Trong mấy ngày tết, vụ cướp số tiền hơn 2,2 tỷ đồng tại trạm thu phí Dầu Giây khiến báo chí, mạng xã hội sôi sục. Cho dù sau đó chủ đầu tư – Tổng công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã lên tiếng, nói rõ số tiền 2,2 tỷ đồng đó là của nhiều ca trực nhưng đâu đó, vẫn còn có những nghi ngờ.
Trước đó, dư luận trên mạng xã hội (facebook) và một số bài viết trên các báo đã tỏ ý nghi ngờ, thậm chí có nhiều ý kiến giận dữ cho rằng vụ cướp trên đã làm lộ sự không trung thực của VEC khi trước đây chỉ công bố doanh thu một ngày không đạt 1 tỷ đồng. Vậy mà chỉ trong 1 ca mà vào ngày tết, số thu đã trên 2,2 tỷ đồng. Nếu nhân lên 3 ca thì số tiền phí thu được phải đạt 6 -7 tỷ đồng/ngày (!).
Và kèm theo đó là đủ thứ suy luận, bình luận rằng, những trạm thu phí như Dầu Giây là thu cực lớn, là làm ăn gian dối. Tuy nhiên, cũng đã sớm có những ý kiến nghi ngờ rằng con số thu 2,2 tỷ đồng/ca có lẽ là không chính xác.
VEC sau đó đã lên tiếng thanh minh, nói rõ đó là con số thu của nhiều ngày bởi vì mấy ngày tết, ngân hàng không làm việc thì thu được bao nhiêu, để vào két để sau Tết chuyển vào ngân hàng nên số thu mới nhiều như vậy. Điều này cũng rất có lý vì đúng là những ngày tết, 100% các ngân hàng nghỉ làm việc và chẳng ai lại mang số thu kia về nhà riêng vì nó không đúng nguyên tắc.
Mặc dù vậy, cho đến nay cũng còn nhiều ý kiến nghi ngờ vì dù sao, đó vẫn chỉ là lời nói của lãnh đạo VEC. Cũng không rõ, nói số thu đó của nhiều ngày là bao nhiêu ngày? Nếu là 2 ngày thì cũng là con số không hề nhỏ của một trạm thu phí. Ngoài ra, nếu theo chính con số của VEC mà báo Tuổi trẻ đưa tin ngày 8/2, trung bình một ngày, tuyến cao tốc TPHCM-Long Thành-Dầu Giây, tổng mức thu phí đạt 3,3-3,4 tỷ đồng. Đây là một con số không hề nhỏ. Và hơn nữa, người dân đòi hỏi cơ quan quản lý nhà nước phải kiểm tra, xác minh xem “ông” VEC nói có đúng hay không.
Yêu cầu làm rõ thông tin từ nguồn thu, lợi nhuận của các chủ đầu tư các trạm thu phí BOT để bớt đi sự nghi hoặc từ phía người dân là hoàn toàn đúng đắn. Mặc dù, ở nhiều doanh nghiệp, doanh thu, lợi nhuận…thường được coi giữ kín, có khi còn được coi là bí mật kinh doanh. Nhưng với những doanh nghiệp là doanh nghiệp nhà nước hay các công ty cổ phần thì những thông tin đó vẫn phải được công khai để người dân, để cổ đông giám sát.
Ở đây, một cơ sở kinh doanh như trạm thu phí là nơi hoạt động của nó ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của người dân, là chi phí với nhiều doanh nghiệp khác, nhất là các doanh nghiệp kinh doanh vận tải thì càng cần phải công khai, minh bạch.
Đáng tiếc là trong khoảng một năm nay, thông tin về các hoạt động, kinh doanh của doanh nghiệp nhất là các chủ đầu tư các trạm thu phí đường bộ BOT rất ít được công khai. Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ Tài chính, Thanh tra Bộ Giao thông- là những cơ quan thường xuyên đi thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp nhưng hầu như đã không còn họp báo thường kỳ, hay chí ít là công bố kết luận thanh tra, kiểm tra của họ trên cổng thông tin, trang web của các cơ quan này.
Bất cứ người dân nào cũng có thể dễ dàng vào các trang web của Kiểm toán Nhà nước hay Thanh tra Chính phủ. Các trang đó đều có mục công khai kết luận kiểm toán hay công khai kết luận thanh tra. Nhưng rất khó khăn để tìm kiếm kết luận kiểm tra, thanh tra, kiểm toán nào về các trạm thu phí BOT. Kiểm toán Nhà nước thì đã rất lâu không công khai kết luận nào chứ đừng nói đến kết luận kiểm toán một doanh nghiệp BOT dù thực tế, hàng năm, vẫn có nhiều đoàn đi kiểm toán về vấn đề này.
Thiếu thông tin chính thống từ các cơ quan nhà nước, người dân lấy gì để tin vào những tuyên bố, thông báo từ các chủ đầu tư các trạm thu phí BOT, nhất là khi trên thực tế, đã có những ví dụ cho thấy, có những doanh nghiệp kinh doanh loại hình này đã báo cáo sai lệch về số thu?.
Do đó, cần có luật quy định buộc các chủ đầu tư BOT phải thường xuyên công bố, cập nhật thông tin về doanh thu, chi phí và cơ quan nhà nước phải kiểm tra, xác minh để người dân được biết. Như thế mới tránh được chuyện có thể có chuyện “hiểu nhầm” về số thu của trạm thu phí BOT như ở trạm Dầu Giây.
Mạnh Quân (Dân trí)
Nguồn: Đấu trường dân chủ