Trang chủ Tin tức Sẽ không có bảng lương riêng hay phụ cấp cao nhất cho...

Sẽ không có bảng lương riêng hay phụ cấp cao nhất cho nhà giáo

159
0

Nhiều ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội không đồng tình đề xuất quy định bảng lương riêng hoặc chế độ phụ cấp cao nhất đối với giáo viên.

Sẽ không có bảng lương riêng hay phụ cấp cao nhất cho nhà giáo

Trình bày báo cáo của Chính phủ về việc lấy ý kiến nhân dân đối với luật Giáo dục sửa đổi tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 21.2, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Phùng Xuân Nhạ cho hay, về lương nhà giáo, qua quá trình lấy ý kiến, có 2 nhóm ý kiến.

Nhóm thứ nhất cho rằng cần thực hiện theo Nghị quyết số 29 của T.Ư, nhưng cũng cần đảm bảo phù hợp với Nghị quyết số 27 ngày 21.5.2018. Theo đó, “nhà giáo được ưu tiên sắp xếp thang, bậc lương phù hợp với yêu cầu nghề nghiệp theo quy định của Chính phủ”.

Ý kiến còn lại cho rằng, thang bảng lương của nhà giáo cần theo Nghị quyết T.Ư 2 (khóa VIII) và Nghị quyết số 29 của T.Ư. Theo đó, lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang, bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp, tùy theo tính chất công việc, theo vùng.

“Chính phủ tiếp thu theo hướng quy định: nhà giáo được ưu tiên sắp xếp thang, bậc lương phù hợp với yêu cầu nghề nghiệp theo quy định của Chính phủ”, ông Nhạ cho hay.

Báo cáo ý kiến của thường trực Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình cho biết, Thường trực Uỷ ban đề nghị 2 phương án xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo đó, phương án một là quy định bảng lương riêng cho nhà giáo bảo đảm tương xứng với đặc thù nghề nghiệp và phương án 2 là quy định phụ cấp nghề giáo viên là cao nhất để bảo đảm nhà giáo là nghề có thu nhập cao tương xứng với vị trí, vai trò của nhà giáo và đặc thù nghề giáo.

Cho ý kiến về vấn đề này, ông Hà Ngọc Chiến, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội, cho rằng, nếu quy định là “ưu tiên sắp xếp thang, bậc lương phù hợp” thì chẳng có gì là “ưu tiên” cả và đề nghị sửa lại là “nhà giáo được sắp xếp thang bảng lương ưu tiên” để đúng tinh thần các nghị quyết của T.Ư.

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng đồng tình cho rằng, giáo viên phải có mức lương ưu tiên, ưu đãi hơn để thể hiện sự tôn sư trọng đạo của Việt Nam và cũng để Việt Nam có nền giáo dục tiên tiến hơn. “Tuy nhiên, mức ưu tiên thế nào phải tùy thuộc vào khả năng của ngân sách”, ông Tỵ nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định thì nêu quan điểm, cả 2 phương án của Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng đưa ra đều không nên vì phương án có bảng lương riêng là trái Nghị quyết 27 của T.Ư, còn phương án phụ cấp cao nhất cũng không nên vì sẽ còn nhiều ngành nghề đặc thù không kém ngành giáo dục.

Từ đó, ông Định cho rằng, vấn đề tiền lương hiện nay đang được nghiên cứu để sửa đổi theo nghị quyết của T.Ư. Do đó, phương án mà Chính phủ nêu ra là ưu tiên sắp xếp thang, bậc lương phù hợp với yêu cầu nghề nghiệp theo quy định của Chính phủ là phù hợp.

Giải trình thêm, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, do hiện nay đã có Nghị quyết 27 về cải cách lương rồi nên không thể làm khác được. Tuy nhiên, một trong những điểm cần tập trung tháo gỡ hiện nay là mức lương khởi điểm của giáo viên vì mức này ở khu vực đô thị rất thấp, không đáp ứng được cuộc sống của giáo viên mới ra trường.

“Sắp tới, Bộ Nội vụ trong quá trình triển khai Nghị quyết 27 sẽ có phương án hài hòa trong quy định về phụ cấp cho giáo viên để giải quyết câu chuyện này”, ông Đam nói.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, không nên quy định bảng lương riêng cho nhà giáo vì Nghị quyết 27 của T.Ư vừa ban hành quy định chỉ có 3 bảng lương, giờ sửa luật lại đưa thêm 1 bảng lương nữa thì sẽ trái nghị quyết.

“Tuy nhiên, chế độ tiền lương cho nhà giáo phải có ưu đãi để thu hút người giỏi. Trong quá trình xây dựng bảng lương viên chức chúng ta sẽ tính tới ưu đãi cho nhà giáo chứ không nên xây dựng bảng lương riêng, cũng không nên xây dựng định mức phụ cấp cao nhất ở đây”, bà Ngân khẳng định.

Nguồn: Thanh niên

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây