Vụ nữ sinh giao bán gà và những câu chuyện xung quanh vẫn tiếp tục được bàn luận những ngày gần đây ngay cả khi lực lượng Công an đã bắt được các nghi phạm. Bên cạnh việc lên án tội ác của các nghi phạm hết sức dã man, thì một câu chuyện khác được nhắc tới là xoáy sâu vào việc lực lượng Công an Điện Biên được nhận thưởng sau khi giải quyết vụ án nói trên. Một bài viết trì trích khá gay gắt đó là bài viết “Vụ sát hại nữ sinh ở Điện Biên: Sao có thể nhận thưởng trong nỗi đau của gia đình nạn nhân?” của tác giả Nguyễn Thế Thịnh được đăng trên Báo Thanh niên ngày 19/2/2019.
Theo đó, tác giả bài viết phê phán: “Chấn động vì tội ác của 5 “ác thú” quá dã man, chấn động vì một nữ sinh xinh đẹp bị bắt giữ và hiếp dâm tập thể nhiều lần, chấn động vì gia đình báo án ngay trong ngày nhưng công an không có biện pháp kịp thời ngăn chặn”. Dường như ngòi bút của tác giả đang muốn hướng đến lực lượng Công an, khi mà hầu như dư luận chỉ đang quan tâm đến tội ác của các nghi phạm và quan trọng hơn hết là tội phạm đã được đem ra ánh sáng. Còn việc lực lượng Công an đã triển khai những biện pháp gì, đã khẩn trương trấn áp tội phạm như thế nào thì người ngoài cuộc sao có thể nắm rõ được. Các loại tội phạm ngày càng tinh vi, xảo quyệt vì thế chúng ta không thể lường trước được. Việc quy kết rằng bên Công an không có biện pháp kịp thời ngăn chặn có vẻ như khá phiến diện.
Báo Thanh niên nói về vụ nữ sinh Điện Biên bị sát hại
Ngoài ra, tác giả cho rằng: “Mẹ cô gái biết địa chỉ cô gái đi giao gà, biết người mua cả lồng gà (khi đứng xin số điện thoại của con gái bà), công an hoàn toàn có thể yêu cầu nhà mạng truy vấn cuộc gọi qua số điện thoại của cô nữ sinh. Chừng đó thông tin, chừng đó manh mối là tương đối nhiều cho một vụ án”. Liệu rằng tác giả có đang can thiệp quá sâu vào công tác chuyên môn của ngành Công an không? Với vị trí là một nhà báo thì tác giả dựa vào đâu để kết luận chừng đó manh mối là tương đối nhiều cho một vụ án. Chưa nói đến việc yêu cầu nhà mạng truy vấn cuộc gọi, điều đó chả lẽ bên Công an họ không biết hay sao. Thực tế là số điện thoại mà nam thanh niên “bí ẩn” dùng liên lạc để đặt mua gà nhưng sau đó người này đã tắt máy, không sử dụng nữa. Xác minh số điện thoại trên cho thấy, đây là số sim rác, đã qua rất nhiều lần chủ. Một việc đơn giản như vậy ai cũng có thể lập luận ra mà.
Khen thưởng, tại sao không? Khi mà họ đã ngày đêm lăn lộn, không quản khó khăn, vất vả, để lại không khí đón Tết ở phía sau để nhanh chóng điều tra, làm rõ, đưa những kẻ phạm tội ra ánh sáng để pháp luật trừng trị. Việc khen thưởng những thành tích như vậy là việc hết sức bình thường, nên làm, và không có gì đáng để trì trích hay tranh luận. Việc tác giả cố tình đối lập giữa việc Công an nhận thưởng và nỗi đau của gia đình nạn nhân là vô lý, bởi đó là hai sự việc hoàn toàn khác nhau, chẳng có gì là “phản cảm và không có tính giáo dục” như quan điểm của bài viết.
Dường như tác giả đang phán xét, nhận định và nó không chỉ đơn giản là dưới lăng kính của một nhà báo. Đưa ra những kết luận như vậy, để chính xác thì đòi hỏi người đó phải nắm rất rõ nghiệp vụ của ngành Công an, cũng như hiểu rất rõ các tình tiết của vụ án hoặc tham gia trực tiếp vào vụ án. Vì vậy theo chúng tôi thì những lập luận đó là phiến diện, chỉ thể hiện quan điểm cá nhân và không có cơ sở, căn cứ.
Nên chăng báo chí nên xem xét lại việc đăng tải những thông tin gì là cần thiết và khách quan. Việc đưa những thông tin chỉ nhằm vào những mục đích chính trị của cá nhân để bôi nhọ cá nhân, cơ quan, tổ chức, hay chỉ để giật tít câu view, cần được xem xét kỹ lưỡng về tính chính xác, tranh gây hoang mang dư luận và để lại những hậu quả phức tạp./.
Vân An
Nguồn: Người con Đất Mẹ