Trang chủ Tin tức Ký ức Vị Xuyên và nghĩa tình đồng đội

Ký ức Vị Xuyên và nghĩa tình đồng đội

172
0

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc, Hà Giang là một trong những chiến trường trọng điểm. Đặc biệt, từ năm 1984 đến năm 1989, cuộc chiến đấu diễn ra hết sức ác liệt ở phía Bắc huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang.

Tại mặt trận này đã có hàng chục Sư đoàn của các Quân đoàn, Quân khu tham gia chiến đấu, trên từng chiến hào, từng điểm cao để bảo vệ vững chắc mảnh đất thiêng liêng nơi biên cương Tổ quốc.

Sư đoàn 356 – đơn vị mà cựu chiến binh Nguyễn Văn Kim (hiện ở phường Minh Tân, thành phố Yên Bái) từng tham gia chiến đấu là một trong những đơn vị chịu tổn thất nặng nề nhất ở mặt trận này.

Ký ức Vị Xuyên và nghĩa tình đồng độiCựu chiến binh Nguyễn Văn Kim (bên phải) đang kể lại những ký ức hào hùng về Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Ảnh: TTXVN phát

Được sự giúp đỡ của Hội Cựu chiến binh tỉnh Yên Bái, chúng tôi đã cùng Trưởng ban Tuyên giáo (Hội Cựu chiến binh tỉnh Yên Bái) Lại Văn Tấn và Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố Yên Bái Vũ Hữu Bàng đến thăm gia đình anh Nguyễn Văn Kim tại phường Minh Tân, thành phố Yên Bái, trong một ngày đầu năm mới.

Bên chén trà đầu xuân, chúng tôi đã có một buổi sáng trò chuyện rất ý nghĩa về ký ức hào hùng trong cuộc chiến đấu, cũng như nghĩa tình đồng đội trong thời bình, qua lời kể của cựu chiến binh Nguyễn Văn Kim.

Những trận đánh ác liệt

Anh Nguyễn Văn Kim quê ở xã Trường Thịnh, huyện Ứng Hòa, Hà Nội, nhưng lại sinh ra và lớn lên tại Lào Cai. Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, tháng 3/1984, khi mới 18 tuổi, chàng thanh niên Nguyễn Văn Kim lên đường nhập ngũ, sau đó được vào biên chế của Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 876 thuộc Sư đoàn 356 đóng tại xã Xuân Giao, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai.

Đầu tháng 5/1984, Sư đoàn 356 được tăng cường lên chiến đấu tại mặt trận Vị Xuyên. Tại đây, anh Kim được phân công nhiệm vụ làm chiến sĩ truyền đạt kiêm bảo vệ chỉ huy tiểu đoàn. Trong cuộc chiến tại mặt trận Vị Xuyên, đơn vị của anh là một trong những đơn vị chịu tổn thất nặng nề nhất.

Anh Kim bồi hồi xúc động kể về trận đánh chiếm lại Đ3, điểm cao 772 Bắc Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên. “Vào tối 10/7/1984, đơn vị của chúng tôi hành quân từ làng Pinh đến chiếm lĩnh trận địa chân điểm cao 772. Chuyến hành quân vô cùng khó khăn và vất vả, cả đội hình đi mò trong đêm tối không có đèn, mang vác đủ cơ số đạn và các hàng hóa, quân tư trang bảo đảm khác, thi thoảng pháo binh địch lại bắn từng loạt dài vào các mục tiêu đã định vị sẵn. Trời vẫn mưa không ngớt cho dù được trang bị áo mưa, tăng võng, nhưng chúng tôi ai cũng ướt hết. Trong đội hình hành quân dù thèm thuốc lá nhưng không ai dám hút, cũng không nói chuyện, đề phòng thám báo địch phát hiện. Gần 5 giờ ngày 11/7, chúng tôi vào đến chân điểm cao 772. Trời sương mù và mưa vẫn dày đặc, đứng cách nhau có vài mét mà không nhìn thấy gì cả. Chúng tôi tranh thủ đào mỗi người một cái hầm, dùng tăng, áo mưa che tạm và chui vào đó chờ đợi…”.

Đến ngày 12/7/1984, đơn vị của các anh tổ chức tiến công đỉnh Đ3 hay còn gọi là “đồi thịt băm”. Trong trận đánh ác liệt này, gần 600 cán bộ, chiến sỹ của Trung đoàn 876 hy sinh anh dũng. Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3 Nguyễn Hữu Thanh (quê huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) bị trúng đạn địch nên hy sinh cách anh Kim chỉ 15 mét…

Trận đánh chiếm lại đồi E2 và E5, điểm cao 685 vào ngày 11/3/1985 cũng khiến đơn vị của các anh tổn thất nặng nề. Khi đó, anh Kim nằm trong đội hình chiến đấu gồm 22 cán bộ, chiến sỹ do anh Phạm Khắc Mã, Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 3 chỉ huy. Trận đánh này diễn ra rất ác liệt.

Anh Kim kể lại: “Chúng tôi vừa xuất hiện ở hang Suối Cụt thì bị địch phát hiện, chúng dội pháo cấp tập xuống hang Suối Cụt, đất đá bay bụi mù. Theo phản xạ tự nhiên, tôi bật người lăn từ hang trên xuống hang dưới, người đau ê ẩm, bẹp cả bình tông đựng nước, rất may người không việc gì, nhưng 8 đồng đội của tôi người thì hy sinh, người thì bị thương”.

Đến đêm 11/3, anh Kim, anh Mã, và anh Bùi Minh Đệ (Tham mưu trưởng Trung đoàn 876) cùng một chiến sỹ thông tin và ba trinh sát lên khu vực E2 và E5 nắm tình hình địch; đội hình do anh Bùi Minh Đệ chỉ huy. Đến nơi thì trời sáng, các chiến sỹ không thể về được bởi địa hình cơ động lộ rất rõ về hướng địch, chỉ một tiếng động nhỏ là địch sẽ nã pháo, đạn ngay lập tức. Các anh phải nằm tại đây đến tận đêm 16, rạng ngày 17/3/1985. Trong khi đó, do lương khô và nước các anh mang theo cũng đã cạn, anh Bùi Minh Đệ ra lệnh tấn công mở đường máu rút xuống để không bị chết đói, chết khát…

Nghĩa tình đồng đội trong thời bình

May mắn trở về lành lặn sau cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, tháng 11/1987, anh Kim được xuất ngũ và tới năm 1998 anh xây dựng gia đình riêng. Hiện nay, anh đang ở cùng vợ và 2 con tại phường Minh Tân, thành phố Yên Bái. Mặc dù, chiến tranh đã lùi xa 40 năm nhưng nghĩa tình đồng đội trong những năm tháng chiến đấu sống chết bên nhau luôn thôi thúc anh Kim tham gia nhiều việc làm cụ thể để kết nối, giúp đỡ những đồng đội còn sống và tri ân những đồng đội đã hy sinh.

Sau khi cuộc sống gia đình đã tạm thời ổn định, ước nguyện đầu tiên của anh Kim là quay trở lại chiến trường xưa để tìm hài cốt của các đồng đội. Đặc biệt, theo anh Kim, vị trí mà người thủ trưởng của anh là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3 Nguyễn Hữu Thanh đã hy sinh, anh chính là người nhớ rõ nhất.

Sau nhiều lần trở lại tìm kiếm và được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, anh cùng một số đồng đội và chị Lưu Thị Lan (vợ Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3 Nguyễn Hữu Thanh) đã tìm kiếm được hài cốt của anh Thanh và đưa về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ Ba Dốc, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ngoài việc tìm kiếm được hài cốt của liệt sỹ Nguyễn Hữu Thanh, anh Kim và một số đồng đội còn lặn lội nhiều lần về lại chiến trường xưa để tìm được hài cốt của liệt sỹ Đình Văn Chung (quê ở Phú Diễn, Hà Nội) và đưa về an táng tại Nghĩa trang liệt sỹ thành phố Hà Nội.

