thái độ cảnh giác với những hành vi vi phạm pháp luật là tốt, nhưng để thái độ đó phát huy được tác dụng thì phải có sự đánh giá một cách khách quan, trung thực chứ đừng chỉ dựa vào phán đoán, nhận định của mỗi cá nhân mà thực hiện. Và hơn hết, đừng tự cho mình cái quyền phán xét, định đoạt số phận của người khác. Bởi suy nghĩ đó chính là nguồn cơn của hậu họa về sau./.

Nam Việt

Nguồn: Người con Đất Mẹ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây