Trang chủ Đấu trường dân chủ Báo chí phải giữ vững tôn chỉ, mục đích, tôn trọng sự...

Báo chí phải giữ vững tôn chỉ, mục đích, tôn trọng sự thật

159
0

Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có quyết định xử phạt hành chính 65 triệu đồng; đồng thời tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động báo chí trong thời hạn 3 tháng đối với Báo điện tử Người tiêu dùng (thuộc Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam). Lý do: Báo này đã thông tin sai sự thật, quy kết tội danh khi chưa có bản án của tòa án, gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng.

>>Xử phạt và tước giấy phép 3 tháng báo điện tử Người tiêu dùng

Thông tin sai sự thật, “bẻ cong” ngòi bút-sự suy thoái nghiêm trọng về đạo đức nghề báo

Lại có một tờ báo điện tử bị tước quyền giấy phép hoạt động báo chí trong 3 tháng khiến những người làm nghề chân chính không khỏi chạnh lòng. Trước đó, một số ấn phẩm báo chí cũng từng bị đình bản 3 tháng, như: Báo điện tử PetroTimes (tháng 10-2016), Báo điện tử Tầm nhìn (tháng 10-2016), Tạp chí điện tử Nhà quản lý (11-2017)… Những ấn phẩm báo chí này bị đình bản vì thực hiện không đúng tôn chỉ mục đích, thông tin sai sự thật, tác động tiêu cực đến dư luận xã hội.

Điều 4, Luật Báo chí 2016 quy định rõ, nhiệm vụ hàng đầu của báo chí là “Thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân; tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí”…

Trước hết cần khẳng định rằng, thời gian qua, đa số các cơ quan báo chí và nhà báo đã chấp hành tốt pháp luật, thực hiện nghiêm túc Luật Báo chí và những quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam. Những công lao đóng góp của báo chí trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và góp phần thúc đẩy xã hội phát triển văn minh, tiến bộ là không thể phủ nhận. Phần đông người làm báo vẫn tâm huyết nuôi dưỡng, duy trì “lửa nghề” theo đúng tinh thần “phụng công, thủ pháp”, không thiên lệch, không “bẻ cong” ngòi bút vì mục đích, lợi ích cá nhân. Đó là cơ sở để người làm báo giữ gìn đạo đức nghề nghiệp, bảo toàn chữ “tâm” trong sáng của người làm báo cách mạng.

Báo chí phải giữ vững tôn chỉ, mục đích, tôn trọng sự thật

Báo điện tử Người tiêu dùng bị tước giấy phép 3 tháng, phạt 65 triệu đồng (ẢNH CHỤP MÀN HÌNH)

Tuy nhiên, những năm gần đây, trước những tác động mặt trái của cơ chế thị trường và thời đại thông tin bùng nổ, một số cơ quan báo chí, một bộ phận nhà báo đã không làm tròn phận sự, thiên chức cao quý của mình, có biểu hiện thương mại hóa hoạt động báo chí, hành nghề thiếu đạo đức, gây ra nhiều “điều tiếng” không hay trong xã hội. Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác báo chí toàn quốc năm 2018 diễn ra ở Hà Nội, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, thẳng thắn chỉ ra một sự thật đau lòng: “Nhiều phóng viên đã bị đồng nghiệp ta thán, xã hội vừa sợ, vừa khinh miệt bằng những từ “phóng viên đếm tầng”, “phóng viên IS”… ảnh hưởng tiêu cực rất lớn đến danh dự người làm báo, ảnh hưởng tiêu cực tới nội dung, uy tín, sứ mệnh thiêng của báo chí cách mạng”.

Điều đáng nói hơn, hành vi trục lợi không chỉ xảy ra ở đối tượng phóng viên, mà còn liên quan đến cả lãnh đạo tòa soạn ở một số cơ quan báo chí. Theo kết quả khảo sát “Nhận diện hành vi trục lợi trong tác nghiệp báo chí” của Trung tâm Nghiên cứu truyền thông phát triển (RED) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) công bố cuối năm 2017, có 4 nhóm hành vi trục lợi báo chí xảy ra trong thời gian qua, gồm: Dọa dẫm tống tiền; thông đồng lợi ích nhóm; liên kết nhóm phóng viên; lợi dụng danh nghĩa nhà báo và cơ quan báo chí.

Những ngày cuối tháng 12-2018, Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành các quyết định khai trừ và thu hồi thẻ hội viên Hội Nhà báo Việt Nam đối với 6 phóng viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Đây là một nỗi đau không của riêng người trong cuộc, mà còn là “nỗi đau chung” của những người làm báo chân chính.

Củng cố, tăng cường niềm tin của xã hội vào báo chí

Có một thời nói về báo chí, nhân dân coi đó như một trong những biểu tượng công lý trong xã hội. Vì nói đến báo chí là nói đến sự khách quan, trung thực, công tâm, chính xác. Thế nên, không ngẫu nhiên mà một thời cách đây chưa xa, người dân vẫn truyền tai nhau câu cửa miệng “Nói hay như đài”, “báo đăng đây này” với hàm ý khẳng định khi các cơ quan đài, báo đã phát sóng, đăng tải tin, bài thì rất đáng tin cậy.

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, báo chí phải lấy thông tin tích cực thể hiện dòng chảy chính của xã hội, qua đó góp phần tăng cường sự đồng thuận xã hội, kiến tạo niềm tin cho xã hội. Khi báo chí muốn tạo niềm tin cho xã hội thì phóng viên phải là người được tin cậy nhất của xã hội.

Báo chí tồn tại nhờ niềm tin xã hội. Giá trị của báo chí không ở đâu xa, mà chính là những thông tin khách quan, trung thực, bổ ích mà báo chí mang lại cho công chúng và xã hội. Mạng xã hội dù có một số thông tin của cá nhân đưa ra nhanh nhạy đến mấy nhưng cũng không thể và không bao giờ thay thế được sứ mệnh của báo chí, vì tính chính xác, nhân văn mới là giá trị cốt lõi và là lý do tồn tại của báo chí. Vì vậy, đã đến lúc đội ngũ những người làm báo phải có những hành động, việc làm thiết thực để củng cố, tăng cường niềm tin của xã hội vào báo giới, nỗ lực “lấy lại thương hiệu cho những người làm nghề báo” như mong muốn của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.

Kể từ khi tờ báo Thanh Niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thành lập ngày 21-6-1925, báo chí cách mạng Việt Nam đến nay đã có bề dày lịch sử truyền thống gần 94 năm. Ra đời trong quá trình đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người, vì thế tính cách mạng của nền báo chí Việt Nam đã quy định chức năng, sứ mệnh cao cả của những người làm báo Việt Nam là suốt đời phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Thông qua thực hiện sứ mệnh của mình, báo chí cách mạng góp phần khơi dậy niềm tin và khát vọng của cả quốc gia, dân tộc. Sứ mệnh đó thể hiện ở chỗ, báo chí Việt Nam không chỉ thông tin, tuyên truyền, cổ vũ, nhân lên cái tốt, cái đẹp trong cuộc sống để kiến tạo nền tảng đồng thuận xã hội và môi trường ổn định chính trị, mà còn lên án cái xấu, cái ác để giúp mọi người cảnh giác, tránh xa, loại bỏ. Báo chí không chỉ tham gia cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực xã hội để góp phần làm trong sạch hệ thống chính trị và bộ máy công quyền, mà còn tích cực đấu tranh phê phán các luận điệu sai trái, thù địch để bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ ta. Báo chí không chỉ cổ vũ phong trào quốc gia khởi nghiệp, khuyến khích mọi nhà làm giàu chính đáng, phổ biến, nhân rộng những cách làm ăn mới, sáng tạo để mọi người học tập, làm theo, mà còn động viên, khích lệ người dân sống tốt, sống đẹp để góp phần xây dựng một xã hội tiến bộ, văn minh.

Theo nhà báo lão thành Hà Đăng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng biên tập Báo Nhân Dân, nguyên Trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương, báo chí cách mạng Việt Nam là một nền báo chí phục vụ sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Điều đó đặt ra cho mỗi người làm báo hôm nay không bao giờ được phép xa rời những nguyên tắc cơ bản của báo chí cách mạng, đó là tiếp tục dấn thân, cống hiến, mang đến cho công chúng, xã hội những tác phẩm, sản phẩm báo chí thật sự bổ ích, lành mạnh.

Để hoàn thành nhiệm vụ cao quý đó, đòi hỏi các cơ quan báo chí, trước hết là ban lãnh đạo và người đứng đầu cần nhận thức sâu sắc và thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích đã ghi trong giấy phép hoạt động báo chí. Đội ngũ những người làm báo cần bền bỉ, thường xuyên học tập, tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao cả về trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ và bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp; tuân thủ nghiêm túc Luật Báo chí và những quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng, cơ quan chủ quản báo chí cần quan tâm xây dựng hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách, môi trường tác nghiệp thuận lợi giúp cho báo chí hoạt động đúng luật, hiệu quả, phục vụ đắc lực công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước trong tình hình mới.

THIỆN VĂN (Quân đội nhân dân)

Nguồn: Đấu trường dân chủ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây