Hai nữ chiến sĩ Việt Nam dẫn giải tù binh Trung Quốc ở Cao Bằng ngày 25/2/1979. Nguồn ảnh: Sovfoto.
Túc Dụ, Thứ trưởng Quốc phòng Trung Quốc từng huênh hoang rằng chỉ cần dùng một phần lực lượng của các quân khu Quảng Châu và Côn Minh là đủ để đánh chiếm Hà Nội trong 1 tuần.
Là hai quốc gia láng giềng, “núi liền núi, sông liền sông”- như lời một bài hát, song lịch sử bang giao Việt Nam- Trung Quốc có nhiều khúc quanh co, gập ghềnh.
Từ sau khi Ngô Quyền với chiến thắng Bạch Đằng chấm dứt ngót 1.000 năm “Bắc thuộc”, giành lại nền độc lập cho nước nhà thì các triều đại phong kiến Trung Quốc đã nhiều lần cất quân xâm lược Việt Nam. Tuy nhiên, các cuộc chiến tranh xâm lược đó trước sau đều bị quân dân Việt Nam đánh bại.
Những năm 60 của thế kỷ trước, thất bại trong việc lôi kéo Việt Nam chống Liên Xô và hành động theo ý mình trong đánh Mỹ, Trung Quốc đã trở mặt bắt tay với Mỹ chống phá Việt Nam. Khi nhân dân Việt Nam giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thì sự chống phá của Trung Quốc với Việt Nam càng trở nên rõ ràng.
Ngoài việc cắt đứt viện trợ, ngăn cản thông thương, tạo ra vụ “nạn kiều” nhằm phá hoại sự ổn định kinh tế – xã hội Việt Nam thì Trung Quốc còn dung dưỡng cho Khmer Đỏ chống phá Việt Nam từ phía Tây Nam, tạo nên một gọng kìm hòng “bóp chết” Việt Nam.
Bất chấp sự chống phá đó, nhân dân Việt Nam vẫn kiên trì con đường độc lập của mình. Không chỉ vậy, bằng đòn phản công vũ bão, chỉ trong vòng 1 tuần lễ, quân đội Việt Nam cùng với lực lượng của Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia đã đánh tan hàng chục sư đoàn chủ lực Khmer Đỏ, giải phóng thủ đô Phnom Pênh, cứu nhân dân Campuchia khỏi họa diệt chủng.
Vốn đã sẵn âm mưu tiến công Việt Nam, trong tình thế ấy, để cứu nguy cho Khmer Đỏ, nhà cầm quyền Trung Quốc đã phát động cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam trên toàn tuyến biên giới vào ngày 17/2/1979 với cái cớ hết sức nực cười là “phản công tự vệ”.
Để thực hiện mục đích đó, tư tưởng chỉ đạo được nhà cầm quyền Trung Quốc đặt ra cho cuộc chiến tranh là “đánh nhanh, thắng nhanh”, “đốt sạch, phá sạch” với sự tham gia của hai Đại quân khu Quảng Tây và Côn Minh quân số tổng cộng lên đến 600.000 người cùng hàng nghìn phương tiện chiến tranh.
Binh pháp truyền thống của quân đội Trung Quốc đã được nhấn mạnh đó là việc dùng hai đội quân nhằm “Tập trung biển người để bao vây đối phương từ hai bên sườn nhằm tiêu diệt từng bộ phận đối phương bằng những trận đánh hủy diệt theo phương thức đánh nhanh rút gọn”.
Nguyên tắc chủ đạo khi giao chiến là “ngưu đao sát kê” (dùng dao mổ trâu để giết gà) gồm ba điểm: tập trung tấn công vào vị trí quan trọng nhưng không phải điểm mạnh của đối phương; sử dụng lực lượng và hỏa lực áp đảo (tiền pháo hậu xung) để đập tan hàng phòng ngự của đối phương tại những những điểm mấu chốt; các đơn vị xung kích phải hết sức nhanh chóng thọc sâu và tấn công trọng địa của phía bên kia.
Ảo tưởng vào sự áp đảo về binh lực, cuối tháng 12/1978, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc Túc Dụ báo cáo tại Kì họp thứ ba của Đảng Cộng sản Trung Quốc rằng chỉ cần dùng một phần lực lượng của các quân khu Quảng Châu và Côn Minh là đủ để đánh chiếm Hà Nội trong vòng 1 tuần.
Quả thật, nếu so sánh về tương quan lực lượng hai bên vào thời điểm Trung Quốc phát động chiến tranh- ngày 17/2/1979, nhiều người Trung Quốc cũng đã ảo tưởng như thế.
Trung Quốc đã huy động 9 quân đoàn chủ lực và một số sư đoàn bộ binh độc lập (tổng cộng 32 sư đoàn), 6 trung đoàn xe tăng, 4 sư đoàn và nhiều trung đoàn pháo binh, phòng không. Lực lượng được huy động khoảng trên 60 vạn binh sĩ, 550 xe tăng, 480 khẩu pháo, 1.260 súng cối và dàn hỏa tiễn, chưa kể hơn 200 tàu chiến của hạm đội Nam Hải và 948 máy bay sẵn sàng phía sau.
Ngoài lực lượng quân chính quy, Trung Quốc còn huy động hàng chục vạn dân công và lực lượng dân binh ở các tỉnh biên giới để tải đồ tiếp tế, phục vụ, tải thương, hỗ trợ quân chính quy phục vụ cho chiến dịch. Chỉ riêng tại Quảng Tây đã có đến 215.000 dân công được huy động.
Còn về phía Việt Nam, do phần lớn các quân đoàn chính quy đang chiến đấu ở Campuchia nên phòng thủ ở biên giới với Trung Quốc chỉ có một số sư đoàn chủ lực của Quân khu I và II cùng các đơn vị bộ đội địa phương tỉnh, huyện, công an vũ trang (biên phòng) và dân quân tự vệ.
Lực lượng tinh nhuệ nhất của phía Việt Nam đóng ở biên giới Việt-Trung là Sư đoàn 3 (đóng tại Lạng Sơn) và sư đoàn 316A (đóng tại Sa Pa). Ngoài ra còn có các sư đoàn 346 ở Cao Bằng, 325B ở Quảng Ninh, 345 ở Lào Cai, 326 ở Phong Thổ, Lai Châu và các trung đoàn độc lập 141, 147, 148, 197, trung đoàn pháo binh 68, các trung đoàn quân địa phương 95, 121, 192, 254 và 741.
Toàn bộ lực lượng phía Việt Nam tham gia phòng thủ biên giới lúc đó có khoảng 70.000 quân, sau được hai sư đoàn (327 và 337) từ tuyến sau lên Lạng Sơn tiếp viện. Riêng Quân đoàn 1 vẫn đóng quanh Hà Nội đề phòng Trung Quốc tiến sâu vào trung tâm.
5 giờ sáng ngày 17 tháng 2 năm 1979, sau một trận pháo kích dữ dội vào trận địa phòng ngự của phía Việt Nam, hơn 120.000 quân lính và xe tăng, thiết giáp Trung Quốc bắt đầu tiến vào lãnh thổ Việt Nam trên toàn tuyến biên giới.
Cánh phía đông có sở chỉ huy tiền phương đặt tại Nam Ninh với mục tiêu chính là Lạng Sơn. Có hai hướng tiến song song, hướng thứ nhất do quân đoàn 42A dẫn đầu từ Long Châu đánh vào Đồng Đăng nhằm làm bàn đạp đánh Lạng Sơn; hướng thứ hai do quân đoàn 41A dẫn đầu từ Tĩnh Tây và Long Châu tiến vào Cao Bằng và Đông Khê. Ngoài ra còn có quân đoàn 55A tiến từ Phòng Thành vào Móng Cái.
Cánh phía tây có sở chỉ huy tiền phương đặt tại Mông Tự, có 3 hướng tiến công chính. Hướng thứ nhất do các quân đoàn 13A và 11A dẫn đầu đánh vào thị xã Lào Cai. Hướng thứ hai từ Văn Sơn đánh vào Hà Giang. Hướng thứ 3 do sư đoàn 42D của quân đoàn 14A dẫn đầu đánh từ Kim Bình vào Lai Châu.
Tổng cộng quân Trung Quốc xâm nhập Việt Nam trên 26 điểm trải dài trên toàn tuyến biên giới.
Trong ngày đầu của cuộc chiến, với sự áp đảo về binh lực, chiến thuật biển lửa và biển người của Trung Quốc tỏ ra có kết quả. Quân Trung Quốc tiến được vào sâu trong lãnh thổ Việt Nam trên dưới 10 km và chiếm được một số thị trấn. Chiến sự ác liệt nhất diễn ra tại các vùng Bát Xát, Mường Khương ở tây bắc và Đồng Đăng, cửa khẩu Hữu Nghị, Thông Nông ở đông bắc.
Tuy nhiên, trước sự kháng cự ngoan cường và sự mưu trí sáng tạo của các lực lượng phòng ngự phía Việt Nam, đà tiến công của quân Trung Quốc nhanh chóng bị khựng lại. Quân Trung Quốc hầu như không thể sử dụng lực lượng ở mức sư đoàn mà phải dùng đội hình nhỏ và thay đổi chiến thuật.
Ảnh: Sputnik
Trên toàn mặt trận, chiến sự diễn ra ngày càng khốc liệt, trong đó ác liệt nhất phải kể đến là trận chiến tại Đồng Đăng- thị trấn nằm sát biên giới Việt- Trung trên hướng Lạng Sơn. Đây là trận địa phòng thủ của Trung đoàn 12 Tây Sơn, Sư đoàn 3 Sao Vàng. Lực lượng Trung Quốc tiến công vào Đồng Đăng là 2 sư đoàn bộ binh, 1 trung đoàn xe tăng, và chi viện của 6 trung đoàn pháo binh Trung Quốc.