Ký ức Vị Xuyên và nghĩa tình đồng độiAnh Nguyễn Văn Kim và đồng đội đưa hài cốt liệt sỹ Đình Văn Chung từ cao điểm 900 về Trung tâm xã Thanh Thủy (Hà Giang). Ảnh: TTXVN phát

Dù biết việc tìm kiếm hài cốt của các đồng đội gặp rất nhiều khó khăn, nhưng anh Kim vẫn khẳng định: “Nếu có điều kiện và được hỗ trợ của các cấp chính quyền, chúng tôi sẽ tiếp tục công việc tìm kiếm hài cốt của các đồng đội đã hy sinh để đưa họ về với quê hương, gia đình”.

Nhằm tưởng nhớ các đồng đội đã hy sinh anh dũng trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, anh Kim và một số đồng đội còn lên ý tưởng và thực hiện ước nguyện xây dựng một “Đài hương tưởng niệm” tại điểm cao 468 và “Nhà tưởng niệm, tri ân các anh hùng liệt sỹ mặt trận Vị Xuyên 1979-1989”. Sau nhiều nỗ lực, nhóm cựu chiến binh Sư đoàn 356 Yên Bái, Hà Giang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội… của các anh đã đại diện cho Cựu chiến binh Sư đoàn 356 trên cả nước xung kích  thực hiện, để đến ngày 23/11/2013 hoàn thành Đài hương tưởng niệm tại điểm cao 468. Tháng 1/2017, sau khi được tôn tạo, nâng cấp, Đài hương được bàn giao lại cho xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, quản lý, trông nom.

Bên cạnh việc tri ân với các đồng đội đã hy sinh, anh Kim cũng là một trong những cựu chiến binh đã nỗ lực kết nối và giúp đỡ các đồng đội của mình trong cuộc sống thời bình. Anh Kim hiện là Phó Ban thường trực Ban liên lạc Cựu chiến binh Sư đoàn 356 Yên Bái. Trong đợt lũ ống xảy ra vào đầu tháng 8/2017 tại huyện Mù Cang Chải (Yên Bái), nhà cửa và tài sản của gia đình cựu chiến binh Phạm Xuân Thanh bị cuốn sạch.

Ký ức Vị Xuyên và nghĩa tình đồng độiCựu chiến binh Nguyễn Văn Kim (ngoài cùng, bên phải) cùng các đồng đội về dự lễ khánh thành Đài hương 468. Ảnh: TTXVN phát

Anh Kim cùng các cựu chiến binh của “Câu lạc bộ Hà Giang một thời để nhớ” đứng lên kêu gọi đồng đội và các tấm lòng hảo tâm quyên góp được hơn 100 triệu đồng để giúp đỡ gia đình cựu chiến binh Phạm Xuân Thành xây dựng lại nhà cửa, ổn định cuộc sống. Anh Nguyễn Văn Kim cũng đã cùng anh Trung – Phó Ban liên lạc Sư đoàn 356 đứng lên kêu gọi quyên góp để giúp chị Thu là vợ liệt sỹ Nguyễn Văn Thành (ở xã Đại Phác, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) có kinh phí xây dựng một ngôi nhà mới để ở…

Trận đánh đồi Đ3 vào ngày 12/7/1984 khiến gần 600 cán bộ, chiến sỹ của Trung đoàn 876 hy sinh là một trong những ký ức không thể nào quên đối với anh Kim và các đồng đội may mắn trở về sau cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Ngày 12/7 đã trở thành ngày “Giỗ trận” của Sư đoàn 356. Gần như năm nào vào dịp 12/7, anh Kim cũng đưa vợ con  lên thăm lại chiến trường xưa, thắp nén hương tưởng nhớ các đồng đội đã hy sinh.

Những việc làm ý nghĩa của cựu chiến binh Nguyễn Văn Kim đã góp phần tô thắm vẻ đẹp về tình đồng đội của những người lính đã từng cùng nhau vào sinh ra tử trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc.

Nguồn: Báo Tin tức

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây