Chiều 09/02/2019, nhóm lái xe phản đối các trạm BOT giao thông (do Trương Châu Hữu Danh, Ngô Phương, Huỳnh Bửu Long đứng đầu) đã từ chối trả tiền cho trạm Bến Thủy 2 ở Nghệ An, và to tiếng, bất hợp tác với lực lượng công an chặn xe họ để xử lý. Cuối ngày, vụ việc phát triển thành một cuộc xô xát với các lực lượng địa phương, gây thương tích nhẹ cho 2 người ủng hộ nhóm lái xe. Hiện nay, dư luận phi chính thống đang đưa một số thông tin không chính xác hoặc không đầy đủ về vụ việc, để cổ vũ nhóm lái xe, đồng thời công kích lực lượng công an và Nhà nước.
Qua tìm hiểu, được biết từ năm 2017, nhóm lái xe vừa nêu đã sử dụng nhiều tiểu xảo để phản đối các hiện tượng tiêu cực trong việc thu phí giao thông theo mô hình BOT. Chẳng hạn, họ từ chối trả tiền cho trạm, hoặc trả tiền lẻ rồi đòi trạm trả 100 đồng tiền thừa; nhằm gây ách tắc giao thông, buộc trạm phải cho xe đi qua mà không thu phí. Thái Văn Đường, thành viên Hội Anh em Dân chủ và cộng tác với Việt tân từ lâu, từng cung cấp cho họ các cọc tiền lẻ để thực hiện hoạt động phản đối vừa nêu.
Đầu tháng 02/2019, nhân dịp một số trạm BOT phải ngừng thu phí, Trương Châu Hữu Danh tuyên bố rằng phong trào “đánh BOT” đang toàn thắng trên cả nước. Danh phát động một cuộc tuần hành bằng xe hơi xuyên Việt kéo dài 10 ngày, và kêu gọi giới lái xe trên cả nước tham gia. Một số xe tham gia cuộc tuần hành có căng biểu ngữ phản đối các vụ thành viên trong nhóm bị đánh, bị gây khó dễ; và đoàn tuần hành sẽ không trả phí cho những trạm BOT mà họ coi là bất hợp lý. Người phụ trách truyền thông của cuộc tuần hành này là Lê Dũng Vova, thành viên nhóm chống đối mang tên “Chấn hưng TV”.
Ngày 09/02, đoàn tuần hành gồm 10 người, đi trên 3 xe đã xuất phát ở Quảng Bình, dự định đến trạm BOT Thăng Long – Nội Bài ở Hà Nội vào cuối ngày. Khi đi qua trạm thu phí Bến Thủy 2 (đặt tại huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) vào lúc 15h, họ thấy nhân viên thu phí không ở trong trạm, vì nhân nghe nói đoàn xe này không trả phí cho các trạm BOT. Hai xe trong đoàn gọi nhân viên lại để trả phí, vì họ cho rằng trạm này thu phí một cách hợp lý. Ngược lại, những người trên xe BKS 47A-130.89 kêu hết tiền, đòi thanh toán bằng thẻ hoặc bằng giấy ghi nợ, trong khi trạm Bến Thủy 2 chưa cho phép thanh toán bằng 2 hình thức trên. Để tránh gây ách tắc giao thông, nhân viên trạm phải cho họ đi qua mà không thu phí. Clip tự quay của những người trong xe đã ghi lại cảnh này, cùng cảnh họ cười to, chửi nhân viên thu phí là “láo” khi lái xe vượt qua trạm.
Khoảng 17h30′, sau khi nhận tố giác của trạm Bến Thủy 2, lực lượng CSGT huyện Nghi Lộc đã chặn đoàn xe để mời họ về trụ sở làm việc. Nhóm lái xe nói rằng CSGT không có quyền tạt ngang đầu xe để chặn họ, rằng họ không đâm vào barrier và cọc tiêu phản quang như thông tin trạm Bến Thủy 2 đưa ra, và rằng trạm này cần trích xuất camera để khởi kiện, đòi bồi thường thiệt hại. Viện 3 lý do đó, nhóm lái xe từ chối chấp hành, đồng thời to tiếng mạt sát cảnh sát suốt vài giờ, trong khi phía cảnh sát giữ thái độ đúng mực. Tầm buổi tối, sau khi được bổ sung lực lượng từ Trạm CSGT Diễn Châu và Công an tỉnh Nghệ An, cảnh sát đưa nhóm lái xe về trụ sở Công an huyện Hưng Nguyên để điều tra.
Nhóm lái xe quay Livestream mọi diễn biến từ lúc 15h cho đến thời điểm này, để phục vụ việc tuyên truyền và gọi người đến “ứng cứu”.
Khoảng 22h, khi ra khỏi trụ sở Công an huyện, nhóm lái xe có tranh cãi, xô xát với một nhóm người mặc thường phục, mà các lái xe gọi là “côn đồ”. Trương Châu Hữu Danh tường thuật rằng nhóm thường phục đã dọa đốt xe, đập vỡ cửa kính một xe, đồng thời “đánh bầm dập” một cặp vợ chồng ủng hộ họ tên Hóa và Loan, khi hai người này đến hiện trường để “đưa chai nước”. Danh viết rằng họ bị đánh do Loan mặc áo có logo hình tròn, khiến nhóm thường phục “tưởng họ là thành viên” của nhóm lái xe. Tuy nhiên, vì Võ Hồng Ly cho biết Loan bị đánh khi đang quay Livestream, có thể xô xát xảy ra do va chạm cá nhân giữa Loan và những người mặc thường phục.
Sau đó, Hóa và Loan bị giữ trong đồn công an đến 07h45′ sáng 10/02.
Từ thời điểm cuộc xô xát diễn ra, nhóm lái xe và các tổ chức, cá nhân chống đối liên tục khai thác vụ việc để tuyên truyền rằng công an đang “nghe lệnh trạm BOT”, “hợp tác với côn đồ” để “hành hung các nhà hoạt động”. Để làm điều đó, họ đưa ra 4 thông điệp sau:
Thứ nhất, họ khai thác thương tích của Hóa và Loan. Phạm Đoan Trang nói Hóa bị đánh “đến chảy máu đầu, gãy răng, gãy xương sườn, phải đưa đi cấp cứu”. Tuy nhiên, khi Hóa và Loan được thả vao sáng hôm sau, Võ Hồng Ly đưa tin rằng Hóa chỉ “bị nội thương phần mềm, bị chấn thương ở vùng xương chậu và chảy máu mũi”, còn Loan bị “bầm dập”. Ngoài ra, Loan cũng nói rằng mình bị đánh khi ở trong đồn công an.
Thứ hai, Huỳnh Bửu Long và nhiều tổ chức, cá nhân chống đối đưa tin rằng đoàn xe đã trả tiền cho trạm, chứ không cố tình câu giờ và lái xe qua barrier mà không trả tiền. Tuyên bố này mâu thuẫn với clip do chính họ quay lúc 15h, và với một post của Ngô Phương, trong đó Phương nói rằng chỉ có 2 xe trong đoàn trả phí.
Thứ ba, họ viết rằng chuyện trả phí cho trạm BOT là “một giao dịch dân sự bình thường”, CSGT không có quyền can thiệp bằng cách chặn xe, mời về đồn làm việc.
Thứ tư, họ đồng loạt đăng lại một bài viết trên báo Lao Động năm 2017, theo đó ông Lê Ngọc Hoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, đã từng làm Giám đốc và đang là cổ đông của công ty CIENCO 4, tức chủ đầu tư của trạm thu phí Bến Thủy 1.
Đến 6h sáng ngày 11/02, fanpage “Bạn hữu Đường xa” vẫn chưa có bài viết về vụ việc này. Vì vậy, có thể các thành viên group “Bạn hữu Đường xa” không thống nhất quan điểm về vụ việc và về nhóm cực đoan của Trương Châu Hữu Danh.
Sau khi xem xét vấn đề, chúng tôi xin đưa ra 3 nhận xét.
Thứ nhất, nếu xâu chuỗi toàn bộ quá trình hoạt động của nhóm Trương Châu Hữu Danh trong 2 năm nay, thay vì chỉ nhìn từng sự kiện đơn lẻ, độc giả sẽ thấy họ không đơn thuần nhắm đến vấn đề BOT giao thông. Họ chỉ đang tận dụng vấn đề này để tuyên truyền và tập hợp lực lượng bất mãn. Vì vậy, khi theo dõi vụ việc này, độc giả cần giữ cả cái nhìn chi tiết lẫn cái nhìn toàn cảnh, để hiểu rõ lý do hành động của các bên liên quan.
Thứ hai, sau khi nhận tố giác, cảnh sát giao thông có quyền dừng xe người đi đường để kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật. Việc này được quy định tại Điều 12 “Thông tư 01/2016/TT-BCA, quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông”. Vì vậy, nhóm lái xe có trách nhiệm hợp tác khi cảnh sát chặn họ để xử phạt hành chính, thay vì chống lệnh và nói rằng đây chỉ là tranh chấp dân sự giữ họ và trạm Bến Thủy 2.
Thứ ba, đây là một vụ việc phức tạp, mà nhiều bên liên quan có lỗi sai. Vì nhóm tài xế đã chỉ ra khuyết điểm của nhiều trạm thu phí giao thông theo mô hình BOT, và trong cách hành xử của những người mặc thường phục có xô xát với họ, chúng tôi xin tập trung vào các khuyết điểm của nhóm tài xế và dư luận “lề trái”. Không thể phủ nhận rằng họ đã làm sai trên 5 điểm:
Một: Chủ động không trả tiền qua trạm để gây ách tắc giao giao thông, nhằm gây sức ép phản đối việc thu phí theo mô hình BOT.
Hai: To tiếng xúc phạm nhân viên thu phí và cảnh sát giao thông trong suốt nhiều giờ đồng hồ, trong khi những lực lượng này hành xử đúng mực.
Ba: Nói dối trên truyền thông rằng cả họ đã trả tiền cho trạm thu phí.
Bốn: Phóng đại thương tích của Hóa và Loan, nhằm kích động dư luận.
Gần đây, nhóm Trương Châu Hữu Danh thường tự xưng là giang hồ, và được các fan gọi là “anh hùng đánh BOT”. Một số fan còn ví nhóm này với những anh hùng dân tộc như Nguyễn Trãi, Lê Lợi. Có thể điều này khiến họ ảo tưởng sức mạnh, tưởng các trạm thu phí trên cả nước đều nể sợ mình, tới mức họ thản nhiên chửi nhân viên thu phí là “láo” khi lái xe qua. Đi đêm lắm có ngày gặp ma, không đáng ngạc nhiên khi họ bị giang hồ thật ở địa phương trả đũa.
Khi các “anh hùng” chạy đến đồn công an để xin được bảo vệ, ta thấy họ sống được trong trật tự của pháp luật chứ không sống được trong trật tự của giang hồ. Hy vọng họ nhớ điều này mỗi lần giở trò “bất tuân dân sự” để chống pháp luật Việt Nam, hoặc hô hào tẩy chay những hệ thống mà chính họ cần như công an và báo chí.
(Ảnh 02)
Nguồn: Loa Phường