Mặc dù bị cô lập, không được chi viện nhưng lực lượng phòng thủ tại đây đã kiên cường chiến đấu đến những người cuối cùng, trụ được cho đến ngày 23.2. Ngày cuối cùng tại Pháo đài Đồng Đăng, nơi có hệ thống phòng thủ kiên cố nhất, quân Trung Quốc đã dùng bộc phá đánh sập cửa chính, dùng súng phun lửa, thả lựu đạn, bắn đạn hóa học vào các lỗ thông hơi làm thiệt mạng hầu hết thương binh cũng như dân quanh vùng đến đây lánh nạn.
Đổi lại, trong trận Đồng Đăng, phía Trung Quốc đã thương vong hơn 2.000 binh lính (trong đó 531 chết). Chiếm được Đồng Đăng, quân Trung Quốc tập trung lực lượng chuẩn bị tiến công Lạng Sơn, một trong những mục tiêu chủ yếu của cuộc chiến mà nếu chiếm được thì bọn chúng sẽ rộng đường tiến về Hà Nội với khoảng cách chỉ 135 km.
Để tăng cường khả năng chiến đấu phòng thủ và chuẩn bị phản công, ngày 25 tháng 2, Bộ chỉ huy tối cao phía Việt Nam quyết định thành lập Quân đoàn 14 thuộc Quân khu 1 và Bộ chỉ huy thống nhất Lạng Sơn do Thiếu tướng Hoàng Đan làm tư lệnh với lực lượng bao gồm các Sư đoàn 3, 327, 338, 337 (đang từ Quân khu 4 ra) cùng các đơn vị trực thuộc khác.
Những ngày tiếp theo, chiến sự vẫn tiếp diễn khốc liệt trên toàn tuyến biên giới nhưng tập trung là ở hướng Lạng Sơn. Trung Quốc đã điều tới đây thêm 2 sư đoàn từ Đồng Đăng và Lộc Bình (phía đông nam Lạng Sơn) đồng thời tiếp tục đưa thêm quân mới từ hậu phương thâm nhập Việt Nam để tăng viện
Trận đánh chiếm thị xã Lạng Sơn bắt đầu lúc 6 giờ sáng ngày 27.2. Các Sư đoàn 3, 337, của Việt Nam đã tổ chức phòng thủ chặt chẽ và phản ứng mãnh liệt trước các đợt tấn công lớn của quân Trung Quốc. Các trận đánh đẫm máu xảy ra tại khu vực cầu Khánh Khê, Cốc Chủ, Quán Hồ, các điểm cao 800, 477, 417…
Sau gần 1 tuần giành giật các điểm cao quanh Lạng Sơn, ngày 2/3 quân Trung Quốc bắt đầu bao vây thị xã Lạng Sơn và sử dụng 6 sư đoàn tấn công đồng loạt trên nhiều hướng. Chiều ngày 4/3, một cánh quân Trung Quốc đã vượt sông Kỳ Cùng, chiếm điểm cao 340 và vào tới thị xã Lạng Sơn, một cánh quân khác của sư đoàn 128 Trung Quốc cũng chiếm sân bay Mai Pha, điểm cao 391 ở phía tây nam thị xã.
Phía Việt Nam đã điều động các sư đoàn chủ lực có xe tăng, pháo binh, không quân hỗ trợ áp sát mặt trận, chuẩn bị phản công giải phóng các khu vực bị chiếm đóng. Quân đoàn 14 với các sư đoàn 337, 327, 338 hầu như còn nguyên vẹn đang bố trí quanh thị xã Lạng Sơn. Quân đoàn 2 đang làm nhiệm vụ tại Campuchia cũng được lệnh cơ động gấp toàn bộ lực lượng về nước, tập kết phía sau Quân đoàn 14.
Ngày 5/3/1979, Nhà nước Việt Nam ra lệnh tổng động viên toàn quốc chống xâm lược. Lo ngại trước sức phản công mãnh liệt của Việt Nam, trưa cùng ngày, Trung Quốc tuyên bố bắt đầu rút quân.
Như vậy là, quân Trung Quốc đã bị cầm chân suốt 16 ngày ở thị xã Lạng Sơn, một thị xã chỉ cách biên giới 15 km và còn cách xa Hà Nội tới 135 km. Trung bình mỗi ngày quân Trung Quốc chỉ tiến được 0,9 km và chúng đã mất 16 ngày chỉ để tiến được 1/10 quãng đường tới Hà Nội.
Và chuyện ảo tưởng “chiếm Hà Nội trong 1 tuần” chỉ là giấc mơ ngông cuồng của những kẻ xâm lược.
Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt
Nguồn: Soha